null
Giá xăng dầu hôm nay 26/3: Ám ảnh dầu tăng tiếp, kìm giá xăng dầu trong nước bằng thuế.

 

Giá dầu thô tăng hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (25/3) lên hơn 120 USD/thùng, khi các nhà giao dịch đánh giá tác động của cuộc tấn công tên lửa vào một cơ sở phân phối dầu ở Arab Saudi, với việc Mỹ có thể giải phóng kho dự trữ dầu.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 1,4% lên 120,65 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,4% lên 113,9 USD. Đầu phiên có thời điểm cả hai loại dầu đã giảm 3 USD.

Tính chung tuần, cả dầu Brent và dầu WTI đều ghi nhận mức tăng hàng tuần đầu tiên trong ba tuần, trong đó dầu Brent tăng hơn 11,5% và dầu WTI tăng 8,8%.

Thời gian qua, nguồn cung dầu liên tục bị đe dọa. Trước tình trạng nhiều nước “quay lưng” với dầu Nga, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đã cảnh báo thị trường sẽ thiếu hụt khoảng 3 triệu thùng dầu của Nga kể từ tháng 4 tới. Còn theo Andrew Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates ở Houston, “điều đáng lo ngại là các cuộc tấn công của Houthi có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Ả Rập Xê-út”. Ông này cũng lưu ý rằng, các cuộc tấn công của nhóm Houthi đã trở nên thường xuyên hơn.

Đồng quan điểm với Andrew Lipow, Rohan Reddy, nhà phân tích nghiên cứu tại Global X Management cho biết cuộc tấn công vào các cơ sở của Aramco có khả năng gây ra một số gián đoạn hoạt động trong thời gian ngắn và có thể tạm thời làm giảm nguồn cung của Ả Rập Xê-út. “Các vấn đề địa chính trị có quy mô lớn hơn tiếp diễn ở Ả Rập Xê-út có thể dẫn đến việc cắt giảm nguồn cung kéo dài và gây áp lực lên giá dầu”, Reddy cho biết.

Trong nước, từ đầu năm đến nay, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng tới nguồn cung và giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường mặt hàng xăng dầu.

Theo đó, Bộ Công Thương đã triển khai 04 nhóm giải pháp gồm: Một là công tác tạo nguồn hàng, đảm bảo nguồn cung xăng dầu kịp thời cho thị trường khi các yếu tố về nguồn từ trong nước và thế giới có diễn biến bất lợi (tăng công suất của nhà máy lọc dầu Bình Sơn; khắc phục sự cố của Nghi Sơn; tăng nhập khẩu để bù đắp nguồn thiếu hụt từ Nghi Sơn thậm chí tính tới kịch bản Nghi Sơn ngừng hoạt động).

Hai là công tác điều tiết cung cầu (chỉ đạo bổ sung nguồn hàng thiếu hụt cho các địa phương, cửa hàng thiếu hàng cục bộ).

Ba là công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nếu vi phạm pháp luật về kinh doanh xăng dầu đặc biệt là hành vi “găm hàng, chờ tăng giá”.

Bốn là công tác điều hành giá theo hướng bám sát giá thế giới, hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân, khuyến khích doanh nghiệp tạo nguồn hàng và duy trì bán hàng liên tục trong hệ thống.

Do đó, như Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 16/3/2022 vừa qua, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong 2 tháng đầu năm luôn được bảo đảm. Trong tháng 3, với lượng cung ứng xăng dầu dự kiến khoảng 3 triệu m3 (gồm tồn kho từ tháng trước chuyển sang là 1,2 triệu m3; sản xuất trong nước là 1,2 triệu m3 và nhập khẩu khoảng 600 nghìn m3) hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu (khoảng 1,8 triệu m3/tháng) và cho phép tồn kho gối đầu sang tháng 4.

Giá xăng, dầu tăng "thẳng đứng" khiến nhiều quốc gia phải tìm cách hãm đà tăng của loại nhiên liệu này thông qua các biện pháp giảm thuế, phí. Hà Lan đã giảm 12% thuế giá trị gia tăng với năng lượng, xuống còn 9%; mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu cũng giảm 21%.

Tại Hàn Quốc, thuế với xăng, dầu diesel và khí hoá lỏng (LPG) giảm 20% trong 6 tháng, đến hết tháng 4 năm nay. Theo đó, thuế với xăng giảm từ 820 won (0,656 USD) xuống còn 656 won (0,525 USD) một lít. Mỗi lít dầu diesel giảm thuế từ 582 won (0,477 USD) còn 466 won (0,382 USD).

Còn Thái Lan, Chính phủ nước này quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel trong 3 tháng, về mức 3 baht một lít (tương đương mức giảm 2,99 baht mỗi lít dầu, tức khoảng 50%). Việc này nhằm giảm mức ảnh hưởng giá dầu đang ở "đỉnh" với hàng hoá tiêu dùng, vận tải.

Thái Lan ước tính, việc giảm gần 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel khiến doanh thu thuế giảm 17 tỷ baht. Ngoài giảm gần một nửa thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel, Chính phủ Thái Lan cũng sử dụng Quỹ Dầu để bình ổn mặt hàng này, ở mức 30 Baht một lít.

Loạt quốc gia khác như Bồ Đào Nha, Canada hay Anh cũng đang tính tới phương án giảm thuế VAT hoặc tiêu thụ đặc biệt đánh vào nhiên liệu để hạ nhiệt giá năng lượng. Mức giảm thuế mà Chính phủ Anh đang xem xét có thể là hạ thuế VAT xuống 15% với xăng, dầu trước diễn biến mỗi lít xăng tại nước này đã tăng lên gần 1,6 bảng Anh (tương đương 2,06 USD).

Ở Việt Nam, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải cõng 38-40% là thuế, phí và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 l là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng. Ngoài ra còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%.

Trước đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm 2.000 đồng thuế môi trường trên mỗi lít xăng, 1.000 đồng mỗi lít dầu, bắt đầu thực hiện từ 1/4 đến hết năm nay. Sau giảm thuế này, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng.

Ngày 26/3, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cụ thể như sau: Xăng E5 RON92 không quá 28.330 đồng/lít; xăng RON95 không quá 29.192 đồng/lít; dầu diesel không quá 23.633 đồng/lít; dầu hỏa không quá 22.245 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.423 đồng/kg.

PV

Dân Việt