Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Giải “bài toán” ngành logistics Việt Nam cần gỡ các nút thắt

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp ngành logistics, dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn chưa từng có tiền lệ. Để vượt qua khó khăn của đại dịch, nhiều ý kiến cho rằng, ngành logistics cần thay đổi toàn diện.
Khó khăn chưa từng có tiền lệ với

Hội thảo "Phát triển ngành logistics Việt Nam với khu vực châu Âu – châu Mỹ" diễn ra sáng 17/12. (Ảnh: Báo Công Thương)

"Khu vực châu Âu, châu Mỹ là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Việc ùn tắc trên các tuyến vận tải container, đặc biệt là tại các tuyến vận tải đi khu vực châu Âu - châu Mỹ, cũng như tình trạng thiếu container rỗng diện rộng tiếp nối từ năm 2020, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường này", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.

Nhận định về vấn đề trên, ông Roger Wu, Giám đốc phát triển kinh doanh Cảng Long Beach, California (Hoa Kỳ) thừa nhận, đại dịch Covid-19 tạo ra tình huống chưa có tiền lệ. Do đó, nhiều doanh nghiệp, ngành chức năng chưa có kinh nghiệm xử lý.

Cụ thể, theo ông Roger Wu, những tắc nghẽn hiện nay là khối lượng rất lớn đến từ khu vực phía Tây của Hoa Kỳ. Trong năm 2021, tình trạng tắc nghẽn tăng 6% và khu vực cảng này xử lý hơn một chục triệu TEU, số xử lý là 9,5 triệu TEU.

"Ngoài ra, các chuyến hàng hóa đã được dịch chuyển từ đường hàng không và các biện pháp phong tỏa của Chính phủ trong thời gian qua cũng làm trầm trọng hơn tình trạng tắc nghẽn", ông Roger Wu nhấn mạnh.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết thêm, tình trạng tắc nghẽn hàng hóa không chỉ qua đường hàng hải mà còn lan ra đường bộ, hàng không.

"Tắc nghẽn ở Hoa Kỳ tác động trực tiếp đến chi phí và khiến doanh nghiệp bị động khi tiếp cận thị trường, đặc biệt ở nhóm mặt hàng có tính thời vụ như may mặc, giày dép, nông sản, điện tử, tiêu dùng. 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sang Hoa Kỳ đạt 24,8 tỷ USD, chiếm 32,8% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Nếu doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, bị động sẽ rơi vào tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi logisitcs. Nếu quá trình này kéo dài và nghiêm trọng, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam dần bị mất liên kết với chuỗi vận tải, buộc phải phụ thuộc vào doanh nghiệp khác…", ông Sơn chia sẻ.

Logistics không thể chỉ phụ thuộc vào đường biển

Nêu ý kiến về những giải pháp tháo gỡ cho ngành logistics hiện nay, ông Hans Kerstens, Phó Trưởng tiểu ban vận tải và hậu cần (Eurocham) đánh giá, các công ty logistics cần chủ động thay đổi. Qua đó, tránh tình trạng việc vận tải hàng hóa phụ thuộc vào đường biển như hiện tại.

"Vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến châu Âu cũng cần có sự điều chỉnh, không chỉ phụ thuộc vào vận tải đường biển, mà đa dạng hóa phương thức vận tải, để đảm bảo hàng hóa đến đúng nơi, đúng thời điểm và dự đoán những vấn đề phát sinh sẽ xảy ra", ông Hans Kerstens phân tích.

Nói thêm về giải pháp cho ngành logistics, ông Rolando E.Alvarez Viera, Phó Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) cho rằng, Chính phủ và khối tư nhân, các đơn vị chuỗi cung ứng, hãng tàu cần phải làm việc, tìm ra những phương án tốt nhất để số hóa, tự động hóa với quy trình logistics quốc gia.

Giải “bài toán” ngành logistics: Không thể chỉ phụ thuộc vào đường biển - Ảnh 2.

Ngành logistics cần có sự thay đổi để ứng phó với diễn biến phức tạp của đại dịch. (Ảnh: TTXVN)

Sau đó, xây dựng cơ chế một cửa đối với giao dịch thương mại và kinh doanh. Theo ông Rolando E.Alvarez Viera, đây là giải pháp tối ưu để đối mặt tình hình ùn tắc tuyến vận tải đi khu vực châu Âu - châu Mỹ, cũng như tình trạng thiếu container rỗng.

"Đặc biệt, cần có chiến lược gần bờ đối với các nhà đầu tư, tức là các trung tâm phân phối gần bờ. Chẳng hạn nếu bán một sản phẩm sang Bắc Âu, thì đặt trung tâm phân phối gần Đức, hoặc cảng Rotterdam (Hà Lan) hoặc bán hàng sang châu Âu hoặc Nam Âu thì đặt ở Tây Ban Nha, Bắc Phi; bán hàng sang Nam Mỹ thì Uruguay, Brazil sẽ là nơi đặt trung tâm phân phối này; châu Mỹ sẽ là Panama…

Tuy nhiên, các trung tâm phân phối này cần đảm bảo tính kết nối logistics tốt nhất giữa các quốc gia; cơ sở hạ tầng logistics hoàn thiện, ổn định, cũng như vị trí địa lý, tính ổn định chính trị của quốc gia đó…, ông Rolando E.Alvarez Viera nhận định.

Bên cạnh những giải pháp nêu trên, tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, cần phát triển hệ thống e-logistics để doanh nghiệp Việt Nam kịp thời nắm bắt cơ hội phát triển xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

THANH PHONG