Người dân tố phòng khám “vẽ bệnh moi tiền”
Mới đây, Báo Lao động và Xã hội (Báo điện tử Dân sinh) nhận được đơn phản ánh của anh Vũ Tiến Minh (SN 1976; thường trú xã Hiệp Thành, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) về việc “Phòng khám đa khoa Tháng Tám ép người bệnh sử dụng dịch vụ, thu tiền dịch vụ thủ thuật cao hơn quy định”.
Cụ thể, theo đơn phản ánh, anh Vũ Tiến Minh trình bày: Thông qua tìm hiểu tại các quảng cáo trên mạng xã hội, internet,…ngày 11/8/2023, anh Minh đến Phòng khám Đa khoa Tháng Tám (địa chỉ tại 74 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 6, quận 3, TP.HCM) để thăm khám.
Tại đây (Phòng khám Đa khoa Tháng Tám), sau khi thăm khám sơ qua, các bác sĩ đã hướng dẫn bệnh nhân làm siêu âm tổng quát và xét nghiệm để biết rõ bệnh tình với chi phí: Phí khám chuyên khoa là 200.000 đồng; phí siêu âm tổng quát là 300.000 đồng; phí xét nghiệm 400.000 đồng. Tổng chi phí là 900.000 đồng.
"Các bác sĩ đưa tôi vào phòng làm thủ thuật, tại đây các bác sĩ có luồn 1 ống cao su qua đường tiểu (tiết liệu) của tôi vào đến bàng quang. Sau đó, các bác sĩ dùng bơm tiêm hút 1 chất gì đó từ ống cao su đó ra và nói tôi đó là dịch gây lên các triệu chứng tôi gặp phải trong thời gian qua và thông báo cho tôi các khoản phí liên quan gồm: Phí rửa bàng quang là 15.000.000 đồng; phí điều trị bằng tia hồng ngoại là 3.800.000 đồng. Tổng chi phí là 18.800.000 đồng.
Trong khi tôi đang nằm trên bàn tiểu phẫu, ống cao su vẫn còn trong bàng quang thì các bác sĩ yêu cầu đóng hết các phí trên (Phí rửa bàng quang, phí điều trị bằng tia hồng ngoại) thì mới tiếp tục làm thủ thuật cho tôi.
Trước tình thế đang nằm trên bàn tiểu phẫu, tôi phải nhờ người nhà chuyển tiền để có tiền chi trả các khoản trên. Sau khi tôi hoàn tất đóng phí thì các bác sĩ tại Phòng khám Đa khoa Tháng Tám mới tiếp tục làm thủ thuật rửa bàng quang bằng 2 lọ nước mà tôi không rõ là nước gì.
Sau đó, các bác sĩ có đưa tôi qua phòng khác, nằm trên 1 cái bàn khác và bật chiếu sáng một bóng điện có ánh sáng màu vàng vào vùng bụng tôi khoảng 20 phút, rồi báo là đã hoàn tất quá trình điều trị cho tôi.
Điều đặc biệt là trong suốt quá trình thăm khám, làm thủ thuật cho tôi thì tất cả các bác sĩ tại đây đều không đeo bảng tên, nên tôi không biết đây có phải là bác sĩ không?!", nội dung đơn phản ánh của anh Minh nêu rõ.
Cũng theo anh Minh, sau khi về nhà, anh cảm thấy cách làm việc và các khoản phí mà Phòng khám Đa khoa Tháng Tám thực hiện và thu tiền không đúng với quy định về phí của các dịch vụ, thấy hoang mang về các làm việc của phòng khám trên nên anh đã tìm hiểu chi phí về thủ thuật rửa bàng quang thì thấy nhiều nơi báo giá chỉ có dưới 1.000.000 đồng.
“Nay tôi viết đơn này gửi tới các cơ quan liên quan và các đơn vị báo đài, mong các đơn vị sớm vào cuộc kiểm tra, tìm hiểu hoạt động của Phòng khám Đa khoa Tháng Tám xem có đúng với những quy định nghành nghề mà Nhà nước đã quy định không. Nếu Phòng khám Đa khoa Tháng Tám có sai phạm thì kính mong các cơ quan, đơn vị sớm xử lý theo quy định của pháp luật, tuyên truyền để khách hàng, người bệnh, người dân được biết để tránh những trường hợp tương tự xảy ra”, anh Minh đề nghị.
Sở Y tế vào cuộc kiểm tra
Sau khi nhận đơn và các hồ sơ từ bạn đọc, Báo đã chuyển đơn thư và hồ sơ của bạn đọc qua Sở Y tế TP.HCM. Sau khi tiếp nhận đơn và nghiên cứu hồ sơ, ngày 16/10, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản phúc đáp số 8808/SYT-VP gửi đến Báo Lao động và Xã hội (Báo điện tử Dân sinh).
Theo đó, Sở Y tế nêu rõ: Với nội dung cung cấp của Báo, Thanh tra Sở phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện rà soát, kiểm tra và tham mưu xử ký vi phạm theo quy định pháp luật (nếu có).
“Nội dung thông tin xử phạt vi phạm hành chính sẽ được công bố trên Cổng thông tin điện tử Sở Y tế”, Sở Y tế thông tin rõ.
Cũng theo Sở Y Tế TP.HCM, định kỳ hàng năm, Thanh tra Sở Y tế xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với các cơ sở có vi phạm trong lĩnh vực y tế.
Bên cạnh đó Sở Y tế đã chủ động xây dựng các kênh thông tin để tiếp nhận ý kiến đóng góp, phản ánh của người dân, Sở Y tế khuyến cáo người dân khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở khám, chữa trái phép, có các dấu hiệu vi phạm, người dân có thể gọi ngay đường dây nóng qua số 0989.401.155 hoặc phản ánh qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở Y tế có thông tin, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm theo quy định.
Để có thông tin khách quan, đa chiều khi đăng tải nội dung phản ánh của bạn đọc, phóng viên đã liên hệ trực tiếp Phòng khám đa khoa Tháng Tám, tuy nhiên phía đại diện phòng khám cho biết chỉ làm việc với Sở Y tế chứ không tiếp báo chí.
Phòng khám Đa khoa Tháng Tám liên tục bị xử phạt
Ngày 12/9, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Tháng Tám (74 Cách Mạng Tháng Tám, phường Võ Thị Sáu, quận 3) với tổng số tiền 6,3 triệu đồng.
Lý do, Phòng khám đa khoa Tháng Tám vi phạm về lập hồ sơ khám chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; có nhân viên không đeo bảng tên.
Ngoài ra, Thanh tra sở Y tế cũng xử phạt bác sĩ Trần Thị Huyền - công tác tại Phòng khám Đa khoa Tháng Tám số tiền 2 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời gian 2 tháng vì không ghi sổ y bạ cho người bệnh điều trị ngoại trú.
Theo Thanh tra Sở Y tế, thời gian qua, Phòng khám Đa khoa Tháng Tám đã nhiều vi phạm trong hoạt động khám, chữa bệnh và bị xử phạt. Gần đây nhất, phòng khám bị xử phạt 57 triệu đồng vì các sai phạm như: Hoạt động có biển hiệu không có đủ các thông tin cơ bản theo quy định; người hành nghề không đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trái quy định pháp luật.
Ngoài phạt tiền, Phòng khám Đa khoa Tháng Tám bị buộc tháo gỡ quảng cáo mà nội dung quảng cáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.