Giá vàng hôm nay 29/7: Neo quanh mốc 1.800 USD, giá vàng phục hồi hay bị bán tháo phụ thuộc vào Fed?

Giá vàng thế giới đang neo quanh mức 1.800 USD/ounce và chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của Fed sẽ được công bố vào chiều muộn ngày 28/7 (theo giờ Mỹ).
Giá vàng hôm nay 29/7: Neo quanh mốc 1.800 USD, giá vàng tăng hay giảm - phụ thuộc vào Fed?
Giá vàng thế giới neo gần mức 1.800 USD, khi giới đầu tư chờ đợi tín hiệu về kế hoạch thu hẹp chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). (Nguồn: Medium)

Cập nhật giá vàng hôm nay

Chốt phiên giao dịch chiều 28/8, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại 56,50 - 57,20 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so với phiên giao dịch buổi sáng. Chênh lệch giá bán cao hơn giá mua 700.000 đồng/lượng. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là mức chênh lệch cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư.

Cùng với thông báo ngừng giao dịch trực tiếp để phòng chống dịch Covid-19, hệ thống Bảo tín Minh Châu vẫn giữ nguyên giá vàng niêm yết trên bảng giao dịch điện tử nhiều ngày nay.

Theo đó, giá vàng SJC vẫn đứng ở 56,90 - 57,52 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch tại 51,51 - 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, đến 21h ngày 28/7, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco ở mức 1.797,6 - 1,98,6, giảm 2,4 USD so với phiên giao dịch liền kề. Giá vàng thế giới neo gần mức 1.800 USD, khi giới đầu tư chờ đợi tín hiệu về kế hoạch thu hẹp chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Giá vàng phụ thuộc vào Fed?

Kết quả cuộc họp chính sách của Fed sẽ được công bố vào chiều muộn ngày 28/7 (theo giờ Mỹ), sau đó là đến cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Giới đầu tư sẽ tìm kiếm những dấu hiệu về thời điểm ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu giảm các biện pháp hỗ trợ tiền tệ.

Bên cạnh đó, điều mà thị trường buộc phải theo sát là những bình luận về việc giảm dần quy mô chương trình mua tài sản. Đây là yếu tố sẽ quyết định giá vàng sẽ phục hồi hay bị bán tháo sau cuộc họp của Fed.

Với những lo ngại ngày càng tăng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại trong nửa cuối năm, việc thu hẹp dần quy mô các gói cứu trợ có thể không còn cấp thiết như cách đây vài tuần.

Nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank cho biết, những người tham gia thị trường đang chờ xem liệu Fed có báo hiệu bắt đầu thu hẹp quy mô mua trái phiếu hay không. Đây sẽ là một tin xấu đối với vàng.

Ông Briesemann nói thêm: "Đó cũng phản ánh áp lực buộc Fed phải bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn. Điều này ít nhất được phản ánh qua lợi suất trái phiếu danh nghĩa và thực tế thấp hơn đáng kể.

Nếu tuyên bố của Fed không có dấu hiệu cho thấy, việc cắt giảm sẽ bắt đầu trong tương lai gần và nếu Chủ tịch Fed Powell cũng không đưa ra nhận xét nào về hiệu ứng này trong cuộc họp báo, theo chúng tôi, điều này có khả năng làm suy yếu đồng USD - vốn sẽ có lợi cho vàng".

Người đứng đầu mảng chiến lược tiền tệ toàn cầu của BBH Win Thin chia sẻ quan điểm, những câu chuyện mâu thuẫn giữa lo ngại lạm phát cao hơn và lo ngại tăng trưởng chậm hơn trong nửa cuối năm sẽ khiến công việc của Fed trở nên đặc biệt khó khăn trong khoảng thời gian này.

Ông Thin nói: "Có vẻ như thị trường trái phiếu đang ngày càng lo ngại về tác động tiềm tàng của biến thể Delta và đang xem xét bức tranh lạm phát hiện tại. Nếu lạm phát không chỉ là tạm thời, chúng tôi kỳ vọng Fed sẽ thu hẹp quy mô mua trái phiếu.

Tuy nhiên, điều đó sẽ càng khó khăn hơn đối với Powell và quan chức Fed do lo ngại ngày càng tăng về triển vọng kinh tế Mỹ".

Theo ông Thin, những lo ngại xung quanh tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bị "thổi phồng quá mức".

Niềm tin tiêu dùng tại Mỹ được Conference Board khảo sát đạt mức 129,1 điểm trong tháng 7, tăng lên từ 128,9 điểm của tháng 6/2021 và trái với dự báo giảm mạnh xuống còn 123,9 điểm, đây là mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.

Với kế hoạch chi tiêu của các hộ gia đình tăng ngay cả khi lo ngại về lạm phát cao kéo dài, cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới duy trì tăng trưởng mạnh vào đầu quý III/2021.

Trung Quốc mạnh tay gom vàng

Theo các nhà phân tích hàng hóa tại Commerzbank, ngân hàng của Đức có trụ sở tại Frankfur, Trung Quốc chứng kiến ​​nhu cầu mua vàng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021.

Trích dẫn dữ liệu thương mại từ chính phủ Trung Quốc, Ngân hàng Đức cho biết, gần 31 tấn vàng ròng đã được vận chuyển từ Hong Kong (Trung Quốc) đến Trung Quốc vào tháng 6/2021.

Carsten Fritsch, nhà phân tích kim loại quý nhận định: “Con số này nhiều hơn 9 tấn so với tháng 5/2021 và là mức cao thứ hai kể từ tháng 12/2019".

Commerzbank lưu ý, hơn 130 tấn vàng đã được chuyển đến Trung Quốc từ Hong Kong (Trung Quốc) trong nửa đầu năm 2021. Đồng thời, hơn 100 tấn vàng đã được vận chuyển từ Thụy Sỹ đến Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm 2021.

Nhà phân tích Fritsch cho biết: “Nhu cầu tăng cao của Trung Quốc có thể đã được thúc đẩy vào tháng 6/2021, khi giá kim loại quý thấp hơn đáng kể".

Trong khi Trung Quốc nhận thấy nhu cầu tăng, ngân hàng Commerzbank lưu ý, nhu cầu của Ấn Độ vẫn yếu. Cả nước chỉ nhập khẩu 16,5 tấn vàng trong tháng 6/2021, tăng 5 tấn so với tháng 5.

LINH CHI