Viễn cảnh cắt giảm lao động, giảm giờ làm, thu hẹp quy mô sản xuất đã phần nào phản ánh khó khăn chung của ngành da giày khi thị trường suy thoái. (Nguồn: VGP News) |
Cắt giảm lao động
Thiếu đơn hàng là nguyên nhân chính khiến Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cắt giảm hàng ngàn lao động trong tháng 2/2023. Đây là thông tin buồn với ngành da giày xuất khẩu trong năm 2023.
Số lao động bị cắt giảm thuộc nhóm phải nghỉ chờ việc, luân phiên kéo dài từ cuối năm ngoái do một nhãn hàng giày rút đơn hàng. Doanh nghiệp đã cố gắng sắp xếp, nhưng không thể đảm bảo công việc cho số lượng lớn lao động bị ảnh hưởng, đơn hàng sắp tới cũng không dự báo được, doanh nghiệp buộc phải cho giải thể một số chuyền sản xuất.
Sự suy giảm sản xuất tại Công ty PouYuen Việt Nam rất đáng lưu tâm, bởi đây là doanh nghiệp FDI đầu tàu trong khối sản xuất của ngành giày dép, đóng góp doanh thu hàng năm khoảng 1 tỷ USD.
Công ty TNHH PouYuen Việt Nam thuộc Tập đoàn Pouchen (Đài Loan), hoạt động từ năm 1996 với ngành nghề sản xuất chính là giày thể thao. Đây là doanh nghiệp có số công nhân đông nhất TP.HCM hiện nay với khoảng trên 50.000 lao động. Doanh thu của Pouyuen Việt Nam năm 2020 trên 25.000 tỷ đồng; năm 2021, dù ảnh hưởng của cao điểm dịch Covid-19, nhưng vẫn đạt trên 19.900 tỷ đồng.
Không chỉ riêng PouYuen gặp khó, phải cắt giảm lao động, mà tình trạng này còn diễn ra với không ít doanh nghiệp ngành da giày vì đơn hàng giảm. Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn cũng phải cắt giảm, tái cơ cấu, nhẹ thì giảm giờ làm, ngày làm, còn nặng hơn là cắt giảm lao động trực tiếp.
Cuối năm ngoái, Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP.HCM) do không có đơn hàng nên phải chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 công nhân.
Viễn cảnh cắt giảm lao động, giảm giờ làm, thu hẹp quy mô sản xuất đã phần nào phản ánh khó khăn chung của ngành da giày khi thị trường suy thoái.
Tháng 1/2023, xuất khẩu giày dép chứng kiến sự giảm tốc rất mạnh, chỉ đạt 1,6 tỷ USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Túi xách, vali, ô dù cũng theo đà giảm, còn 320 triệu USD, giảm 18,3%. Loại trừ nguyên nhân của kỳ nghỉ tết kéo dài vào đúng tháng 1, có một thực tế không thể phủ nhận là lượng đơn hàng lẫn giá trị đơn hàng đều ít đi.
Số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm khiến Chỉ số sản xuất công nghiệp của cả nước trong tháng 1/2023 giảm 14,6% so với tháng 12/2022 và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.
Suy giảm về đơn hàng đã tác động ngay đến kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, báo hiệu sự ảm đạm trong sản xuất và xuất khẩu.
Đầu năm 2023, nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đồng loạt hạ thấp mức tăng trưởng toàn cầu và dự báo kinh tế thế giới có thể suy thoái. Điều này sẽ làm giảm sức cầu hàng hóa và ảnh hưởng đến đầu tư mới, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của nhiều nước, trong đó các ngành hàng xuất khẩu chính như dệt may, giày dép của Việt Nam sẽ bị sụt giảm đầu tiên.
Tận dụng được cơ hội thị trường tiêu dùng sau đại dịch, năm 2022, ngành da giày đã xuất khẩu được lượng hàng trị giá 23,932 tỷ USD, tăng gần 35% so với năm 2021 (tương ứng với mức tăng thêm gần 6,2 tỷ USD so với năm trước). Đơn hàng những tháng cuối năm dù giảm sâu, nhưng nhờ đà tăng rất mạnh của 3 quý trước đó, đưa xuất khẩu giày dép cán đích vượt mong đợi.
Mục tiêu xuất khẩu 27 tỷ USD khó khăn hơn
Theo đánh giá của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), năm 2022, dù ngành da giày - túi xách vượt qua nhiều khó khăn để đạt được kim ngạch xuất khẩu ấn tượng, song điều này không có gì bảo đảm ngành sẽ duy trì được sự tăng trưởng trong năm 2023. Công tác dự báo thị trường khó hơn, điều phối sản xuất gặp nhiều rủi ro, đặt doanh nghiệp ở thế vô cùng bấp bênh.
Thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu phản ánh, doanh số bán lẻ quần áo và giày dép tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam có dấu hiệu kém khả quan từ tháng 10/2022, cùng mức tăng trưởng âm, báo hiệu tiếp một mùa khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất giày dép.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso nhận định, mục tiêu xuất khẩu năm 2023 sẽ trở nên thách thức hơn, đặt trong bối cảnh thị trường toàn cầu giảm tiêu dùng. Ở trong nước, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay, chi phí sản xuất tiếp đà tăng cao, cho thấy các doanh nghiệp phải duy trì hoạt động trong một giai đoạn cực kỳ khó tiên lượng.
Từ quý IV năm ngoái, trước tác động của lạm phát, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm tiêu dùng. Trong khi nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chậm lại, hàng tồn kho các sản phẩm giày dép của các nhà bán lẻ và các nhãn hàng tiếp tục ở mức cao sẽ làm xấu đi triển vọng đơn hàng trong nửa đầu năm 2023.
Bên cạnh đó, Trung Quốc quay trở lại sản xuất, khiến nguồn cung tăng đột biến, trong khi cầu chưa phục hồi, càng gây áp lực lớn lên giá thành hàng hóa.
Các doanh nghiệp đều cho hay, thị trường gặp khó, họ sẽ cố gắng ở mức cao nhất để giữ lao động lành nghề, giữ vị trí trong chuỗi, quyết định hy sinh lợi ích tài chính ngắn hạn để giữ ổn định cao hơn về lao động, nhưng sự gắng gượng này cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nếu tình hình không cải thiện, việc cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất cũng phải xảy ra.
Lúc này, doanh nghiệp chỉ biết chờ đợi vào tín hiệu thị trường dần ấm lên, sức mua được cải thiện, các nhà mua hàng quay trở lại đặt hàng để sản xuất được thông suốt, các lô hàng được xuất đi đều đặn.