Ngày đầu tiên đặt chân tới Pháp, trong chuyến công du 5 ngày xuyên Châu Âu, lễ đón Chủ tịch Trung Quốc đã diễn ra tại Điện Invalides, ngay trước cuộc hội đàm song phương Pháp-Trung ở Điện Elysee. Sau đó, Tổng thống Macron mời Chủ tịch Tập cùng dự Diễn đàn kinh tế Pháp-Trung và cùng hai phu nhân dự bữa tối cấp Nhà nước.
Cũng tại Paris, ông Tập lần đầu tiên tham gia cuộc gặp 3 bên với Tổng thống Pháp và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhằm giải quyết những mối quan ngại rộng lớn hơn giữa Trung Quốc và các thành viên EU.
Cuộc “tấn công quyến rũ”
Trước chuyến công du của ông Tập, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi thiết lập lại quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhấn mạnh rằng, Châu Âu có thể đóng vai trò cân bằng, cho phép Bắc Kinh tiếp tục tham gia vào kinh tế toàn cầu.
Khi đó, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Pháp La Tribune Dimanche, ông Macron nói rõ rằng, Châu Âu muốn có nhiều sự tương hỗ hơn trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh cần thiết lập lại quan hệ này để đảm bảo an ninh kinh tế.
“Cụ thể, tôi không đề xuất tách mình ra khỏi Trung Quốc, cho dù đó là về khí hậu hay an toàn, chúng tôi cần người Trung Quốc”, Tổng thống Pháp nói trong cuộc phỏng vấn.
“Chúng ta đang ở một bước ngoặt trong lịch sử khi mối quan hệ EU-Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức”, ông Macron phát biểu. Về mục đích của cuộc gặp, Tổng thống Pháp nói rõ, trước tiên là giải quyết các vấn đề thương mại và cách đảm bảo "cạnh tranh công bằng", sau đó là các vấn đề liên qua các cuộc xung đột quân sự ở Ukraine và Trung Đông.
Theo Tổng thống Pháp, họ muốn chia sẻ “cả quan điểm và mối quan tâm chung để cùng cố gắng vượt qua các trở ngại vì tương lai của EU rõ ràng sẽ phụ thuộc vào khả năng phát triển quan hệ cân bằng với Trung Quốc”.
Đáp lại, khi bắt đầu cuộc họp ở Paris, ông Tập cho rằng, “thế giới ngày nay đã bước vào một thời kỳ phân cực và thay đổi. Là hai lực lượng quan trọng trên thế giới, Trung Quốc và Châu Âu nên… liên tục có những đóng góp mới cho hòa bình và sự phát triển toàn cầu”.
"Chúng ta cần hướng tới tương lai và cùng nhau hợp tác vì một thế giới đa cực bình đẳng và trật tự", Chủ tịch Trung Quốc nói, đồng thời kêu gọi Tổng thống Pháp cùng ông phản đối việc "phân tách" chuỗi cung ứng của Trung Quốc và các nền kinh tế khác.
Chuyến công du Châu Âu của ông Tập lần đầu tiên sau 5 năm, nhằm tìm cách xây dựng lại quan hệ vào thời điểm căng thẳng toàn cầu và quan hệ thương mại EU-Trung Quốc vướng nhiều trở ngại. Giới quan sát bình luận, những đề nghị của Tổng thống Pháp như một cuộc “tấn công quyến rũ”. Bởi một trong những lý do chính khiến ông Tập có kế hoạch đến thăm 3 quốc gia châu Âu thời gian này là vì trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc đã xấu đi rất nhiều. Yếu tố chính đằng sau tình trạng căng thẳng này là sự mất cân bằng thương mại chưa từng có và sự bất mãn ngày càng tăng trong khối về việc không thể tiếp cận thị trường Trung Quốc. Pháp đang thâm hụt thương mại 46 tỷ Euro (49,6 tỷ USD) với Trung Quốc mỗi năm.
Ngay tuần trước, EC đã mở một cuộc điều tra về những ưu đãi được cho là nhằm vào các công ty Trung Quốc trong việc mua sắm thiết bị y tế. Trước đó, xe điện do Trung Quốc sản xuất, các nhà sản xuất tuabin gió, thép… của nước này cũng đang nằm trong tầm ngắm giám sát có thể bị áp thuế, trong bối cảnh lo ngại trợ cấp của Bắc Kinh đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp của mình giành được lợi thế về giá tại thị trường EU.
Các thành viên EU như Italy cũng dần rời xa Sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc. Trong khi đó, mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Bắc Kinh với Nga đã khiến một số quốc gia Châu Âu không hài lòng, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài sang năm thứ ba mà chưa thể dự báo về ngày kết thúc.
Đối diện với hàng loạt vấn đề như vậy, Bắc Kinh hiện đang hy vọng, không có cuộc điều tra nào trong số này sẽ dẫn đến sự chia rẽ về kinh tế với EU, vì nền kinh tế số hai thế giới vẫn chưa có cách nào "gỡ" được các hạn chế thương mại trường kỳ do Mỹ áp đặt. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây cảnh báo Bắc Kinh rằng, Washington sẽ không chấp nhận các ngành công nghiệp mới bị hàng nhập khẩu của Trung Quốc "tàn phá".
Liệu có bất kỳ hành động nào tiếp theo hay không?
Cuộc gặp 3 bên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen được giới quan sát đánh giá khá thẳng thắn, khi các bên đều không ngần ngại bày tỏ rõ quan điểm của mình. Tuy nhiên, một sự thẳng thắn đến cứng rắn đã khiến các nguồn tin ngoại giao đặt câu hỏi - sau đây, liệu các bên có thể có bất kỳ hành động nào tiếp theo hay không?
Là một người ủng hộ mạnh mẽ chủ quyền kinh tế của Châu Âu, ông Macron nêu lên mối lo ngại của Pháp về các cuộc điều tra chống bán phá giá của Trung Quốc đối với rượu cognac và các loại rượu mạnh khác của châu Âu, cũng như căng thẳng về mỹ phẩm của Pháp và một số lĩnh vực khác nữa.
Tổng thống Pháp cũng lên tiếng chỉ trích các hoạt động thương mại của cả Trung Quốc và Mỹ đều nhằm củng cố các biện pháp bảo vệ và trợ cấp. Ông mong muốn Trung Quốc tạm thời không áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với rượu cognac của Pháp, tăng cường đối thoại để xoa dịu căng thẳng thương mại song phương.
Trong khi đó, Chủ tịch EC von der Leyen đặt vấn đề “EU và Trung Quốc muốn có mối quan hệ tốt đẹp… Nhưng mối quan hệ này đang gặp thách thức, chẳng hạn như tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc, khả năng tiếp cận thị trường không bình đẳng và sự phụ thuộc quá mức”.
“Mối quan hệ EU-Trung Quốc bị tổn hại do tiếp cận thị trường không bình đẳng và trợ cấp ồ ạt của Bắc Kinh. EU không thể hấp thụ tình trạng sản xuất quá mức hàng hóa công nghiệp Trung Quốc đang tràn ngập thị trường của mình, cũng như không thể chấp nhận các hành vi bóp méo thị trường", Chủ tịch EC thẳng thắn.
Bày tỏ sự tin tưởng về tiến bộ có thể có trong các cuộc đàm phán, nhưng bà von der Leyen lại đưa ra lời cứng rắn rằng, "châu Âu sẽ không lùi bước trong việc đưa ra những quyết định cứng rắn và công cụ phòng vệ cần thiết để bảo vệ nền kinh tế và an ninh của mình".
Đáp lại, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, không có cái gọi là dư thừa công suất tại Trung Quốc và cho rằng, điều này đang giúp tăng nguồn cung toàn cầu và giảm bớt áp lực lạm phát. Ông Tập nói rõ, vấn đề dư thừa công suất của Bắc Kinh "không tồn tại từ góc độ lợi thế so sánh hay xét đến nhu cầu toàn cầu", truyền thông Trung Quốc đưa tin. Ông Tập cũng nói rằng, Trung Quốc và Pháp sẽ nỗ lực tái cân bằng thương mại từ đầu nhưng không đề cập thông tin chi tiết.
Giới truyền thông nhận xét, cả Tổng thống Pháp và Chủ tịch Trung Quốc đều đưa ra rất ít thông tin chi tiết, điều này có nghĩa là không có thuế quan hoặc thuế nhập khẩu cho đến khi cuộc điều tra kết thúc, nhưng không loại trừ các biện pháp sau khi kết thúc điều tra.
Theo một quan chức Pháp, trong các cuộc gặp ở Paris vào ngày 6/5, Điện Elysee cũng hy vọng các cuộc thảo luận sẽ giúp thuyết phục Bắc Kinh sử dụng tầm ảnh hưởng với Moscow và duy trì đối thoại với Kiev để "góp phần giải quyết xung đột" ở Ukraine. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố trung lập trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng, những thay đổi hiện nay đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên “toàn cầu hóa vui vẻ” và giờ là lúc EU phải thể hiện sự cứng rắn của mình. Phát biểu tại cuộc gặp giữa lãnh đạo doanh nghiệp Pháp-Trung Quốc, ông Le Maire nhận định, việc đạt được sự cân bằng trong quan hệ thương mại giữa hai bên vẫn còn rất xa.
Tại Diễn đàn kinh tế Pháp-Trung diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm, Pháp và Trung Quốc đã ký 15 thoả thuận thương mại và quan hệ đối tác, trong đó đáng chú ý là hợp đồng cung cấp động cơ điện cho tuyến tàu điện ngầm của thành phố Hợp Phì giữa tập đoàn Alstom của Pháp và Tổng công ty đường sắt Trung Quốc (CRRC); Thoả thuận quan hệ đối tác chiến lược về pin điện giữa Tập đoàn Năng lượng Hạ Môn và Công ty Orano. Trong chặng công tác tiếp theo của ông Tập, Hungary đã xác nhận nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ thăm nước này từ ngày 8-10/5 sau khi dừng chân tại Serbia.