Xuyên đêm ngày 2 rạng sáng 3/1, lực lượng cứu nạn cứu hộ tỉnh Đồng Tháp vẫn tiếp tục tiến hành các phương án giải cứu bé trai Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) - nạn nhân rơi xuống ống cọc bê tông sâu 35 m, đường kính 25 cm ở công trình cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp).
Khoảng 2h45 ngày 3/1, ống vách thép đường kính khoảng 1,5 m được đặt bọc quanh ống cọc bê tông nơi bé Nam mắc kẹt. Việc đặt ống thép diễn ra trong khoảng một giờ.
Sau khi đặt ống thép xong, lực lượng cứu hộ sẽ hút lớp bùn đất ở giữa ống thép và cọc bê tông với mục đích làm rỗng khối đất xung quanh. Kế đến, đội sẽ đưa dây xuống cột quanh ống cọc bê tông 3 đoạn để kéo đoạn có bé trai lên.
Lực lượng cứu hộ tiến hành đặt ống thép lớn bọc quanh ống cọc bê tông nơi bé Nam bị rơi xuống. Ảnh: Hoàng Giám. |
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết tiên lượng của bé Nam rất xấu khi nạn nhân có khả năng bị đa chấn thương. Điều kiện trong lòng ống cọc bê tông không đảm bảo không khí, cháu bé còn gặp thời tiết lạnh, không được ăn uống.
"Đội đã dùng thiết bị thăm dò, ở vị trí khoảng 8 m tính từ mặt ống cọc bê tông xuống thì đã phát hiện có nước", ông Bửu nói.
Tối 2/1, một đội tình nguyện đến từ TP.HCM do anh Trần Hoàng Hải dẫn đầu đã đến hiện trường hỗ trợ lực lượng cứu hộ. Anh Hải dùng máy tầm nhiệt FLIR phân giải cao, chuyên dụng trong việc tìm kiếm cứu nạn. Thiết bị này có khả năng nhận ra sự khác biệt nhiệt độ giữa chủ thể và môi trường.
Trong trường hợp không sử dụng được máy FLIR, anh Hải chuyển qua dùng thiết bị GoPro Max dùng để thăm dò 360 độ bên trong lòng ống. "Lần mở ống đầu tiên cho thấy nước đã ở khoảng cách khá gần, do đó việc sử dụng thiết bị này không còn khả quan", anh Hải cho biết.
Trước câu hỏi về việc tiến độ giải cứu bé Nam, ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp, cho biết đội đã rất nỗ lực, tuy nhiên việc cứu hộ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như địa chất, địa tầng, cũng như điều kiện, thiết bị được điều động từ nơi khác đến.
Về đề xuất về việc nhờ một số đơn vị cứu hộ chuyên nghiệp từ TP.HCM hỗ trợ, ông Bảo cảm ơn lời đề nghị thiện chí của các đơn vị quan tâm đến vụ việc. Song, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp cho biết hiện địa phương đã gần đạt được kế hoạch đã đề ra.
Phương án giải cứu bé Nam là làm loãng địa chất xung quanh để tiến hành nhổ ống cọc bê tông. Đồ hoạ: Duy Anh. |
Vân Trang và Khởi Ngôn