Dầu gội Bio Care Pharma tiếp tục quảng cáo sai công dụng trên nhiều fanpage?

Hiện có rất nhiều fanpage bán sản phẩm thương hiệu Bio Care Pharma quảng cáo sai công dụng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý đơn vị phân phối nếu phát hiện sai phạm.

Trước đó, Chất lượng Việt Nam (VietQ) đã đăng tải nhiều bài viết phản ánh sản phẩm dầu gội Bio Care Pharma do Công ty TNHH dược phẩm Biocare (địa chỉ 28 đường số 10 Cityland Park Hill, Phường 10, Quận Gò Vấp, TP.HCM) phân phối có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật như: bán hàng trên website không đăng ký Bộ Công Thương; quảng cáo sai công dụng của sản phẩm.

Nội dung bài viết đã làm rõ các sản phẩm thương hiệu Bio Care Pharma gồm dầu gội Santal 300 Shampoo, Kem Stada 200 Cream vì mục tiêu lợi nhuận mà quảng cáo công dụng như thuốc điều trị bệnh về da đầu.

Sản phẩm thương hiệu Bio Care Pharma bất chấp pháp luật, quảng cáo sai công dụng?

Quá trình tìm hiểu, PV nhận thấy có rất nhiều fanpage cũng quảng cáo sản phẩm thương hiệu Bio Care Pharma như “thần dược” trị bệnh.

Điển hình như fanpage “Bio Care Đài Loan – dầu gội dược liệu trị gàu nấm số 1”, cam kết chỉ cần dùng loại dầu gội này sẽ đạt hiệu quả như: “3 ngày hết gàu, 7 ngày hết nấm ngứa, dứt điểm mụn li ti...”. Hay tại trang “Bio Care Pharma chính hãng” cũng cam kết những lời “có cánh” như trên. Không những vậy, tổ chức kinh doanh còn sử dụng hình ảnh dược sỹ để quảng cáo khuyên khách hàng bị gàu, nấm ngứa dùng dầu gội này.

Tiếp theo là trang “Dầu gội trị gàu ngứa nấm chuẩn y khoa- Bio Care Pharma” khẳng định BioCare Pharma là sản phẩm trị gàu, nấm da đầu hiệu quả, kèm cam kết dứt điểm bệnh da đầu không tái lại.

Ngoài ra, còn nhiều fanpage khác như: Bio Care Pharma – dầu gội trị gàu, nấm, ngứa; dầu gội trị sạch gàu nấm-Bio Care Pharma... cũng quảng cáo trái quy định pháp luật.

Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra hoạt động kinh doanh của đơn vị phân phối

Theo ghi nhận của PV, sau mỗi bài đăng quảng cáo, tổ chức kinh doanh thường khuyên người bị bệnh da đầu mua sản phẩm dầu gội Santal 300 Shampoo, Kem Stada 200 Cream sử dụng. Trong khi người tiêu dùng không biết rằng những công dụng nêu trên hoàn toàn “bịa đặt”.

Đối chiếu quy định pháp luật, Khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này;

Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này”.

Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự 2015.

“Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

NPV