Chỉ số chứng khoán thế giới MSCI, tổng hợp chứng khoán của 47 quốc gia, đã ghi nhận mức giảm sâu nhất trong nửa đầu năm kể từ khi ra đời vào năm 1990. Thêm vào đó, trái phiếu chính phủ của Mỹ kỳ hạn 10 năm vừa trải qua nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1788. Đây được coi là 2 dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy thị trường chứng khoán toàn cầu đã trải qua nửa đầu năm 2022 đầy sóng gió.
Cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, tiền điện tử… không có sự an toàn nào cho các nhà đầu tư trong nửa đầu năm 2022. Gần như mọi loại tài sản đều chìm trong sắc đỏ, chứng khoán thế giới bị xóa sổ 13.000 tỷ USD khi “cơn bão” lạm phát hoành hành, tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Chiến tranh, khủng hoảng năng lượng, lương thực, chuỗi cung ứng và những chính sách thắt chặt từ các ngân hàng trung ương đã ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu.
Không có “vùng xanh” trong nửa đầu năm
Tại Mỹ, cả ba chỉ số chính trên Phố Wall đều giảm điểm trong tháng 6 và quý II, trong đó chỉ số S&P 500 có mức giảm phần trăm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1970, giảm 20,6%. Chỉ số Nasdaq cũng ghi nhận mức giảm phần trăm lớn nhất từ trước đến nay trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 vừa qua, trong khi đây cũng là nửa đầu năm tồi tệ nhất với chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jone kể từ năm 1962 khi mất hơn 15%.
Các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu cũng trải qua quãng thời gian khó khăn khi lợi suất trái phiếu 10 năm đã giảm khoảng 9,4% so với năm ngoái. Theo Bloomberg, đây là lần đầu tiên sau 48 năm, cả cổ phiếu và trái phiếu đều giảm trong cùng một khoảng thời gian. Charlie Bilello, người sáng lập Compound Capital Advisors, nhận định rằng thị trường trái phiếu Mỹ đang trên đà trải qua một năm tồi tệ nhất từ trước tới nay.
Tương tự, chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu đã giảm 16% kể từ đầu năm, trong khi chỉ số FTSE 100 của Anh đã kết thúc tháng 6 đầy khó khăn, với chỉ số blue-chip giảm 2% xuống mức 7.169 điểm vào ngày cuối cùng của quý II. DAX của Đức và CAC của Pháp đều giảm hơn 1,8% do chứng khoán sụt giảm.
Tỷ lệ lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng lên 8,6% vào tháng 6 từ mức 8,1% trong tháng 5, vượt qua kỳ vọng 8,5%. Điều này cho thấy sự gia tăng sức ép đối với các hộ gia đình trên toàn khu vực eurozone, củng cố các lời kêu gọi tăng lãi suất tích cực của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Uỷ ban châu Âu (EC) mới đây cũng đã điều chỉnh dự báo lạm phát khu vực từ mức 6,8% năm 2022 lên 8,3%, trong khi mức 3,2% năm 2023 được tăng thành 4,6%.
Những bất ổn địa chính trị, điển hình là chiến sự tại Ukraine và những lệnh trừng phạt Liên minh châu Âu (EU) áp dụng với Nga cũng khiến nền kinh tế khối 27 quốc gia gặp nhiều khó khăn khi chi phí năng lượng tăng cao, cụ thể là giá dầu thô Brent tăng 53% trong nửa đầu 2022 và giá khí đốt tự nhiên tăng gấp đôi, làm ảnh hưởng tới đời sống người dân.
Ngoài ra, do Mỹ và EU có sự hiện diện lớn trên thị trường trái phiếu chính phủ trên toàn thế giới, thị trường này được dự đoán sẽ có mức lợi nhuận kém nhất trong 150 năm qua.
Tại thị trường châu Á, chỉ số Topix của Nhật Bản đã giảm 6% trong nửa đầu năm 2022, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1,73%, đóng cửa ở mức 25.935,62 và Topix của Hàn Quốc giảm 1,38% xuống 1.845,04 vào ngày 30/6.
Chỉ số Bloomberg JPMorgan Asia Dollar Index so sánh giá trị đồng tiền của các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, 2 khu vực Hong Kong, Đài Loan và một số nước lớn trong khu vực Đông Nam Á với đồng USD, giảm 4,8% trong quý II/2022, mức giảm cao nhất ghi nhận được kể từ cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á gần 25 năm trước.
Sự kết hợp giữa giá hàng hóa tăng cao và chênh lệch lãi suất đã gây áp lực lên hầu hết các đồng tiền châu Á, với một số đồng tiền đã chạm mức thấp nhất trong nhiều năm, như TWD của Đài Loan, won của Hàn Quốc và peso của Philippines đều giảm khoảng 6,8% so với USD, trong khi đồng rupee của Ấn Độ gần đạt mức thấp kỷ lục.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường châu Á trong nửa đầu năm 2022 nhìn chung có tiềm năng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, đặc biệt với ngành du lịch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những biến động xấu trên thị trường thế giới, khu vực này đã chứng kiến những hướng phát triển khác nhau và không mấy khả quan.
Theo ông Daniel Wood của William Blair, một nhà quản lý danh mục đầu tư về nợ của các thị trường mới nổi, những gì đã xảy ra trong nửa đầu năm nay là một “cơn bão toàn diện” với những biến động vượt quá tưởng tượng của bất kỳ chuyên gia kinh tế nào.
Cơn bão chưa tan?
Trong báo cáo gửi nhà đầu tư mới đây, ông Jim Reid, giám đốc chiến lược tín dụng cơ bản toàn cầu tại Deutsche Bank, nhận định: “Tin tốt là nửa đầu năm đã qua, còn tin xấu là triển vọng trong nửa cuối năm không mấy sáng sủa”.
Theo CNBC, triển vọng kinh tế vĩ mô trong nửa cuối năm 2022 vẫn không chắc chắn khi chiến sự ở Ukraine và áp lực lạm phát vẫn tiếp diễn, khiến các ngân hàng trung ương bắt tay vào việc thắt chặt chính sách tiền tệ tích cực và làm trầm trọng thêm lo ngại về suy giảm kinh tế toàn cầu.
Theo khuyến cáo của HSBC Asset Management với các nhà đầu tư, chính sách khí hậu và siêu chu kỳ hàng hóa sẽ thúc đẩy lạm phát dai dẳng hơn trên khắp các nền kinh tế lớn. Mặc dù vậy, lạm phát sẽ dần hạ nhiệt so với mức cao nhất hiện nay ở nhiều nền kinh tế do các ngân hàng trung ương theo đuổi việc tăng lãi suất.
“Nhiều cơn gió thuận của thị trường đầu tư giờ đây đang trở thành những cơn gió ngược. Nhà đầu tư sẽ cần phải thực tế hơn với kỳ vọng lợi nhuận và suy nghĩ thấu đáo hơn về việc đa dạng hóa cũng như củng cố sức chống chịu cho danh mục của mình”, Giám đốc chiến lược toàn cầu của HSBC Joe Little nhận định.
Ông Joe Little gợi ý rằng các nhà đầu tư nên tìm kiếm sự đa dạng hóa về mặt địa lý nhiều hơn, trong đó ưu tiên các tài sản và thị trường tín dụng ở châu Á như các kênh giúp tăng lợi nhuận. Các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu cũng là các danh mục đầu tư đáng chú ý, dù người đầu tư không nên dồn hết vốn liếng vào thị trường thời điểm này.
“Nền kinh tế toàn cầu hiện đang cho chúng ta thấy sự phân hóa nhiều hơn giữa các khu vực. Hiện tại, triển vọng có vẻ bấp bênh nhất đối với châu Âu và các khu vực của thị trường mới nổi (EM)”, ông Joe nói.
Trong nửa cuối năm 2022, theo các chuyên gia, nền kinh tế Mỹ sẽ hướng tới một cuộc “bình ổn” trở lại, trong khi triển vọng của khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn rất mong manh do nguồn cung năng lượng hạn chế. Thị trường châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, được dự đoán sẽ phục hồi. Mặc dù vậy, làn sóng lây lan Covid-19 mới do các biến chủng Omicron rất có thể cũng sẽ kìm hãm đà phát triển toàn cầu.