Covid-19 sáng 29/10: Bệnh nhân ở TP. Hồ Chí Minh nhập viện có dấu hiệu tăng, biến chủng A.30 có đáng ngại?

Dịch ở một số địa phương như Hà Nội, Nghệ An có dấu hiệu phức tạp, số ca nhiễm ở TP. Hồ Chí Minh tăng do các doanh nghiệp bắt đầu mở cửa lại, triển khai test Covid-19 cho toàn bộ nhân viên.
tiêm chủng vẫn là lựa chọn tốt nhất để chống lại đại dịch
Tiêm chủng vaccine vẫn là lựa chọn tốt nhất để chống lại đại dịch Covid-19. (Nguồn: Bộ Y tế)

Nghệ An đổi màu cam - đỏ nhiều nơi

Chiều 28/10, thông tin từ UBND TP. Vinh cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thành phố đã quyết định nâng cấp độ dịch ở một số địa phương lên vùng đỏ và vùng cam.

Từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 2.360 bệnh nhân mắc Covid-19 ở 21/21 huyện thành thị, trong đó TP. Vinh có số lượng mắc nhiều nhất với 743 bệnh nhân, tiếp đó là huyện Yên Thành: 234, Diễn Châu: 217…

Số bệnh nhân điều trị được công bố khỏi bệnh, ra viện là 2.003.

Số bệnh nhân tử vong là 20. Bệnh nhân hiện đang điều trị có 337 người.

Ca nhiễm ở TP. Hồ Chí Minh tăng

Ngành y Thành phố đang điều trị 10.988 bệnh nhân, trong đó, 751 bệnh nhân là trẻ em dưới 16 tuổi, 257 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 trường hợp cần can thiệp ECMO.

Trong ngày 27/10, thành phố ghi nhận số bệnh nhân nhập viện cao hơn số ca được điều trị khỏi, xuất viện. Cụ thể, TP. HCM có 1.172 bệnh nhân Covid-19 nhập viện trong ngày và 869 trường hợp được xuất viện.

Trong cuộc họp báo ngày 28/10, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM cho biết, việc số ca mắc Covid-19, bệnh nhân nhập viện có dấu hiệu tăng trên địa bàn thành phố trong những ngày gần đây do các doanh nghiệp bắt đầu mở cửa lại, triển khai test Covid-19 cho toàn bộ nhân viên. Đến nay, thành phố chưa ghi nhận thêm ổ dịch, chuỗi lây nhiễm nào từ lúc mở lại các hoạt động.

"Chúng tôi chưa nhận thấy dấu hiệu chủ quan, lơ là xuất hiện trên địa bàn. Tuy nhiên, chúng ta cần nhắc nhở nhau để luôn cảnh giác trước dịch bệnh, tình hình dịch bệnh thời gian tới sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ của chúng ta", ông Nguyễn Hồng Tâm lưu ý.

6,7 tỷ đồng hỗ trợ lao động mất thu nhập

Trong khuôn khổ Chiến dịch "Kết nối cộng đồng, vượt qua thách thức", Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ lao động ngoại tỉnh, lao động từ vùng dịch trở về địa phương mất thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Hình thức hỗ trợ sẽ là cấp tiền mặt đa mục đích và túi hàng gia đình. Với tiêu chí lựa chọn đối tượng hưởng lợi bắt buộc là hộ gia đình lao động ngoại tỉnh, mất thu nhập do dịch bệnh Covid-19, có hoàn cảnh khó khăn.

Trong đó, tiêu chí ưu tiên là những hộ gia đình có người khuyết tật; hộ có người mắc bệnh hiểm nghèo, mắc Covid-19; hộ gia đình neo đơn, nữ giới là lao động chính trong gia đình; hộ gia đình có phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi; hộ gia đình đang có người phải cách li do dịch bệnh Covid-19; hộ gia đình có người chết do mắc Covid-19; hộ gia đình có người từ 65 tuổi trở lên, hộ gia đình phải thuê chỗ ở.

Biến chủng A.30 có đáng lo ngại?

Nhóm nhà khoa học từ Đức xác định, biến chủng A.30 lần đầu phát hiện ở châu Phi có nguy cơ chống lại kháng thể sinh ra bởi một số loại vaccine Covid-19. Biến chủng A.30 lần đầu được phát hiện ở Tanzania và sau đó đã xuất hiện ở Angola và Thụy Điển trong năm nay.

Trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí "Miễn dịch học tế bào và phân tử", nhóm tác giả người Đức cho biết, biến chủng A.30 có khả năng chống lại kháng thể do một số vaccine Covid-19 sinh ra.

Các tác giả nhận định, A.30 có khả năng xâm nhập vào hầu hết các tế bào vật chủ, bao gồm tế bào thận, gan và phổi. Báo cáo cho rằng, biến chủng này "xâm nhập vào một số dòng tế bào nhất định với hiệu suất tăng lên và tránh được một số loại kháng thể sinh ra bởi vaccine".

Biến chủng này cũng có khả năng kháng thuốc Bamlanivimab, được sử dụng để điều trị Covid-19, nhưng có thể bị ảnh hưởng bởi hỗn hợp thuốc Bamlanivimab và Etesevimab.

Tuy nhiên, A.30 hiện nay vẫn chưa bị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm biến chủng đáng lo ngại hay cần quan tâm vì số ca bệnh liên quan tới chủng này hiện vẫn khá thấp.

Markus Hoffmann, nhà nghiên cứu tại Trung tâm linh trưởng Đức, tác giả của nghiên cứu về A.30, khẳng định, nghiên cứu này không phải để chứng minh vaccine không hiệu quả với Covid-19 vì tiêm chủng vẫn là lựa chọn tốt nhất để chống lại đại dịch.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 905.477 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.193 ca nhiễm).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.910 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.