Chia tiền và đốt xe máy để xóa dấu vết

Công an TP.HCM cho biết đã bắt giữ Nguyễn Thị Bích Tuyền (SN 2001, quê Bến Tre), Nguyễn Ngọc Mỹ (SN 1993, ngụ tỉnh Bình Dương) và Lâm Phúc Lợi (SN 2000, ngụ tỉnh Vĩnh Long) về hành vi cướp tài sản.

Vụ cầm súng cướp ngân hàng Sacombank: Nghi can có thể bị xử lý 2 tội danh? - Ảnh 1.

Nguyễn Ngọc Mỹ (trái, nghi can cầm đầu) và Nguyễn Thị Bích Tuyền cùng số tiền tang vật vụ cướp. Ảnh: Công an TP.HCM

Đây là 3 nghi can liên quan đến vụ cầm súng, cướp 3,8 tỷ đồng tại phòng giao dịch Nhị Xuân, Ngân hàng Sacombank trên đường Nguyễn Văn Bứa, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn ngày 24/10.

Tại cơ quan điều tra, các nghi can khai đều đang mắc nợ không có khả năng chi trả, tham gia hội nhóm trên Facebook kết bạn, nhắn tin cho nhau tìm cách kiếm tiền.

Khoảng đầu tháng 10, bộ ba bàn kế hoạch đi cướp tài sản tại Phòng giao dịch Nhị Xuân. Mỹ và Lợi đã đặt mua trên mạng 2 súng tự chế, một xe máy cũ về sơn lại màu đen dùng đi gây án. Còn Tuyền thuê ôtô để hỗ trợ đồng phạm trong quá trình cướp ngân hàng và tẩu thoát.

Khoảng 8h ngày 24/10, Tuyền lái ôtô chở Mỹ, Lợi chạy xe máy, cùng đến gần Phòng giao dịch Nhị Xuân để quan sát, chờ thời cơ thuận lợi. Đến 10h, Lợi và Mỹ cầm súng vào uy hiếp, khống chế nhân viên bảo vệ, nhân viên giao dịch và khách hàng của ngân hàng.

Cùng lúc, Lợi vào phía trong quầy giao dịch, uy hiếp nhân viên ngân hàng bỏ tiền vào balô đã chuẩn bị sẵn, sau đó cả hai nhanh chóng rời khỏi hiện trường bằng xe máy.

Khi đến gần trại cai nghiện Nhị Xuân thuộc xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, Mỹ và Lợi dùng xăng đã chuẩn bị từ trước đốt xe máy, quần áo, balô để xóa dấu vết. Tuyền sau đó đến đón hai đồng phạm, lẩn trốn tại nhiều địa điểm thuộc quận 12.

Có thể bị xử lý 2 tội danh khi nào?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, đây là vụ cướp rất manh động, táo tợn khi các nghi can sử dụng vũ khí để tấn công, uy hiếp nhân viên ngân hàng và chiếm đoạt tài sản số tiền 3,8 tỷ đồng

Hành vi đe dọa, uy hiếp nhân viên ngân hàng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của các nghi can đã đủ dấu hiệu cấu thành tội Cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật hình sự.

Luật sư Thơ cho biết, theo quy định, tội cướp tài sản là tội danh có cấu thành hình thức, chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có thủ đoạn khác khiến cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm mà không cần phụ thuộc vào việc đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa và giá trị tài sản là bao nhiêu.

Bên cạnh đó, tội cướp tài sản cùng lúc xâm hại đến 2 khách thể đó là quyền sở hữu và tính mạng, sức khỏe của công dân. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng mất khả năng chống cự nhằm chiếm đoạt tài sản nên mức hình phạt rất nghiêm khắc.

Cụ thể, theo quy định của Điều 168 Bộ luật hình sự, nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, người phạm tôi sẽ đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh là từ 18 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Như vậy, với số tiền 3,8 tỷ đồng đồng, nếu bị chứng minh có tội, tùy tính chất mức độ mà các nghi can trên có thể đối mặt với khung hình phạt là từ 18 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, theo vị luật sư, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguồn gốc khẩu súng mà các nghi can đã sử dụng để thực hiện hành vi cướp tài sản.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy khẩu súng mà các nghi can sử dụng là loại vũ khí quân dụng hoặc có chức năng như vũ khí quân dụng, các nghi can còn có thể bị xử lý thêm tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.