ty-gia-tang-co-nhung-tac-dong-hai-chieu-doi-voi-nen-kinh-te-1669359781.jpg
Tỷ giá tăng có những tác động hai chiều đối với nền kinh tế

Quỹ đầu tư nước ngoài ít bị tác động

Trong báo cáo “Triển vọng Kinh tế Thế giới” gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhận định thế giới đang đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm hơn, lạm phát cao hơn và điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn. Đặc biệt, ở Mỹ, lãi suất đã tăng lên đáng kể để đối phó với lạm phát cao hơn. Lãi suất cao hơn ở Mỹ và những lo ngại về kinh tế toàn cầu đã khiến USD mạnh lên.

Nhiều đồng tiền đã giảm giá so với USD, bao gồm một số đồng tiền trong khu vực, nhưng ông Francois Painchaud, đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam cho biết, VND mất giá không nhiều so với các nước khác.

Chia sẻ với báo chí, ông Brook Taylor, CEO Quỹ VinaCapital Asset Management nhận định, giá trị USD tăng vọt không có lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường mới nổi vì hai lý do.

Thứ nhất, các nhà đầu tư nước ngoài chịu khoản lỗ khi quy đổi ngoại tệ đối với giá trị các khoản đầu tư của họ nếu USD tăng giá - đơn giản vì họ thường quan tâm chủ yếu đến giá trị USD của các khoản đầu tư đó. Điều này giúp giải thích tại sao chỉ số thị trường mới nổi của Morgan Stanley Capital International (MSCI-EM) hoạt động kém hơn SP500 trong năm nay.

Thứ hai, các quốc gia có nguy cơ mất giá tiền tệ lớn (như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, các quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh) gặp khó khăn trong thu hút vốn dài hạn - bao gồm cả các khoản đầu tư từ các quỹ Đầu tư tư nhân (PE) và Đầu tư mạo hiểm (VC).

“Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, Việt Nam không gặp vấn đề này, vì Chính phủ đã nhất quán thể hiện quyết tâm trong 10 năm qua là duy trì tỷ giá USD/VND ổn định - và quyết tâm đó mạnh mẽ hơn kể từ năm 2015. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng, bất ổn trên thị trường ngoại hối toàn cầu sẽ tác động đến các quỹ PE hoặc VC tới Việt Nam”, ông Brook Taylor nhận định.

Vậy, đồng Việt Nam ổn định được hiểu theo cách nào? Theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, rủi ro về tỷ giá đối với những quốc gia có độ mở như Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và đặc biệt là hội nhập về thương mại luôn hiện hữu. Nhưng phải ghi nhận Việt Nam đã thực hiện từng bước hay nói các khác đã có lộ trình và thực hiện tỷ giá linh hoạt trong tương lai.

“Điều này hỗ trợ rất tốt cho nền kinh tế Việt Nam, bởi với biên độ đã có nếu nói phá giá đồng Việt Nam sẽ không hoàn toàn đúng bởi tỷ giá đã luôn biến động theo thị trường trong biên độ cho phép, nên đó là sự trượt giá thì đúng hơn. Tỷ giá hiện “trường” ổn định trong biên độ”, chuyên gia kinh tế trưởng ADB nói.

Còn ông Francois Painchaud cho rằng, trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có những diễn biến phức tạp và khó đoán định, các quốc gia phải đảm bảo lượng dự trữ ngoại hối để đối phó với lượng dòng tiền chảy ra và tình hình phức tạp có thể diễn ra trong tương lai. Với nền tảng kinh tế phát triển ổn định của Việt Nam và lạm phát tương đối thấp, việc điều hành tỷ giá hối đoái linh hoạt là cần thiết.

“Các biện pháp can thiệp ngoại hối có thể giúp đối phó với tình hình phức tạp của thị trường hiện nay và Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc sử dụng các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô thận trọng”, ông Francois Painchaud nói.

Cẩn trọng nợ công

Báo cáo vĩ mô của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố cho biết, sự tăng giá của đồng USD cũng phản ánh qua các bảng cân đối kế toán trên toàn cầu. Khoảng một nửa tổng số các khoản cho vay xuyên biên giới và chứng khoán nợ quốc tế được tính bằng USD.

“Khi lãi suất thế giới tăng, các điều kiện tài chính đã thắt chặt đáng kể đối với nhiều quốc gia. Đồng USD mạnh hơn chỉ làm tăng thêm những áp lực này, đặc biệt là đối với một số thị trường mới nổi và nhiều quốc gia có thu nhập thấp vốn đã có nguy cơ mắc nợ cao”, các chuyên gia phân tích của VDSC nhận định.

Nhìn về Việt Nam, bản tin về nợ công của Bộ Tài chính cho thấy nợ công của Việt Nam năm 2021 là 43,1% GDP. Với quy mô GDP năm 2021 đạt hơn 8,47 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 366 tỷ USD), thì nợ công của cả nước khoảng 3,65 triệu tỷ đồng (gần 156 tỷ USD). Trong đó, nợ Chính phủ cũng từ 51,7% GDP vào năm 2017 xuống còn 39,1% GDP năm 2021; nợ Chính phủ bảo lãnh giảm từ 9,1% GDP năm 2017 về 3,8% GDP năm 2021, tức giảm gần 2,5 lần. Hay nợ nước ngoài của quốc gia đến hết năm 2021 còn 38,4% GDP so với mức 49% GDP năm 2017…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận, việc Fed tăng lãi suất của đồng USD sẽ tác động đến xuất nhập khẩu và tỷ giá đồng USD so với VND. Tuy nhiên, trong cơ cấu nợ công thì đồng USD chỉ chiếm 13,5% và trong cơ cấu về xuất nhập khẩu thì đồng USD chiếm khoảng 29%. Sau khi cơ cấu lại nợ công, ước tính Việt Nam tiết kiệm được khoảng 57.000 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nêu quan điểm, Việt Nam vay nước ngoài bằng nhiều loại tiền khác nhau, trong đó, đồng USD chiếm khoảng 15% - 20%, còn lại các loại ngoại tệ khác và có đồng tiền tăng giá nhưng cũng có đồng tiền giảm giá. “Đa số các đồng tiền giảm giá nên bù trừ nhau thì Việt Nam có lợi chứ không thiệt khi tỷ giá biến động”, TS Lực nói.

Trong tương quan khác, một chuyên gia kinh tế cho rằng, đồng USD tăng giá thì số tiền đồng Việt Nam được dùng để mua đồng USD cho việc thanh toán nước ngoài tăng. Bởi vay bằng đồng USD thì phải trả bằng đồng USD trong khi hạch toán về trả nợ gốc và lãi phải bằng đồng Việt Nam. Do đó, tỷ giá tăng số tiền đồng Việt Nam mua đồng USD sẽ tăng tương ứng. “Ví dụ, tỷ giá tăng 10% thì nghĩa vụ trả nợ tính bằng đồng Việt Nam tăng lên tương ứng 10%”, vị chuyên gia chia sẻ.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, quan trọng nhất đó là nghĩa vụ trả nợ cả gốc và lãi khi tỷ giá tăng nếu khó tiếp cận ngoại tệ sẽ gây khó khăn trong việc thanh toán nợ khi đến hạn. Đặc biệt nợ nước ngoài bên cạnh khu vực chính phủ còn có khu vực tư nhân. Khu vực công còn có cách xử lý được trong khi khu vực tư nhân vay nước ngoài đến kỳ hạn mà không tiếp cận được sẽ gây xáo trộn trên thị trường ngoại hối.

“Mối nguy là khu vực tư nhân buộc phải tiếp cận thị trường ngoại tệ phi chính thức và điều này kéo theo đó đẩy tỷ giá lên cao”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng khuyến nghị: “Để áp dụng được chính sách tỷ giá thì việc quản lý thị trường ngoại hối ngân hàng và chợ đen cần thực hiện hiệu quả. Tránh việc nới lỏng biên độ tỷ giá nhưng không kiểm soát chặt các thị trường”.