thi-truong-chung-khoan-1659495783.jpg
Ông Hồ Quốc Tuấn và ông Trần Thăng Long ở Talkshow Phố Tài chính

Tại Talkshow Phố Tài chính, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), cho rằng 3 đầu tàu lớn của nền kinh tế là Mỹ, các nước châu Âu và Trung Quốc trong giai đoạn vừa qua đã có những dấu hiệu suy thoái.

Các quốc gia này đều có quan hệ kinh tế rất chặt chẽ với Việt Nam, đều là những khách hàng lớn trong hoạt động xuất khẩu. Trong giai đoạn tiếp theo, ông Trần Thăng Long cho rằng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, từ đó tác động gián tiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước.

Tuy nhiên, ở góc độ lạc quan, ông Long nhận định các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn đang ở trạng thái tốt. Cụ thể, tăng trưởng GDP 2 quý đầu năm là 6,4%, trong đó tỷ lệ GDP đến từ dịch vụ, sản xuất công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 70%. Con số này theo đại diện BSC cho thấy mức độ bền vững cao hơn so với giai đoạn trước.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác là cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam, đảm bảo cho quá trình tăng trưởng tiêu dùng trong nước.

“Ngoại trừ thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tiêu dùng của Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức trên 12-13%/năm, là động lực quan trọng để giúp cho Việt Nam tăng trưởng tốt ngay cả khi các quốc gia khác bắt đầu đi vào vùng suy thoái”, ông Trần Thăng Long cho biết.

BSC đánh giá GDP năm 2022 sẽ tăng trưởng mạnh sau đại dịch. Từ năm 2023 trở đi, GDP Việt Nam sẽ duy trì tăng trưởng ở mức trên 5% bất chấp suy thoái, mức tăng trưởng được cho là cao hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Theo ông Trần Thăng Long, các nhà đầu tư nước ngoài mà BSC đã tiếp xúc đều cho rằng Việt Nam là một điểm đến quan trọng của dòng vốn đầu tư và nền kinh tế trong nước chưa chắc sẽ rơi vào suy thoái như một số quốc gia khác.

Cũng tại Talkshow, ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp, Đại học Bristol (Anh), cho rằng yếu tố tác động đến kinh tế Việt Nam chủ yếu là các cú sốc đến từ bên ngoài. Cú sốc thứ nhất là việc Mỹ và châu tăng trưởng chậm, ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Cú sốc thứ hai là đồng USD lên giá mạnh, tạo sức ép khó khăn về mặt chính sách.

“Nếu chúng ta để VND trượt theo đồng USD như các quốc gia sẽ dễ dẫn đến việc nhập khẩu lạm phát. Nhưng nếu giữ VND ổn định so với đồng USD sẽ phát sinh một sức ép và phải can thiệp bằng dự trữ ngoại hối, như Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành”, ông Hồ Quốc Tuấn cho biết.

Vị giảng viên này cho rằng Việt Nam vẫn sẽ duy trì được tăng trưởng dương. Theo đó, việc chi tiêu công hiện vẫn thấp và còn dư địa để giải quyết về mặt chính sách, qua đó thúc đẩy đầu tư hạ tầng. Ông Hồ Quốc Tuấn nhận định yếu tố này có thể đẩy nền kinh tế trong nước qua khỏi giai đoạn khó khăn, không cần đi vào giai đoạn suy thoái.

Tiết lộ nhóm ngành chiếm ưu thế và hút dòng tiền

Theo ông Trần Thăng Long, khi các nền kinh tế trên thế giới bước vào chu kỳ suy thoái thì thị trường chứng khoán của các quốc gia đó đã phản ứng khá nhanh với diễn biến này. Thị trường trong nước cũng có một nhịp giảm gần như đồng pha với các thị trường chứng khoán khác. Điều này sẽ tạo ra cơ hội khi nền kinh tế và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi. Ông Long kỳ vọng đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong nước sẽ diễn ra nhanh hơn so với các nền kinh tế đã tạo đáy.

Đại diện BSC cho rằng thị trường chứng khoán trong nước đã ở sát vùng đáy và có thể kéo dài thêm một khoảng thời gian. Ở giai đoạn này, những ngành thiên về phòng thủ như năng lượng, hoá chất chiếm ưu thế và đang hút dòng tiền.

“Bất cứ đợt suy giảm nào cũng sẽ đi kèm những đợt phục hồi. Quy mô phục hồi tuỳ thuộc vào sức mạnh của thị trường. Nếu nhà đầu tư quan tâm đến yếu tố ngắn hạn có thể thử sức những ngành đã suy giảm nhiều nhất trong giai đoạn trước đó”, ông Trần Thăng Long cho biết.

Ông Hồ Quốc Tuấn cho rằng hiện có một lượng tiền rất lớn đang sẵn sàng đầu tư vào thị trường. Theo đó, lượng tiền mặt tại các quỹ đầu tư trên thế giới đang ở mức cao nhất trong lịch sử 15 năm. Ông cho rằng thị trường chứng khoán có khả năng còn một nhịp đi xuống, nhưng nhiều ý kiến đều nhận định thị trường đang ở rất gần đáy.

“Nếu có một đợt sụt giảm nữa thì mức giảm sẽ rơi vào khoảng 10-15% đối với thị trường toàn cầu, không thể giảm sâu hơn vì lượng tiền mặt đã quá lớn. Dư địa về vĩ mô sẽ chống chịu cho đến giai đoạn xấu nhất của nền kinh tế là quý IV/2022 hoặc đầu năm 2023. Các yếu tố lạc quan hơn sẽ xuất hiện sau giai đoạn đó và thị trường cổ phiếu sẽ phát triển mạnh trở lại”, ông Hồ Quốc Tuấn nói.

Theo vị giảng viên này, trong giai đoạn phòng thủ ở Việt Nam, nhà đầu tư nên đầu tư vào những cổ phiếu của doanh nghiệp có xu thế tốt về lợi nhuận, chẳng hạn như xu thế chuyển đổi số, cung cấp phần mềm, xuất khẩu phần mềm. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể quan tâm đến những cổ phiếu của doanh nghiệp về hàng tiêu dùng thiết yếu với lợi nhuận và mức cổ tức ổn định. 

Talk show Phố Tài chính là chương trình truyền hình cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin chính thống, đa chiều và các kiến thức chuyên sâu về thị trường tài chính - chứng khoán. Chương trình được phát sóng vào lúc 18h30 thứ 2 hàng tuần trên VTV8 và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội của Talkshow Phố Tài chính.