Theo Bloomberg, Nga dự kiến thu về gần 321 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu năng lượng trong năm nay, tăng 1/3 so với năm 2021.
Theo các nhà kinh tế của IIF do Robin Brooks dẫn đầu, dòng tiền từ năng lượng của Nga sẽ tiếp tục chảy bất chấp các biện pháp trừng phạt hiện tại từ phương Tây.
Tuy nhiên, tình thế có thể nhanh chóng đổi chiều nếu Nga bị cấm xuất khẩu năng lượng. Hiện chỉ một số quốc gia như Anh, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt cụ thể với hàng hóa, đặc biệt là năng lượng, nhập khẩu từ Nga.
Hoạt động xuất khẩu và sản lượng của Nga đã giảm mạnh trước bối cảnh một số quốc gia ngừng nhập dầu mỏ và khí đốt nhằm phản đổi cuộc chiến Ukraine. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nước này có thể mất gần 1/4 sản lượng dầu thô trong tháng này.
Cuộc chiến buộc Đức và các đồng minh Liên minh châu Âu (EU) phải hướng tới chính sách giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Song, Đức vẫn phản đối các lệnh trừng phạt và áp lực chính trị hướng tới việc đưa ra lệnh cấm vận hoàn toàn.
Nền kinh tế Nga đang phụ thuộc nhiều vào năng lượng. Ảnh: Reuters. |
Theo công ty tư vấn và dự báo TS Lombard, tình trạng đồng RUB mất giá và giá dầu lên cao sẽ tạo thêm 8,5 tỷ RUB, tương đương 103 tỷ USD, trong doanh thu ngân sách của Nga năm nay.
“Bộ Tài chính sẽ sử dụng thận trọng một số khoản tiền để khắc phục lạm phát. Có vẻ như tất cả các biện pháp trừng phạt này đang phá hủy phần phi năng lượng của nền kinh tế. Nga sẽ còn phụ thuộc vào năng lượng nhiều hơn nữa”, Madina Khrustaleva, một nhà phân tích tại TS Lombard ở London, cho biết.
Goldman Sachs dự báo thặng dư trong tài khoản vãng lai năm 2022 ở mức 205 tỷ USD, gần gấp đôi mức kỷ lục năm ngoái. Lượng tiền này đủ để Ngân hàng Trung ương Nga đáp ứng nhu cầu ngoại hối ở nhóm tư nhân, đồng thời nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn.
Tuy vậy, người tiêu dùng Nga vẫn phải đối mặt hàng loạt cú sốc từ lạm phát đến tình trạng thu nhập rỗng. Hoạt động nhập khẩu của Nga sẽ giảm 20% trong năm nay, gấp đôi mức sụt giảm dự kiến đối với xuất khẩu.
Các nhà phân tích của TS Lombard cho biết tỷ giá hối đoái của đồng RUB được hỗ trợ hiệu quả bởi dòng tiền hiện tại trong khi các lệnh trừng phạt đóng băng phần lớn dự trữ tiền tệ của ngân hàng trung ương.
Năm 2021, dầu thô và khí đốt chiếm một nửa kim ngạch xuất khẩu của Nga, đồng thời đóng góp khoảng 40% vào thu ngân sách.
Khả năng xuất khẩu dầu và khí đốt ra nước ngoài có thể là điều duy nhất giúp nền kinh tế Nga không rơi vào tình trạng suy thoái tài chính. Theo IIF, nếu EU, Anh, Mỹ cùng cấm vận năng lượng, Nga sẽ thiệt hại 20% sản lượng, tương đương 300 tỷ USD doanh thu xuất khẩu, tùy vào sự thay đổi giá cả.