Xe tải tạt đầu xe cấp cứu chở bệnh nhân nguy kịch

Ngày 18/10, Phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết đã lập biên bản xử lý đối với lái xe V.T.P. (sinh năm 1978, ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) về hành vi Điều khiển ôtô không nhường đường cho xe ưu tiên đang phát tín hiệu và không có giấy phép lái xe.

Tài xế xe tải tạt đầu xe cấp cứu ở Tuyên Quang có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Nam tài xế làm việc với CSGT. Ảnh: CACC

Theo cơ quan chức năng, khoảng 18h ngày 17/10, ông P. lái ôtô biển số 22C liên tục tạt đầu, không nhường đường cho xe cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đang phát tín hiệu. Trên xe cấp cứu lúc này đưa một bệnh nhân bị trâu húc vỡ gan, tràn dịch màng phổi lên cấp cứu ở tuyến trên.

Hành vi này diễn ra trên một đoạn đường dài dọc tuyến quốc lộ 2C hướng Tuyên Quang - Vĩnh Phúc đoạn qua xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang.

Đoạn clip sau đó được lan truyền trên mạng xã hội. Nhận được thông tin , chỉ huy Phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các tổ tuần tra kiểm soát trên toàn tuyến xác minh vụ việc.

Đến 20h cùng ngày, CSGT đã xác định được người điều khiển ôtô tải. Qua làm việc với công an, ông P. đã khai nhận toàn bộ hành vi và cam kết không tái phạm. Nam tài xế cũng không xuất trình được bằng lái theo quy định. Người này không có nồng độ cồn và âm tính với ma túy.

Tài xế xe tải cản trở xe ưu tiên có thể bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, theo quy định của Luật giao thông đường bộ 2008, những loại xe như xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; Đoàn xe tang là xe ưu tiên.

Vì tính cấp thiết, yêu cầu nhanh chóng của các xe trên khi đang thực hiện nhiệm vụ nên các xe trên khi tham gia giao thông sẽ được quyền ưu tiên đi trước các loại xe khác.

Khi lưu thông trên đường nếu gặp tín hiệu, còi, đèn của các xe ưu tiên trên, người tham gia giao thông phải giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường để nhường đường cho các xe ưu tiên.

Bà Thơ cho biết, theo khoản 3, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ, người điều khiển phương tiện không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị xử phạt về hành vi "Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ". Mức phạt phạt tiền là từ 6 đến 8 triệu đồng.

Đối với hành vi không có giấy phép lái xe, khoản 11, Điều 2 Nghị định trên quy định mức phạt đối với người điều khiển ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự ôtô không có giấy phép lái xe sẽ là phạt tiền 10 -12 triệu đồng.

Ngoài ra, trong trường hợp người điều khiển phương tiện không nhường đường hoặc gây cản trở cho xe có quyền ưu tiên mà gây ra hậu quả nghiêm trọng, có tính chất nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại tài sản, người cản trở có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015.

Từ phân tích trên, nữ luật gia cho rằng, tài xế xe tải trong vụ việc đã có hành vi cản trở xe ưu tiên và có thể bị xử phạt hành chính với tổng số tiền khoảng 20 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.