Cải cách đột phá đã tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp

Nền kinh tế đã đạt được kết quả khả quan trong năm 2022. Điều này là sự phấn đấu của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp nhưng trong đó sự điều hành của Chính phủ giữ một vai trò vô cùng quan trọng và then chốt, quyết định thành công.

Đây là nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội về những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong năm 2022.

Điều hành của Chính phủ giữ vai trò quan trọng và then chốt

Cụ thể, năm 2022 là một năm đặc biệt, có hai mảng sáng tối trong nền kinh tế và chưa bao giờ nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp gặp phải khó khăn to lớn như vậy, đó là do tác động của dịch bệnh, của chiến tranh thương mại, những biến đổi về địa chính trị… Tuy nhiên, trong 11 tháng đầu năm, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 33% so với năm 2021. Điều này minh chứng cho việc trong khó khăn các doanh nhân vẫn có tinh thần khởi nghiệp cao.

Từ đó, góp phần vào những kết quả rất tích cực của nền kinh tế trong năm 2022, trong đó sự điều hành của Chính phủ giữ một vai trò rất quan trọng và then chốt, quyết định thành công.

ts-vu-tien-loc-1672575246.jpg
TS. Vũ Tiến Lộc

"Tôi cho rằng điều thành công nhất của Chính phủ là đã chuyển trạng thái kịp thời từ "zero COVID" sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; nhanh chóng bao phủ vaccine đến toàn dân trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm toàn cầu", ông Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chính phủ đã kịp thời trình Quốc hội và đã quyết định trong phạm vi thẩm quyền của mình những giải pháp để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp. Đó là một chương trình hỗ trợ đồng bộ với quy mô, phạm vi trải rộng chưa từng có, hướng tới người dân và doanh nghiệp.

"Tôi hy vọng là với một tinh thần như thế, năm 2023 chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái thành công mặc dù nền kinh tế thế giới đang tiếp tục đứng trước những biến đổi khó lường. Những tháng đầu năm có thể rất khó khăn về thị trường, nguồn vốn hoạt động nhưng với chủ trương và giải pháp quyết liệt thì Chính phủ sẽ tiếp tục giúp cho các doanh nghiệp hồi phục", TS. Vũ Tiến Lộc nói.

TS. Vũ Tiến Lộc bày tỏ tin tưởng, năm 2023, chúng ta sẽ thành công trong việc thực hiện các mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và đà phục hồi, tăng trưởng nền kinh tế để chuẩn bị cho quỹ đạo phát triển bền vững của nền kinh tế trong tương lai.

dot-pha-1672575296.jpg
TS. Vũ Tiến Lộc: Để thích ứng với bối cảnh mới, vượt qua thách thức, các doanh nghiệp nên đi theo hướng phát triển bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi nhân văn.

Cải cách mạnh mẽ hơn nữa

TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng khi Chính phủ có chủ trương đúng đắn thì việc tổ chức thực hiện một cách kịp thời, đồng bộ là một điều vô cùng quan trọng. Trên cơ sở đó chúng ta phải bằng mọi cách cải thiện thể chế, thủ tục hành chính, tạo điều kiện đẩy mạnh giải ngân, triển khai các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh.

Đối với các nhóm giải pháp, cần bám sát những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các vướng mắc. Một trong những vấn đề đó là cơ chế, thể chế như: Đầu tư công, giải quyết các vấn đề phát sinh mới, vướng mắc mới, tránh những quyết sách đột ngột, không dự báo trước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ứng phó với khó khăn, thích ứng, chuyển hướng.

Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và quan tâm đặc biệt đến sự minh bạch và công bằng, hướng tới chất lượng cao hơn. Không chỉ đơn thuần là giải quyết các thủ tục hành chính mà còn tạo cơ hội để các doanh nghiệp vượt qua thách thức, phát triển, bứt phá trong thời gian tới.

Nhìn từ góc độ "sức khỏe" của doanh nghiệp, theo TS. Vũ Tiến Lộc, sự thích ứng linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 là gợi ý, inh nghiệm quý giá để bước vào năm 2023.

Và để thích ứng với bối cảnh mới, vượt qua thách thức, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng các doanh nghiệp nên đi theo hướng phát triển bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi nhân văn.

Mặt khác, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực pháp lý, để đảm bảo an toàn trong kinh doanh và cần quan tâm nhiều hơn vấn đề pháp lý trong sản xuất, xuất nhập khẩu, nhằm hạn chế tối đa những phát sinh rủi ro.