Bất ngờ vì quyết định giảm lãi suất, chuyên gia chỉ ra điểm "đặc biệt"

Lần thứ 4 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành kể từ đầu năm tới nay. Các chuyên gia nhận định, quyết định lần này khá bất ngờ và có điểm đặc biệt. Tuy nhiên, giảm lãi suất điều hành liên tục cũng tiềm ẩn một số rủi ro trong tương lai.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chính thức ban hành các quyết định về giảm lãi suất điều hành, có hiệu lực kể từ ngày 19/6 tới đây. Trong lần điều chỉnh này, mức giảm lãi suất lên tới 0,5 điểm %.

Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Cùng với đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ mức 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; riêng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Bất ngờ vì quyết định giảm lãi suất, chuyên gia chỉ ra điểm "đặc biệt" - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chính thức ban hành các quyết định về giảm lãi suất điều hành kể từ ngày 19/6 tới đây.

Lần giảm lãi suất bất ngờ và có điểm đặc biệt

Đây là lần thứ 4 liên tiếp, nhà điều hành tệ hạ lãi suất điều hành kể từ đầu năm đến nay. Lần giảm lãi suất này diễn ra ngay sau chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định không tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp 14/6.

Nêu quan điểm về lần giảm lãi suất này, PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, đây sẽ là điều kiện thuận lợi giúp mặt bằng lãi suất huy động hạ nhiệt; đồng thời các ngân hàng có thêm dư địa tiết giảm lãi suất cho vay các doanh nghiệp. Như vậy, gánh nặng về lãi vay, khả năng tiếp cận tín dụng,... của các doanh nghiệp cũng sẽ được cải thiện. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại.

Nhấn mạnh rằng lần giảm lãi suất điều hành này có điểm đặc biệt, PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh nêu rõ: Trần lãi suất huy động chỉ giảm 0,25%, tức là từ 5%/năm xuống 4,75%/năm thay vì mức giảm 0,5% như các mức lãi tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu...

"Tôi cho rằng, mức lãi suất huy động có vai trò rất quan trọng vì chúng ta sẽ phải đảm bảo chênh lệch lãi suất đủ lớn giữa tài sản bằng nội tệ với tài sản bằng ngoại tệ để tránh áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối. Như vậy, việc chúng ta đưa ra trần lãi suất huy động như vậy đã đủ mức lãi suất hấp dẫn đối với tài sản bằng VND. Từ đó giảm tình trạng đô la hóa, giảm áp lực về cầu ngoại tệ cho thị trường ngoại hối", Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho hay.

Thậm chí như ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết còn bày tỏ bất ngờ trước động thái điều chỉnh lãi suất lần thứ 4 của Ngân hàng Nhà nước dù đây có thể không phải là thông tin quá mới bởi đã được dự báo trước. Tuy nhiên, điều bất ngờ là việc điều chỉnh lại đến "quá nhanh", trong khi các dự báo cho rằng phải đến quý III/2023 mới có tiếp đợt giảm lãi suất điều hành (sau lần điều chỉnh thứ 3 vào tháng 5 vừa qua - PV).

ngan-hang-nha-nuoc-co-the-giam-them-khoang-05-diem-cho-tu-gio-den-cuoi-nam-1686962444.jpg
Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm khoảng 0,5 điểm % cho từ giờ đến cuối năm.

Cảnh báo rủi ro, dự báo "nóng" về lãi suất cuối năm

Với 4 lần giảm lãi suất liên tiếp, một số chuyên gia cho rằng dự địa giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng cuối năm vẫn còn. Theo ước tính của giới phân tích, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm khoảng 0,5 điểm % cho từ giờ đến cuối năm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng nhà quản lý tiền tệ sẽ giảm "kịch khung" 0,5 điểm % các loại lãi suất điều hành, thay vào đó việc quyết định giảm thêm bao nhiêu % sẽ căn cứ vào rất nhiều yếu tố để NHNN điều hành một cách linh hoạt, chủ động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giảm lãi suất điều hành của NHNN là liều thuốc "trợ lực" cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý, giảm lãi suất điều hành liên tục cũng tiềm ẩn một số rủi ro có thể xảy ra trong tương lai như đảo chiều dòng vốn. Do đó, giảm lãi suất không phải là tất cả.

"Trong một nền kinh tế, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải như "hai cánh kéo", cả hai cùng kéo mới tạo ra hiệu quả. Hiện nay, có thể nhận thấy chỉ có chính sách tiền tệ có sự năng động thực thi các chính sách kích thích kinh tế, còn chính sách tài khóa đang không thực hiện đúng vai trò. Điều cần làm hiện tại là sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của chính sách tài khoá, kích cầu tiêu dùng, sản xuất kinh doanh. Bởi lẽ, lãi suất có giảm sâu mà doanh nghiệp, người dân không có nhu cầu thì họ cũng không vay vốn", chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Hữu Huân – Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nói.

H.Anh