Gian nan cuộc chiến chống mỹ phẩm giả

Vì lợi nhuận, nhiều cá nhân, cơ sở vẫn sản xuất hóa mỹ phẩm giả tuồn ra thị trường để kiếm lời bất chính.

Trước tâm lý sính ngoại trong dùng mỹ phẩm, phái đẹp không ngần ngại bỏ tiền ra mua. Việc sử dụng lâu dài những sản phẩm không rõ nguồn gốc, được làm nhái, làm giả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.

Nhiều đường dây sản xuất mỹ phẩm giả, chạy theo lợi nhuận đã bị triệt phá

Cách đây vài ngày, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) vừa triệt phá 1 đường dây chuyên sản xuất, tiêu thụ gần 1 tấn mỹ phẩm giả trên địa bàn do nhóm đối tượng Nguyễn Quang Huy, Vũ Thường Thái, Nguyễn Thị Giang cầm đầu. Tổ công tác phát hiện tại kho của nhóm đối tượng khoảng 1.500 hộp mỹ phẩm mang thương hiệu giả DAKAMI có tổng trọng lượng khoảng gần 1 tấn, cùng với nhiều máy móc công cụ, phương tiện, máy dập nhãn để làm giả các mặt hàng mỹ phẩm thương hiệu DAKAMI. Các đối tượng này khai nhận nếu 1 tấn mỹ phẩm giả trên được tung ra thị trường với giá bán khoảng 220.000 đồng/hộp thì bọn chúng sẽ thu lời hàng trăm triệu đồng.

Trước đó, Công an TP. Biên Hòa (Đồng Nai) cũng đã phát hiện tại cơ sở kinh doanh sản xuất hàng nghìn mỹ phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng có địa chỉ tại đường Nguyễn Ái Quốc - TP. Biên Hòa. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng công an phát hiện khoảng 3.000 sản phẩm là mỹ phẩm giả như: son môi, kem làm sáng da, kem che khuyết điểm... đã đóng gói thành phẩm đang chờ giao hàng cho những đầu mối qua đường bưu điện. Tiếp tục kiểm tra phía sau căn nhà này, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục can, chai, lọ chứa nhiều chất bột, chất lỏng tạo màu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc đã được pha chế, tạo thành các loại mỹ phẩm có màu sắc giống với các loại mỹ phẩm nổi tiếng trên thị trường và được đóng gói chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.

Gần 1 tấn mỹ phẩm giả nhãn hiệu DAKAMI bị Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện, thu giữ tại kho của nhóm đối tượng.

Gần 1 tấn mỹ phẩm giả nhãn hiệu DAKAMI bị Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện, thu giữ tại kho của nhóm đối tượng.

Chế tài đã đủ sức răn đe?

Để ngăn chặn tình trạng kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, việc buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tối đa từ 50 - 70 triệu đồng tùy trường hợp. Riêng kinh doanh hàng mỹ phẩm giả thì người bán có thể bị xử phạt 100 - 140 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1 - 3 tháng và phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm. Việc sản xuất hàng giả là mỹ phẩm sẽ có mức phạt cao hơn, tối đa từ 140 - 200 triệu đồng... Như vậy, quy định mới đã tăng mức xử phạt hành chính lên gần gấp 2 lần so với mức phạt trước đây đối với sản xuất và buôn bán mỹ phẩm giả. Tuy nhiên, liệu đây đã là chế tài đủ mạnh để “chặn” triệt để vấn nạn mỹ phẩm giả. Bởi, lợi nhuận “khủng” từ việc kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc cao gấp nhiều lần so với việc phạt hành chính.

Dù mức xử phạt tăng gấp đôi so với trước nhưng đã có nhiều quan điểm cho rằng những mặt hàng như: hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... thường được làm giả với số lượng lớn nhằm thu lại lợi nhuận cực lớn thì việc phạt tiền chưa đủ sức răn đe. Hành vi làm giả những mặt hàng này cũng cần phải đưa vào khung xử lý hình sự bởi sự ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng không chỉ là vật chất mà còn gây hại đến sức khỏe và tinh thần (chất độc hại thấm vào người có thể gây trụy tim, ung thư da, mờ mắt...).

Trong khi đó, theo đại diện những người làm công tác QLTT lâu năm tại TP.HCM, tình hình buôn bán mỹ phẩm giả đã và đang diễn biến phức tạp trên mặt trận chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái. Nếu phát hiện cũng chỉ là thu giữ hàng hóa rồi xử phạt hành chính, nên không thể giải quyết được tận gốc rễ vấn đề. Để giải quyết bài toán nan giải này, rất cần sự đồng lòng của các ban ngành, phải kiên quyết tìm ra biện pháp đủ sức răn đe đối với những đối tượng kiếm sống bằng hành vi vi phạm pháp luật.

Khi lựa chọn mỹ phẩm, người tiêu dùng cần xem kỹ nguồn gốc xuất xứ, hướng dẫn sử dụng, chỉ nên mua mỹ phẩm tại các đơn vị, nhà phân phối uy tín, chính hãng, tránh mua hàng trôi nổi trên thị trường và các trang thương mại điện tử. Trường hợp nghi ngờ sản phẩm kém chất lượng hoặc có biểu hiện dị ứng khi sử dụng thì nên báo cho cơ quan chức năng và đến ngay trung tâm y tế để bảo vệ sức khỏe của mình.

Đỗ Vi