Thương hiệu gạo Việt Nam ngày càng đáp ứng được từ các thị trường khó tính

Những tín hiệu xuất khẩu gạo khởi sắc đầu năm một phần do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; xâm nhập sâu vào các thị trường “khó tính” như châu Âu. Chính những điều này tiếp tục khẳng định chất lượng gạo Việt Nam ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường.

Vùng ĐBSCL là vựa lúa của cả nước, mỗi năm vùng sản xuất từ 24 đến 25 triệu tấn lúa đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm qua xuất khẩu gạo đã mang về cho Việt Nam hơn 4,6 tỷ USD, tăng cả về lượng và kim ngạch xuất khẩu, đây được xem là năm thắng lợi của ngành hàng lúa gạo. Ngay trong quý I/2024 con số ấn tượng khi Việt Nam đã xuất khẩu gần 2,2 triệu tấn gạo với trị giá 1,4 tỷ USD, giá trung bình hơn 653 USD/tấn. Xuất khẩu gạo đã tăng hơn 17% về lượng và hơn 45 % về trị giá so với năm 2023. Xuất khẩu gạo trong quý I vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm.

Xuất khẩu khởi sắc cơ hội để khẳng định thương hiệu gạo Việt NamXuất khẩu khởi sắc - cơ hội để khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ cấu giống và xuất khẩu gạo của Việt Nam có trên 80% giống chất lượng cao, đặc sản đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu. Là vùng sản xuất lúa gạo trong điểm của các nước nên việc linh hoạt rải vụ sản xuất ở vùng ĐBSCL thời gian qua đã giải tỏa áp lực thu hoạch, thu mua cho người dân, doanh nghiệp, điều này đã chứng minh qua các mùa vụ khi sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu lúa gạo đã gắn kết chặt chẽ với nhau.

"Cơ cấu giống để xuất khẩu của Việt Nam có trên 80% lúa chất lượng cao và lúa đặc sản đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Vấn đề thứ hai khi mà mở rộng thị trường khi mà các tham tán của Bộ Công Thương cũng như Bộ NN&PTNT cho thấy rằng các thị trường khó tính thì các tiêu chuẩn họ đặt ra rất khắt khe, vì thế tổ chức sản xuất để đáp ứng các yêu cầu đạt chuẩn này. Vấn đề thứ ba là phối hợp với các địa phương tổ chức các vùng nguyên liệu để đáp ứng được nhu cầu các doanh nghiệp", ông Tùng nhấn mạnh.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu gạo sang châu Âu, châu Mỹ trong năm 2023 chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch nhưng 3 tháng đầu năm nay, có sự tăng đột biến. Xuất khẩu sang khu vực này đạt hơn 181.000 tấn, trị giá 135,9 triệu USD, tăng 218,3% so với cùng kỳ. Các thị trường nhập khẩu chính là Pháp, Đức, Hà Lan, Cu Ba, Mỹ, Brazil…

Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, tổng lượng gạo hạn ngạch mà Chính phủ Indonesia quyết định nhập khẩu trong năm là 3,6 triệu tấn so với dự kiến ban đầu. Riêng Trung Quốc có xu hướng quay trở lại nhập khẩu gạo nhiều hơn từ các nước Đông Nam Á.

Ông Tạ Hoàng Linh cũng chỉ ra tại châu Âu, Việt Nam đứng thứ 12 trong số các nước xuất khẩu gạo vào thị trường này. Đây là thị trường tiềm năng nhưng rất khắt khe và khó tính, nhất là đối với sản phẩm nông sản. Nhìn chung, gạo Việt Nam khó cạnh tranh về giá và mẫu mã với các đối thủ chính ở các phân khúc phổ thông, trước những quốc gia đã có mặt ở thị trường này từ rất lâu và chiếm thị phần lớn như Thái Lan và Ấn Độ.

Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ khuyến cáo cần tập trung xuất khẩu gạo sang 2 khu vực này ở phân khúc gạo cao cấp, các loại gạo thơm, giá trị cao, đặc sản, đặc trưng có thương hiệu Việt Nam (như ST24, ST25). Đồng thời, phát triển các sản phẩm chế biến làm từ gạo như phở, bún, bánh đa,… sẽ có thể mang lại hiệu quả và tiềm năng to lớn.

Thiên Trường (t/h)