Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8, các chuyên gia cho rằng, có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế thế giới khả năng sẽ bước vào đợt suy thoái và kinh tế Việt Nam cũng khó tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, các chỉ tiêu vĩ mô vẫn duy trì ở mức ổn định, lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt, các cân đối lớn vẫn được đảm bảo.
Cụ thể, sau 9 tháng, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 8,83% so với cùng kỳ. TS. Vũ Đình Ánh cho rằng dù quý IV tồn tại một số khó khăn, nhưng mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2022 sẽ vượt xa so với mục tiêu 6 – 6,5% mà Chính phủ đã đặt ra.
Lạm phát sau 9 tháng tăng bình quân khoảng 2,73%. So với cả bối cảnh lạm phát của nhiều nước trên thế giới, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng Việt Nam đang kiểm soát tốt lạm phát cho đến thời điểm này. Kỳ vọng cho cả năm 2022, vị TS này nhận định Việt Nam vẫn kiểm soát tốt lạm phát dưới mức 4% như Quốc hội đã yêu cầu.
Theo ông Vũ Đình Ánh, cả khu vực kinh tế trong nước cũng như khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đều có tốc độ tăng trưởng khá tốt về đầu tư, đảm bảo cung ứng nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn xã hội vẫn đang tăng trưởng 2 chữ số, kỳ vọng đạt được kết quả tốt cho cả năm 2022.
Nhờ việc duy trì xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng trên 17%, thặng dư về cán cân thương mại đạt gần 7 tỷ USD. TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, với các kết quả này, Việt Nam đã đạt được cả 2 mục tiêu là tăng trưởng cao và ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo đó, nếu xác định trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế và vấn đề kiểm soát lạm phát tạo tiền đề cho một chu kỳ tăng trưởng mới, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng Việt Nam sẽ vẫn duy trì được tăng trưởng cao 7,5%, thậm chí đạt 8% trong năm 2023, kể cả trong tình hình kinh tế thế giới suy thoái.
Đồng quan điểm, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC), cho rằng các chỉ tiêu vĩ mô của Việt Nam so với các quốc gia khác trong tình hình hiện tại đều thấy Việt Nam đang làm tương đối tốt.
Tuy nhiên, theo ông Trần Thăng Long, những điều chỉnh trong thời gian gần đây của chính sách cũng bắt đầu “thấm” vào doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp đang bắt đầu thấy sự ảnh hưởng của việc lãi suất gia tăng thì sức ép về chi phí tài chính gia tăng, thanh khoản của suy giảm đi, cảm thấy khó khăn hơn khi tiếp cận với vốn. Đồng thời, các đơn hàng cũng không thuận lợi như giai đoạn 2 năm trước.
Trong suốt giai đoạn 2, 3 năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành chuyển đổi. Nếu như không có dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp này có thể sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện chuyển đổi số, hay các cuộc họp online với đối tác thay vì việc bay đi bay về như trước đây, làm phát sinh nhiều chi phí công việc.
Theo ông Trần Thăng Long, chuyển đổi đang diễn ra từ chính bên trong doanh nghiệp nhưng đồng thời sẽ cần có thời gian và những sự hỗ trợ định hướng tới chính sách từ phía các cơ quan quản lý của nhà nước, để đảm bảo cho hệ thống doanh nghiệp trong nước sẽ đủ sức và đủ thời gian để thích nghi với giai đoạn sắp tới, khi mà rất nhiều những yếu tố mà bất định chưa dự đoán được sẽ diễn ra như thế nào.
Do vậy, ông Trần Thăng Long cho rằng năm 2023 có thể sẽ khó dự báo hơn. Tuy nhiên, ông cũng cho biết vẫn tin tưởng rằng với nỗ lực của Việt Nam cũng như nỗ lực của hệ thống doanh nghiệp và người dân, trong xu hướng dài hạn vẫn là một chu kỳ lớn của nền kinh tế Việt Nam thị trường sẽ vượt qua giai đoạn này.
Talk show Phố Tài chính là chương trình truyền hình cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin chính thống, đa chiều và các kiến thức chuyên sâu về thị trường tài chính - chứng khoán. Chương trình được phát sóng vào lúc 18h30 thứ 2 hàng tuần trên VTV8 và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội của Talkshow Phố Tài chính. |