Giá vàng hôm nay 9/7: Giá vàng 'quá lạnh', khó tìm phương hướng, SJC 'lạc lõng', Fed có thể cứu vàng?

Giá vàng hôm nay 9/7 khó tìm được phương hướng cụ thể khi vừa chịu tác động từ rủi ro lạm phát lẫn suy thoái kinh tế ngày một tăng. Trong nước, thị trường vàng đang "lạc lõng" so với diễn biến trên thị trường thế giới.
Giá vàng hôm nay 9/7:
Giá vàng hôm nay 9/7: Giá vàng 'quá lạnh', khó tìm phương hướng, SJC 'lạc lõng', Fed có thể cứu vãn giá vàng? (Nguồn: Kitco)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 9/7

Sau nhiều phiên lao dốc, giá vàng ngày 8/7 bất ngờ quay đầu tăng. Theo giới chuyên gia, thị trường kim loại quý tăng nhẹ nhờ sự phục hồi của giá dầu thô, đà tăng của đồng USD chững lại và một số nhà đầu tư bắt đáy sau những phiên giảm mạnh.

Tính đến 19h45 ngày 8/7, giá vàng thế giới tại sàn điện tử Kitco giao dịch ở mức 1.734,6 - 1.735,6 USD/ounce, giảm nhẹ 1,5 USD so với phiên giao dịch liền kề.

Tại thị trường châu Á, giá vàng đi xuống trong phiên cuối tuần 8/7 và hướng tới mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ giữa năm 2021, khi nhu cầu đối với kim loại quý này suy yếu sau khi đồng USD chạm mức đỉnh của 20 năm.

Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.733,70 USD/ounce vào lúc 14 giờ 49 phút (giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng lùi 0,2% xuống 1.735,70 USD/ounce.

Tính đến thời điểm hiện tại trong tuần, giá vàng đã mất gần 4,2% và đang hướng tới tuần giảm thứ tư liên tiếp với mức giảm có thể là mạnh nhất kể từ ngày 18/6/2021.

Đồng USD phiên này đã tăng 0,7% lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2002, khiến sức hấp dẫn của vàng đối với những nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác suy giảm đáng kể.

Trong nước, cuối ngày 8/7, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 68,00 - 68,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Phiên giao dịch ngày 8/7, giá vàng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng gần 20 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Thị trường vàng trong nước đang "lạc lõng" so với diễn biến trên thị trường thế giới.

Ở nhiều nước trên thế giới, giá vàng được định giá theo cung - cầu, theo tuổi vàng, theo hàm lượng vàng… Đơn cử như tại Singapore, chênh lệch giữa giá vàng của nước này với giá vàng thế giới chỉ khoảng 5-6 USD/ounce, tức chỉ đắt hơn vàng thế giới chỉ khoảng 170.000 đồng/lượng.

Chốt phiên giao dịch ngày 7/7, bảng giá vàng SJC niêm yết tại một số đơn vị kinh doanh lớn trên toàn quốc như sau:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 68,00 – 68,62 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 67,90 – 68,50 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 67,95 – 68,50 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 67,90 – 68,50 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 67,96 – 68,45 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng 9999 Rồng Thăng Long giao dịch tại 51,93 – 52,63 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 51,45 – 52,45 triệu đồng/lượng.

Giá vàng khó tìm được phương hướng cụ thể

Nhà phân tích Suki Cooper của ngân hàng Standard Charted cho biết, trong khi giá vàng khó tìm được phương hướng cụ thể khi vừa chịu tác động từ rủi ro lạm phát lẫn suy thoái kinh tế ngày một tăng, thị trường đã quay trở lại tìm tín hiệu từ đồng USD - vốn được hưởng lợi từ dòng chảy trú ẩn an toàn hơn so với vàng.

Chuyên gia này cũng đánh giá, kim loại quý còn dễ bị tác động bởi giá sàn yếu hơn trong bối cảnh nhu cầu yếu theo mùa.

Trong giai đoạn tới, vàng có thể đối mặt một mốc quan trọng là 1.690 USD/ounce.

Chuyên gia Stephen Innes của công ty dịch vụ tài chính SPI Asset Management cho biết, những nhà đầu tư đang hy vọng một số tín hiệu từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể cứu vãn giá vàng, giữa bối cảnh thị trường đã chuyển từ nỗi lo lạm phát sang lo ngại suy thoái kinh tế.

Đã có hai trong số những quan chức có tiếng nói lớn nhất tại Fed cho biết họ vẫn ủng hộ một đợt tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nữa vào cuối tháng này, nhưng sau đó sẽ giảm tốc việc điều chỉnh lãi suất.

Đơn cử như Thống đốc Fed Christopher Waller cho rằng, trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong hơn 40 năm, kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu, kể cả khi quyết sách này gây ra một số “nỗi đau” cho nền kinh tế.

Ông Waller ủng hộ chính sách tăng lãi suất, với một đợt tăng lãi suất vào cuối tháng 7/2022, tiếp theo là một đợt tăng nữa vào tháng 9.

Bên cạnh đó, những lo ngại về suy thoái kinh tế của Mỹ có thể bắt đầu giảm bớt khi nền kinh tế Mỹ tạo ra nhiều việc làm hơn dự kiến ​​vào tháng trước.

Ngày 8/7, Cục thống kê lao động Mỹ cho biết, 372.000 việc làm đã được tạo ra trong tháng 6/2022. Dữ liệu này đánh bại kỳ vọng mà các nhà kinh tế dự báo mức tăng việc làm là khoảng 260.000.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp phù hợp với kỳ vọng giữ ổn định ở mức 3,6%.

Dữ liệu kinh tế mới nhất không cung cấp nhiều tin tốt cho các nhà đầu tư vàng; tuy nhiên, kim loại quý này đang giữ ở vùng trung lập trong ngày theo phản ứng ban đầu với báo cáo thị trường lao động.

Vàng có đang "quá lạnh"?

Mặc dù vàng khởi động vào nửa cuối năm với mức giảm xuống dưới 1.800 USD/ounce, Bloomberg Intelligence nhận thấy, kim loại quý này đang tăng cao hơn so với các hàng hóa khác.

Theo chiến lược gia hàng hóa cấp cao Mike McGlone của Bloomberg Intelligence, dầu thô là mặt hàng phải đối mặt với nguy cơ đảo chiều lớn nhất trong nửa cuối năm 2022, trong khi vàng nằm trong số ít mặt hàng có thể được hưởng lợi và chứng kiến ​​mức 2.000 USD/ounce.

Bloomberg Intelligence đã xem xét liệu vàng có "quá lạnh" trong khi hàng hóa quá nóng trong nửa đầu năm hay không.

Ông McGlone lưu ý rằng, vàng đã sẵn sàng cho xu hướng tăng giá trong khi phần còn lại của thị trường hàng hóa sẽ đi xuống từ mức đỉnh của nó. Kim loại quý có khả năng tỏa sáng trong phần còn lại của năm 2022 khi tăng trưởng toàn cầu giảm.