xuat-khau-viet-nam-sang-eu-da-dat-ket-qua-tich-cuc-khi-tan-dung-hieu-qua-evfta-song-thi-phan-hang-viet-nam-tai-eu-van-khiem-ton-1672188338.jpg
Xuất khẩu Việt Nam sang EU đã đạt kết quả tích cực khi tận dụng hiệu quả EVFTA, song thị phần hàng Việt Nam tại EU vẫn khiêm tốn.

Dự địa lớn, doanh nghiệp chưa nắm bắt hết cơ hội

Có hiệu lực từ 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là một trong số ít những hiệp định về tiêu chuẩn rất cao mà Việt Nam đã tham gia trong thời gian vừa qua, với tỷ lệ tự do hóa thuế quan về cơ bản trên 90% trong vòng 7 năm thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết trong năm đầu thực thi EVFTA, trao đổi thương mại song phương đạt 54,9 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ (trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 34,5 tỷ USD, tăng 11,3%) và sang năm thứ hai đạt 61,4 tỷ USD, tăng gần 11,9% (trong đó xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17%).

Còn tính trong 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 57 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 43,5 tỷ USD, tăng 21%. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực như dệt may (tăng 24%), giày dép (tăng 19%), thủy sản (tăng 41%)…

Cũng theo ông Khánh, một điểm sáng nữa trong hoạt động xuất khẩu sang EU là tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA.

Tương tự, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho biết các mặt hàng xuất khẩu sang EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt, kể cả nông nghiệp và công nghiệp.

Trong số đó, một số mặt hàng tận dụng được cao, như: rau củ quả tận dụng được trên 80%, thủy sản trên 70% và gạo trên 60% còn dệt may cũng tận dụng được khoảng 17% ưu đãi từ EVFTA.

“Qua khảo sát của VCCI, năm 2016 có gần 80% doanh nghiệp quan ngại vấn đề cạnh tranh đối với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường có FTA, song đến 2022 số lượng quan ngại về cạnh tranh không còn là vấn đề chính, điều đó cho thấy doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tự tin hơn khi xuất khẩu sang các thị trường có FTA nói chung và thị trường có EVFTA nói riêng,” đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên nhấn mạnh.

Mặc dù dư địa và cơ hội từ thị trường EU còn rất rộng lớn, song theo lãnh đạo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc khi tiếp cận thị trường này.

Ông Ngô Chung Khanh dẫn chứng, nếu như năm 2019 xuất khẩu của Việt Nam sang EU (bao gồm cả Anh) đạt 46,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 17,5% thì năm 2020 (không có Vương quốc Anh) chỉ còn 12,4% và giảm xuống mức 11,9% vào năm 2021.

Hơn nữa, nhiều mặt hàng dù có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao như thủy sản, rau quả… nhưng giá trị xuất khẩu còn nhỏ.

Chẳng hạn như: rau quả tỷ lệ tận dụng là 66,7%, nhưng kim ngạch xuất khẩu là 0,15 tỷ USD (chiếm 0,35% tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU); thủy sản có tỷ lệ tận dụng là 76,9%, nhưng kim ngạch xuất khẩu là 1,1 tỷ USD (chiếm 2,7% tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU) còn gạo tỷ lệ tận dụng là 193%, giá trị xuất khẩu 0,019 tỷ USD (chiếm 0,04%)...

Chỉ ra nguyên nhân, theo ông Ngô Chung Khanh, vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam ngại hoặc chưa có điều kiện xuất khẩu sang EU, lý do là chưa nắm được thông tin, ngại nắm được thị trường về tiêu chuẩn kỹ thuật.

Thách thức bởi các tiêu chuẩn cao

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc kinh doanh xuất khẩu, Tập đoàn Lộc Trời, chia sẻ khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu của Lộc Trời từ mức 32.000 tấn gạo năm 2019 tăng lên gần 100.000 tấn năm 2022.

Tuy vậy, thách thức đặt ra là yêu cầu nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, doanh nghiệp phải tổ chức vùng trồng, chuỗi giá trị bền vững để vượt 600 hoạt chất mà EU yêu cầu. Bởi chỉ một lô hàng bị kiểm tra mà phát hiện vi phạm thì tên doanh nghiệp sẽ nằm trong danh sách đen, hết đường sang EU.

“Chúng tôi mất hai năm làm thương hiệu, quan trọng là chất lượng ổn định theo khách yêu cầu. Vì vậy, rất mong muốn nhà nước hỗ trợ cấp vốn tín dụng cho nông dân, an tâm sản xuất gạo cao cấp. Chúng tôi đề xuất xây kho ngoại quan để tăng sản lượng cũng như đàm phán với EU để tăng hạn ngạch lên gấp đôi”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính này, ông Ngô Chung Khanh cho rằng việc vào cuộc đồng bộ từ các phía sẽ giúp hiệu quả lớn hơn.

“Cụ thể, phía doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị để xuất khẩu sang thị trường này, tiếp đến là kết nối với các cơ quan quản lý, các chuyên gia tư vấn để nhận được sự hỗ trợ, đồng thời giữa các doanh nghiệp cũng cần kết nối với nhau để tạo nên sức mạnh cũng như tiết kiệm chi phí, tránh được rủi ro từ thị trường nước ngoài”, ông Khanh nói.

Về phía cơ quan quản lý, để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Khanh cho biết, Vụ Chính sách thương mại đa biên đang phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng cổng thông tin về FTA nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, tin cậy cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Khanh cũng nhấn mạnh, hiện nay, Vụ Chính sách thương mại đa biên cũng sẽ đi sâu vào việc kết nối với các chủ doanh nghiệp để họ có đầy đủ thông tin một cách đầy đủ và nhanh nhất, từ đó giúp họ định hướng chính xác hơn khi xuất khẩu sang EU.

“Chúng tôi sẽ tập trung vào một số mặt hàng có tiềm năng, thể mạnh để xây dựng một hệ sinh thái bao gồm cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội qua đó tạo động lực tốt cho ngành đó,” ông Khanh nói.