Quy hoạch tổng thể quốc gia: Cần có tầm nhìn xa và mới

Tại hội nghị Thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sáng 14/9, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, Quy hoạch tổng thể quốc gia là công việc rất mới, chưa từng có trong tiền lệ, cần lưu ý những yếu tố quan trọng liên quan đến phát triển tổng thể của nền kinh tế.
quy-hoach-tong-the-1663198088.jpeg
PGS.TS Trần Đình Thiên

Cần có tầm nhìn xa nhất là khi bối cảnh quốc tế có những thay đổi phức tạp. Cụ thể, về hình thể đất nước Việt Nam có nhiều biên giới, ít phần nội địa, đây là điểm quy định bố trí kinh tế như thế nào để tận dụng được lợi thế của đất nước. Đối với một đất nước nhiều biên giới thì không thể không mở cửa và phải coi mở cửa là yếu tố tạo ra sức mạnh. Từ trước đến nay, Việt Nam đã mở cửa tốt, nhưng tận dụng lợi thế để mở cửa thì chưa tốt, vì chưa tạo ra được năng lực cần thiết để biến những thời cơ thành cơ hội do mở cửa mang lại.

Bản Quy hoạch tổng thể quốc gia đã liệt kê những tiềm năng điều kiện sẵn có nhưng để Quy hoạch này đạt được mục tiêu đề ra là tạo bước tiến mới trong phát triển thì Quy hoạch cần nhìn thấy cả những lợi thế mới chuẩn bị xuất hiện. Nhiều vùng, nhiều địa phương có những điểm bất lợi đang dần chuyển thành lợi thế dưới tác động của hội nhập quốc tế, của biến động tình hình thế giới. Nhất là trong bối cảnh biến động thế giới và khu vực sẽ làm xuất hiện những lợi thế mới của đất nước. Điều này rất quan trọng. Đó chính là cách Việt Nam mượn sức mạnh thời đại để đi lên.

Cùng với đó, Quy hoạch cũng xác định và định hướng phát triển cho các vùng động lực, cực tăng trưởng trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay. Bộ KH&ĐT cho biết, Quy hoạch sẽ lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất (vùng lõi) để hình thành các vùng động lực quốc gia. Từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên./.