Trưa 12/8, B.N - tài xế của Grab trú tại TP.HCM - nhận cuốc xe giao đồ ăn có lộ trình 2,98 km từ Phan Xích Long đi Nguyễn Văn Công. Với giá cước 16.000 đồng, sau khi trừ 4.364 đồng gồm thuế và phí sử dụng ứng dụng, tài xế này thực lĩnh 11.636 đồng.

“Giao đến nơi, khách phàn nàn bữa nay phí ship cao quá. Hỏi ra mới biết trong khi họ phải trả những 36.000 đồng thì ứng dụng thông báo giá cước là 16.000 đồng, phần còn lại về Grab. Khách phản ánh tôi mới biết chứ thường giao xong là đi ngay, hiếm lúc nào quan tâm”, anh trần tình.

Mập mờ số tiền ăn chia

Trao đổi với Zing, tài xế này cho biết theo như hình ảnh chụp lại giao diện đặt món, vị khách này phải trả 27.000 đồng phí ship (cao hơn bình thường do đặt vào giờ cao điểm), 3.000 đồng phí đặt đơn giá trị nhỏ (áp dụng cho đơn hàng có giá trị dưới 50.000 đồng) và 6.000 đồng phí dịch vụ.

“Gọi điện lên tổng đài họ nói khách đặt trong khung giờ cao điểm, còn khi giao là thấp điểm nên Grab có quyền hưởng tiền đó. Vì sao tôi lại nhận được 16.000 đồng chứ không phải 27.000 đồng. Tôi là người trực tiếp lao động vào giờ cao điểm cơ mà”, B.N bức xúc.

Nếu được hưởng trọn vẹn 27.000 đồng, sau khi trừ 8% thuế VAT và 20% chiết khấu cho ứng dụng, B.N có thể nhận được khoảng 19.800 đồng từ cuốc xe này.

Tiếp tục nhắn tin lên tổng đài, Grab thông báo cước phí người dùng phải trả tùy thuộc vào nhu cầu, thời gian đặt, rằng thời điểm đó đông hay ít đối tác nhận đơn cũng như thời gian chờ đơn. Mặt khác, tài xế đã nhận đầy đủ cước phí cho chuyến xe và không bị thiệt.

Theo chính sách của GrabFood công bố trên website, chi phí của một đơn hàng bao gồm chi phí món ăn (theo giá của nhà hàng/quán ăn), cước phí giao hàng, phí đơn hàng nhỏ và phí dịch vụ.

Cước phí giao hàng sẽ được tính theo khoảng cách từ nhà hàng/quán ăn đến điểm giao hàng. Cước phí tối thiểu là 16.000 đồng cho 3 km đầu tiên tùy vào nhà hàng/quán ăn và 5.000 đồng cho mỗi km tiếp theo. Ngoài ra phí giao hàng có áp dụng biểu giá linh động khi nhu cầu tăng cao, dựa theo khu vực và thời điểm trong ngày.

Có thể nói Grab đang thực hiện đúng chính sách đã đề ra. Tuy nhiên, trên giao diện đặt hàng, Grab giải thích phí giao hàng cao hơn bình thường là để giúp có nhiều tài xế hoạt động hơn (Delivery fee is higher than normal to get more drivers on the road for deliveries).

Đáng chú ý, tình trạng này xảy ra với nhiều tài xế Grab khác. Nếu thắc mắc, ứng dụng đều trả lời đã thanh toán đúng số tiền dựa trên số km.

“Bữa giao đơn hàng 11.000 đồng mà tới nơi thử hỏi chị khách xem bao nhiêu, chị đưa điện thoại ra thấy 34.000 đồng xong thắc mắc ‘chị tưởng tiền đó em được hưởng’. Mình nói em chỉ có ngần này thôi, chị nghe vậy liền tip thêm 20.000 đồng”, S.D, một tài xế khác của Grab, chia sẻ.

“Thà ghi phụ thu thêm cho Grab, cả tài xế và khách đều biết tiền đó ai được nhận. Mình cũng chả buồn hỏi tổng đài vì lường trước câu trả lời rồi, kiểu không chạy thì hủy hoặc tìm lý do gì thôi”, anh nói thêm.

Ai hưởng tiền chênh lệch?

Chia sẻ với Zing, đại diện Grab cho biết giá cước cơ bản của dịch vụ GrabFood không thay đổi nhưng tùy theo từng thời điểm, khu vực và cửa hàng nhất định. Dịch vụ có thể được áp dụng biểu giá linh động hai chiều theo thuật toán nhằm phản ánh tình hình cung - cầu của thị trường và được dựa vào thực tế quãng đường di chuyển của đối tác tài xế, từ đó có thể tối ưu hóa số lượng đơn hàng được hoàn thành cho cả người dùng và đối tác.

“Do đó, ở một số trường hợp nhất định, sẽ có sự chênh lệch giữa giá cước mà đối tác nhận được và giá cước mà người dùng thanh toán. Grab vẫn liên tục cải tiến thuật toán để phản ánh mức độ biến động cung và cầu ngày càng chuẩn xác hơn trong thời gian tới”, đại diện ứng dụng nói.

Song, hãng này không giải thích khoản tiền chênh kia được sử dụng trong mục đích nào cũng như vì sao không được niêm yết cụ thể. Grab cũng không đưa ra bất cứ phản hồi nào về lời hồi đáp của tổng đài viên với tài xế B.N.

Tai xe to Grab,  Grab an chan phi anh 3

Giá cước của Grab khiến nhiều người dùng lầm tưởng. Ảnh: Duy Hiệu.

Đây không phải lần đầu tiên ứng dụng gọi xe dẫn đầu thị phần tại thị trường Việt Nam dính lùm xùm về giá cước và phụ phí.

Đầu tháng 7, Grab cập nhật chính sách thu phụ phí thời tiết nắng nóng gay gắt với một số dịch vụ như GrabBike, GrabFood, GrabExpress 3.000-5.000 đồng tùy vào thị trường của từng địa phương nhằm hỗ trợ các tài xế thực hiện đơn hàng. Phụ phí sẽ được áp dụng cho mỗi đơn hàng trong chuyến xe, đồng thời cộng trực tiếp vào giá cước vào những thời điểm nắng nóng gay gắt.

Tuy nhiên, chính sách này nhanh chóng hứng chịu chỉ trích từ cả tài xế và người dùng do không nêu rõ ràng tiêu chí xác định nắng nóng gay gắt và liệu Grab có thu chiết khấu đối với khoản thưởng này hay không. Nếu có, cộng đồng tài xế và người dùng cho rằng hãng đang lợi dụng yếu tố thời tiết để kiếm lời.

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng về bản chất, việc một số hãng xe công nghệ tung phụ phí hoặc tăng phí là hình thức tăng giá dịch vụ cũng như cần bổ sung hình thức quản lý giá phù hợp với những mặt hàng, dịch vụ kinh doanh áp dụng công nghệ số.

Sau khi vào cuộc và làm rõ vụ việc, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho rằng trường hợp "phụ phí nắng nóng" hoặc các loại phí, phụ phí khác do Grab áp dụng nếu được cộng trực tiếp vào giá cước sẽ làm thay đổi tổng cước phí mà người tiêu dùng phải trả. Do đó phải được thông báo đầy đủ, rõ ràng cho người tiêu dùng trước khi áp dụng theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cục cũng khuyến nghị Grab thông báo rõ ràng cho đối tác tài xế về cơ chế phân chia nguồn thu từ các loại phí, phụ phí và thiết lập hệ thống đảm bảo tự động tách bạch và phân chia nguồn thu từ các loại phí, phụ phí đó trước khi áp dụng.