TP. Thuận An nằm ở phía Nam tỉnh Bình Dương, sở hữu vị trí lý tưởng đáp ứng tốt các nhu cầu giao thương cũng như phát triển văn hóa của khu vực. Phía Đông và phía Bắc lần lượt giáp thành phố Dĩ An, thành phố Thủ Dầu Một và một phần của thị xã Tân Uyên. Phía Tây và phía Nam lần lượt giáp Quận 12, Củ Chi, Hóc Môn và thành phố Thủ Đức.
Trong vài năm trở lại đây, TP. Thuận An với sự chắp cánh về hạ tầng đô thị và kinh tế đã có những bước chuyển mình rõ rệt. Thuận An được định hướng trở thành đô thị thông minh - Đô thị loại 1 (giai đoạn 2021 - 2025), gồm: 3 khu công nghiệp VSIP, Việt Hương và Đồng An; 2 cụm khu công nghiệp tập trung An Phú và An Thạnh; thu hút 2.368 doanh nghiệp; 30.000 hộ kinh doanh thương mại - dịch vụ. Thành phố cũng đã đầu tư 3 công viên, diện tích từ 1.000 - 2.000m2, đang triển khai xây dựng 5 công viên với diện tích từ hơn 2.000 - 15.000m2 góp phần tạo không gian xanh, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.
Trong báo cáo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, TP. Thuận An đã đưa ra các mục tiêu cụ thể. Trong đó diện tích đất nông nghiệp sẽ giảm 965,44ha so với năm 2020, mà chủ yếu chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng và khu dân cư đô thị. Trong đó, đất dành cho thương mại - dịch vụ tăng thêm 76,21ha, đất ở đô thị tăng 766,07ha. Như vậy, có thể thấy thành phố đã quyết tâm vươn lên trở thành đô thị loại 1 khi bố trí đất cho việc phát triển ngành thương mại - dịch vụ và tạo điều kiện cho người dân có thể mua nhà ở lâu dài.
TP. Thuận An có dân số hiện tại là 618.984 người, tỷ lệ dân nhập cư chiếm hơn 70%, bình quân khoảng 14.000 lao động mới và gần 2,000 chuyên gia về đây làm việc mỗi năm.
Cơ hội mới cho TP. Thuận An
Có thể nói, TP. Thuận An đang trở thành “điểm đến tiềm năng” khi hội tụ đầy đủ yếu tố thuận lợi về kinh tế, xã hội, hạ tầng... tạo tiền đề để bứt phá ngoạn mục trong tương lai không xa. Hiện Thuận An có cơ sở hạ tầng tốt nhất tại tỉnh Bình Dương, với tốc độ đô thị hóa kỷ lục đạt 98,5% ngay trong năm đầu chính thức lên thành phố.
Theo quy hoạch của UBND tỉnh Bình Dương, khu vực này sẽ có năm đại trung tâm thương mại, phố Wall Bình Dương, hàng loạt các bệnh viện lớn, trường quốc tế, sân golf, tổ hợp căn hộ cao cấp, các tòa nhà chọc trời là biểu tượng của Bình Dương đều nằm tại Thuận An.
Mục tiêu đã rõ ràng, vậy nên ngay thời điểm này, tỉnh Bình Dương đã có những hành động cụ thể để đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng cho TP. Thuận An. Trong đó có thể kể đến dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 từ 6 làn xe lên 8 lên xe, với tổng mức đầu tư 1.367 tỷ đồng.
Dự án mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ Vĩnh Phú (TP. Thuận An) đến giao lộ Lê Hồng Phong (TP. Thủ Dầu Một) dài 12,7 km. Trong đó, giai đoạn I (đoạn từ Vĩnh Phú đến cầu Ông Bố) dài 4.875 m, giai đoạn 2 (từ cầu Ông Bố đến nút giao thông Hữu Nghị) dài 2.868 m, giai đoạn 3 (từ nút giao thông Tự Do đến giao lộ Lê Hồng Phong) dài 4.898 m.
Theo đó, sau khi tuyến Quốc lộ 13 hoàn thiện sẽ góp phần giúp TP. Thuận An thu hút nhà đầu tư. Với ưu thế về hạ tầng, địa phương này luôn là cái tên thu hút các nhà đầu tư bất động sản. Đây cũng là một trong những nơi sôi động nhất của thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua.
Thuận An từ lợi thế có vị trí đẹp, sở hữu nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp thu hút lượng nhân lực làm việc lớn, định hướng quy hoạch phát triển bài bản, được tỉnh Bình Dương đầu tư quỹ đất để phát triển tổ hợp thương mại-dịch vụ, đất ở cho cư dân… Từ đó, các chuyên gia môi giới bất động sản nhận định, thành phố sẽ có những nhịp tăng tích cực, đặc biệt là các dự án có vị trí đắc địa, tập trung vào chất lượng sống cho cư dân. Các yếu tố về y tế, giáo dục và không gian sống được đảm bảo sẽ thu hút người có nhu cầu về nhà ở, căn hộ tìm đến để để định cư lâu dài.