Đường đến sân bay 16 triệu USD, tương lai phục vụ 100 triệu khách sẽ có 3 loại phương tiện siêu hiện đại?

Hàng triệu hành khách từ TP.HCM có thể tới sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai bằng cả đường bộ, đường sắt, và thậm chí là đường thủy.

3 phương án kết nối đường thủy từ TP.HCM tới sân bay Long Thành

Mới đây nhất, Sở GTVT TP.HCM đề xuất 3 phương án vận tải khách bằng đường thủy kết nối với sân bay Long Thành.

Theo đó, phương án 1 là hình thành tuyến vận tải chở khách trực tiếp bằng tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng (Quận 1) đến bến du thuyền SwanBay ở Nhơn Trạch (Đồng Nai). Tuyến này dài hơn 22 km, chạy mất 35-45 phút. Từ khu vực SwanBay, khách có thể tới sân bay Long Thành theo các trục đường bộ có sẵn.

Đường đến sân bay 16 triệu USD, tương lai phục vụ 100 triệu khách sẽ có 3 loại phương tiện siêu hiện đại?- Ảnh 1.

Bến du thuyền Swanbay trong tương lai. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

Phương án 2 là TP.HCM và Đồng Nai sẽ nâng cấp hai đầu bến Phú Xuân - Phước Khánh trên sông Soài Rạp, để tăng kết nối từ khu vực Nhà Bè sang huyện Nhơn Trạch. Sau khi qua sông, khách có thể theo tuyến Phạm Thái Bường, ĐT.769D (25C) đến sân bay Long Thành với cự ly gần 25 km, thời gian di chuyển 40-45 phút.

Phương án 3 là tăng công suất khai thác ở bến phà Cát Lái, nối TP Thủ Đức qua huyện Nhơn Trạch. Lúc này, người dân có thể kết nối đường bộ thông qua đường ĐT.769D (25C) đến sân bay Long Thành khoảng 30 km, thời gian di chuyển 45- 50 phút.

2 tuyến đường sắt kết nối với sân bay Long Thành

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành hiện đang được triển khai. Cả hai tuyến đường sắt này đều đi qua TP.HCM, vì vậy nếu sắp xếp các ga ngầm tại cảng hàng không Long Thành thì hành khách có thể thuận tiện di chuyển.

Nhà ga đường sắt dự kiến sẽ được đặt ngầm và nằm giữa trục đường chính, ở vị trí trước và cách Nhà ga hành khách T1 của Sân bay Quốc tế Long Thành khoảng 220 mét, và cách bãi đỗ xe T1 khoảng 35 mét.

Sau khi sân bay đi vào hoạt động, nó sẽ được liên kết thông qua hệ thống cầu dành cho người đi bộ, đảm bảo khách có thể di chuyển một cách thuận tiện từ Nhà ga hành khách T1 qua bãi đỗ xe T1 để đến ga đường sắt.

Đường đến sân bay 16 triệu USD, tương lai phục vụ 100 triệu khách sẽ có 3 loại phương tiện siêu hiện đại?- Ảnh 2.

Đường sắt tốc độ cao đi qua sân bay Long Thành trong tương lai. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

Tại báo cáo đầu kỳ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, tư vấn xin ý kiến hướng tuyến gồm: điểm đầu là ga Thủ Thiêm (P.An Phú, Q.2, TP.HCM), điểm cuối là ga sân bay Long Thành. Chiều dài tuyến là hơn 37,3km, trong đó đi qua TP.HCM gần 12km và qua Đồng Nai hơn 25km.

Tuyến được quy hoạch dài 38km, khổ 1.435mm, kết nối giữa sân bay Long Thành và Thủ Thiêm (TP.HCM), chủ yếu phục vụ vận tải hành khách giữa trung tâm TP.HCM với sân bay Long Thành. Tuyến kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại Thủ Thiêm.

Đường bộ cao tốc kết nối với sân bay Long Thành

Đoạn tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, được đưa vào khai thác từ giữa năm 2016 với quy mô 4 làn xe. Trong đó, đoạn TP.HCM - Long Thành là tuyến đường bộ chính yếu kết nối TP.HCM với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Hiện yêu cầu nâng cấp, mở rộng tuyến cao tốc đang rất cấp bách, nhất là đoạn phạm vi cao tốc từ TP.HCM (nút giao An Phú) đến Long Thành (nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) dài khoảng 26 km, đã khai thác vượt quá 25% so với năng lực thông hành của tuyến, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải.

Đường đến sân bay 16 triệu USD, tương lai phục vụ 100 triệu khách sẽ có 3 loại phương tiện siêu hiện đại?- Ảnh 3.

Tương lai cao tốc TP.HCM - Long Thành sẽ là một trong những tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT

Khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I dự kiến được đưa vào khai thác đầu năm 2026, sẽ tiếp tục tăng áp lực lên đoạn tuyến cao tốc này. Có 2 phương án nâng cấp mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành gồm:

Phương án 1 tổng chiều dài 21,92 km, mở rộng lên 8 làn xe, thực hiện giải phóng mặt bằng 10 làn xe (hiện đã giải phóng mặt bằng đảm bảo diện tích thực hiện mở rộng 8 làn xe). Trong đó, 2 vị trí cầu (Sông Tắc - Km10+436, cầu trong nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu Km24+646) đầu tư mở rộng hoàn chỉnh theo quy hoạch 10 làn xe; xây dựng thêm 1 đơn nguyên cầu Long Thành quy mô như cầu Long Thành hiện tại (4 làn xe).

Phương án này sẽ đảm bảo đáp ứng được nhu cầu giao thông trên tuyến đến năm 2035 (lưu lượng khoảng 114.315 CPU/ngày đêm). Tổng mức đầu tư của phương án 1 là 14.339,50 tỷ đồng, chuẩn bị đầu tư từ tháng 3/2024 đến tháng 2/2025; thực hiện đầu tư từ tháng 3/2025 đến tháng 6/2028.

Phương án 2 phạm vi thực hiện giữ nguyên như phương án 1, nhưng đoạn từ Km4 đến Km8+770 sẽ được đầu tư theo quy mô 8 làn xe, đoạn từ Km8 đến Km25+990 đầu tư 10 làn xe. Dự án vẫn đầu tư xây dựng một đơn nguyên quy mô như cầu Long Thành hiện tại; thực hiện giải phóng mặt bằng toàn đoạn tuyến 10 làn xe.

Với phương án này, tổng mức đầu tư của Dự án là 15.628,83 tỷ đồng, bao gồm 9.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước, chiếm 58%; vốn VEC huy động 6.628,83 tỷ đồng, chiếm 42%.

Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 là dự án quan trọng đặc biệt cấp Quốc gia, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Toàn bộ vốn đầu tư dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (16 tỷ USD), trong đó dành 4% cho giai đoạn một.

Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, sân bay Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai.