Tại sao tôi lại chỉ xứng đáng làm cấp dưới của người khác?

Tôi thường sợ đương đầu, lúc nào cũng chỉ muốn làm một kẻ “tay chân” là được rồi, hy vọng có cấp trên gánh vác cho mình, còn mình làm những việc đơn giản là xong.

Năm 2012, tôi đã vào công ty làm được 2 năm, gây dựng được các mối quan hệ, có được một tấm gương, hay có thể nói gần như thần tượng, chính là cấp trên Lão Tôn, cũng có đội ngũ nhân viên của riêng mình.

Nhưng tôi vẫn là một chàng trai chân chất, không có dã tâm hay ý đồ tranh giành gì, trong đầu vẫn chỉ mong sao được tập trung vào công việc, đối với tôi, học hỏi là điều quan trọng nhất. Sau đó, tôi nhận được lệnh điều chuyển lên tập đoàn làm giám đốc thương hiệu.

Khi đó, Lão Tôn đã dẫn dắt mấy người chúng tôi tách riêng, tự thuê văn phòng, cả ngày cười nói rôm rả, không có cảm giác bó buộc khi cấp trên và cấp dưới làm việc chung. Lúc ấy, ông chủ cũng đang ở trong thời kỳ muốn thăm dò, cho tất cả đội ngũ nhân viên kinh doanh trong các công ty con mà mình đầu tư tách riêng ra làm việc, chào bán bất động sản của người khác. […]

Nhiều năm sau, khi tôi ngồi vào vị trí người chịu trách nhiệm cho cả một bộ phận, quý nào cũng phải xem xét kỹ thành tích và doanh thu của bộ phận mình, quý nào cũng phải nghe tin cắt giảm nhân viên trong các cuộc họp, cuối cùng tôi cũng hiểu được cái khó của người quản lý.

Tóm lại, khi đó tôi đã mang theo bầu nhiệt huyết ấy từ bỏ cơ hội quay về tập đoàn làm, thế là tập đoàn lại tuyển một giám đốc thương hiệu mới. Còn đội ngũ với dã tâm hừng hực của chúng tôi đã tan đàn xẻ nghé sau nửa năm, bởi vì không hoàn thành được chỉ tiêu nghiệp vụ, văn phòng bị tuyên bố sẽ trả lại không thuê nữa, toàn thể nhân viên trong công ty được yêu cầu quay trở về tập đoàn.

Hai tuần sau, 80% nhân viên xin nghỉ việc, trong đó bao gồm cả đội ngũ của tôi. Còn tôi lại nằm trong số 20% còn lại.

Không phải tôi không muốn đi, mà là bản thân tôi không biết mình có thể đi đâu được nữa. Quay trở về công ty quảng cáo?

Tôi không muốn lại bắt đầu với công việc viết bài content, thậm chí còn chẳng muốn lấy 5.000 tệ tiền lương cơ bản nữa. Đổi sang một công ty khác, tiếp tục làm tạp chí nội bộ? Chuyện này phải xem có gặp được cơ hội hay không. Khi đó tôi đã làm đến chức tổng biên tập, bạn từng nghe tạp chí có biên tập viên xin thôi việc, nhưng đã bao giờ nghe nói tổng biên tập của tạp chí nào xin thôi việc chưa?

tai-sao-1656892011.jpg
Tôi thường sợ đương đầu, lúc nào cũng chỉ muốn làm một kẻ “tay chân” là được rồi. Nguồn: pristor.


Nhưng nếu ở lại đây, lại càng gượng gạo hơn. Tôi được đối đãi như nhân viên trong công ty con bị giải tán và được tập đoàn thu nhận, mức lương giảm xuống, cuộc sống chật vật hơn thì không nói, vị trí làm việc thì gượng gạo, bởi vì ở đó đã có một giám đốc thương hiệu làm việc được hơn nửa năm rồi, tôi quay trở về cũng làm giám đốc thương hiệu, thế thì còn ý nghĩa gì?

Hơn nữa, vấn đề nan giải đầu tiên nếu tôi quay lại là ngoại trừ giúp đỡ tổ chức buổi tổng kết cuối năm ra, quan trọng hơn hết là phải viết bản kế hoạch cho thương hiệu năm thứ ba. Tôi biết đây là một bài thi. Tất cả kỳ thi đều khó, không khiến bạn sứt đầu mẻ trán ấy hả, bạn đã nghĩ chốn công sở đơn giản quá rồi.

Đối với việc kinh doanh bán hàng, nếu nhà dễ bán thì ông chủ còn tìm bạn về làm gì? Ông chủ bỏ tiền ra mời bạn về làm là muốn bạn dựa vào năng lực chuyên môn của mình bán được nhà ở mức giá cao hơn.

Tương tự thế, đối với tôi, một bộ phận vốn không cần 2 người quản lý ngang hàng. Nếu bạn không thể viết ra được một bản kế hoạch tốt hơn của người kia, dựa vào đâu mà công ty phải giữ bạn lại?

Bản kế hoạch đó của tôi bị trả lại 2 lần đều với lý do là không có ý tưởng mới mẻ. Tôi cũng thử đi hỏi cấp trên trực tiếp của mình: Vậy anh đang chú trọng vào điều gì? Câu trả lời của đối phương là: Tôi không biết, đấy là vấn đề mà cậu phải suy nghĩ.

Tôi phải tăng ca suốt 2 tuần liền, hơn nữa còn tăng ca mà không đạt hiệu quả gì. Ép chính mình phải viết bản kế hoạch nhưng đó lại không phải là sở trường của tôi, làm sao tôi biết được sang năm bộ phận thương hiệu cần những gì cơ chứ?

Khi đó, tôi cứ không ngừng tự hỏi chính mình, liệu có phải tôi thực sự ngu dốt quá, không phù hợp với công việc này hay không? Tôi ép buộc bản thân mình hành động như một cái xác sống, giả vờ trông có vẻ đang rất cố gắng nỗ lực.

Tăng ca đến 10 giờ tối, tôi đã gọi đồ ăn giao tới công ty, vừa ăn vừa xem chương trình giải trí ở bàn làm việc, cười nắc nẻ, sau đó lại chạy vào nhà vệ sinh nôn ra hết. Áp lực là thứ đáng sợ nhất, có thể khiến người ta phát điên.

Không ai trách cứ gì bạn, nhưng bạn vẫn cảm thấy thật lạc lõng. Cho đến sau này khi tán gẫu cùng một đồng nghiệp ở công ty quảng cáo cũ, tôi thì ngưỡng mộ cô ấy có thể tiếp tục làm nhân viên kinh doanh, cô ấy lại ngưỡng mộ tôi có cơ hội được làm quảng bá thương hiệu. Hai chúng tôi cứ ngưỡng mộ lẫn nhau như thể đang soi gương vậy.

Bỗng nhiên tôi hiểu ra rằng, nghịch cảnh trong mắt tôi lại là cơ hội trong mắt người khác. Nếu như những bậc “tiền bối” như thế này đều có cơ hội để làm quảng bá thương hiệu, vậy thì tôi mãi mãi chỉ là “chân chạy vặt” trong tập thể mà thôi.

Tại sao tôi lại chỉ xứng đáng làm cấp dưới của người khác? Giờ đây, rõ ràng đã có một cơ hội để tôi có thể tích lũy kinh nghiệm, làm tiền bối của người ta, như thế chẳng phải rất tốt hay sao?

Tôi thường sợ đương đầu, lúc nào cũng chỉ muốn làm một kẻ “tay chân” là được rồi, hy vọng có cấp trên gánh vác cho mình, còn mình làm những việc đơn giản là xong.

Nhưng, những tháng ngày như thế sớm muộn gì cũng phải kết thúc thôi. Sớm muộn gì tôi cũng phải gánh vác những thứ mà tôi cần phải gánh vác, bao gồm cả áp lực, nỗi tuyệt vọng, thậm chí là phủ định chính mình. Sự trưởng thành của con người ta luôn bắt đầu từ sâu trong nội tâm. Nội tâm đủ kiên cường, thì bề ngoài sẽ thay đổi chỉ trong một đêm mà thôi.

Tôi đã sống hơn 30 năm, đêm hôm đó, lần đầu tiên suy ngẫm, năm sau mình sẽ làm gì. Cũng bắt đầu từ chính đêm hôm đó, số phận đã đưa đẩy tôi đến khoảnh khắc yêu cầu tôi phải tự mình đưa ra chính kiến, tự mình phán đoán, lên kế hoạch đồng thời hoàn thành nó.