chon-mua-co-phieu-dau-khi-tim-co-hoi-tu-kho-khan1581565605 (1)

Cổ phiếu dầu khí vừa trải qua đợt tăng giá mạnh. Ảnh Internet

Trong báo cáo mới đây, VNDirect cho biết sau khi chạm mức cao nhất 14 năm là 139,13 USD/thùng vào ngày 7/3, giá dầu Brent đã giảm mạnh do những lo ngại về sự suy giảm kinh tế toàn cầu khi Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách “zero-Covid”.

“Hiện chúng tôi nhận thấy nhiều yếu tố không thể đoán định đang gia tăng thêm những bất ổn cho thị trường năng lượng toàn cầu. Một mặt, khủng hoảng Ukraine gia tăng và việc OPEC không đạt mục tiêu sản lượng có thể đẩy giá dầu tiếp tục tăng. Mặt khác, sự hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran và các biện pháp phong tỏa tại Trung Quốc có thể gây áp lực giảm giá lên giá dầu”, VNDirect lưu ý.

Theo quan điểm của VNDirect, giá dầu Brent sẽ tiếp tục biến động mạnh trong ngắn hạn do các sự kiện bất ổn toàn cầu, sau đó dần tái cân bằng cho đến cuối 2022 khi căng thẳng tại Ukraine hạ nhiệt và nguồn cung dầu ngày càng tăng từ Iran, Mỹ và OPEC có thể bắt kịp nhu cầu.

Theo sau đà tăng giá dầu, giá cổ phiếu nhóm dầu khí tại Việt Nam đã tăng 60,2% kể từ đầu năm 2021, vượt trội so với VN-Index (+31,1% trong cùng giai đoạn). Nhóm phân tích này khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng hơn sau đợt tăng giá cổ phiếu vừa qua vì rủi ro giảm giá hiện đã lớn hơn so với tiềm năng tăng giá.

Cụ thể, theo VNDirect mặc dù giá dầu tăng là tín hiệu tốt, nhưng kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp thượng nguồn (PVD, PVS…) cần thêm thời gian để phục hồi hoàn toàn. Nguyên nhân là vì giá dầu cần duy trì trên mức 60-65 USD/thùng đủ lâu để khởi động lại các dự án thăm dò & khai thác. Bên cạnh đó, định giá của một số cổ phiếu dầu khí đã ở mức hợp lý do giá cổ phiếu phần lớn đã phản ánh triển vọng khả quan hơn của doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh thị trường năng lượng biến động mạnh, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên hướng sự chú ý vào các cổ phiếu dầu khí ít nhạy cảm hơn với giá dầu và hưởng lợi từ những câu chuyện dài hạn”, VNDirect nhấn mạnh.

Từ đó, công ty chứng khoán này nhận thấy một số xu hướng nổi lên đang định hình triển vọng của ngành dầu khí Việt Nam. Đầu tiên, một loạt siêu dự án trong chuỗi giá trị điện khí LNG đã được công bố gần đây, khiến LNG trở thành phân khúc hứa hẹn nhất trong vài năm tới. Do đó, công ty này ưa thích các doanh nghiệp có mức độ liên quan lớn với LNG như GAS. Ngoài ra, việc mở cửa lại bầu trời là dấu hiệu tốt cho việc phục hồi tiêu thụ năng lượng và PLX có thể là doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất.

NHẬT HUỲNH

nhadautu