COVID-19 kéo GDP giảm mạnh nhất trong 35 năm qua

Chia sẻ tại chương trình Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Diễn biến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong thời COVID-19” do Trung tâm nghiên cứu phát triển Thương hiệu Việt phối hợp cùng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ), Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức mới đây, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho biết, kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế mở, tổng giá trị xuất nhập khẩu đã lên đến 200% GDP, tức là nước ta phụ thuộc rất nhiều vào xuất nhập khẩu để vận hành, tạo sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên việc bùng phát COVID-19 đã làm cho tốc độ GDP vào quý 3 năm 2021 giảm đến âm 6,17% so với cùng ký năm 2020, đây là mức giảm mạnh nhất trong 35 năm trở lại đây.

Trong đó, ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng đã chịu tác động rất nặng nề giảm đến gần âm gần 10%, ngành công nghiệp trong đó công nghiệp trong nước và công nghiệp đầu tư nước ngoài cũng đã âm đến 5,6%. Chỉ duy nhất ngành nông - lâm - thuỷ sản có tăng trưởng 1,6% trong quý 3, đây chính là bệ đỡ và tác động tích cực đến nền kinh tế của Việt Nam trong thời điểm hiện tại.

Nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu, trong khi cán cân dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc đóng cửa biên giới quốc gia đối với hầu hết khách quốc tế. Khu vực kinh tế đối ngoại đã mất đi một phần động lực, vì dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 13,2 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt sau khi đạt kết quả thặng dư cao chưa từng có của năm 2020 (19,1 tỷ USD), tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,13 tỷ USD. Thực tế này là do đại dịch tái bùng phát, khiến các đơn vị xuất khẩu phải đối mặt với tình trạng đứt gãy dẫn đến họ phải đóng cửa nhà máy hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, cũng như phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ những quốc gia khác có các hoạt động sản suất đang phục hồi mạnh mẽ hơn.

 

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế TƯ, thành viên UB Chính sách phát triển của Liên hợp quốc.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, thành viên Uỷ ban Chính sách phát triển của Liên hợp quốc.

 

Theo ông Lê Đăng Doanh, đại dịch COVID-19 đã tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của cả nước, nhất là ảnh hưởng sâu rộng đến doanh nghiệp và người lao động. Cụ thể, đối với doanh nghiệp, thời điểm diễn ra dịch bệnh đã khiến cho chuỗi cung ứng hàng hoá của doanh nghiệp bị đứt gãy.

Bên cạnh đó, dịch vụ vận tải, xuất khẩu, công nghiệp, xây dựng… bị cắt giảm đơn hàng nên hoạt động cầm chừng, lao động giảm giờ làm hoặc làm việc luân phiên nhau khiến doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng. Một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động dài ngày hoặc giải thể, khiến nhiều doanh nghiệp không có việc làm.

“Từ đó, nhiều doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, nợ đọng bảo hiểm xã hội với số lượng lớn khó khắc phục, dẫn đến một số chế độ, chính sách của người lao động không thực hiện được. Điều này đã khiến người lao động nghỉ việc, rồi rời bỏ các tỉnh, thành phố lớn để về quê sinh sống. Dẫn đến số lượng doanh nghiệp thiếu nhân lực trầm trọng”, ông Doanh nói. Việc phong toả và giãn cách xã hội tại nhiều địa phương vẫn diễn ra rất bất cập, không có sự thống nhất đã khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều.

Ông Doanh cho rằng, thời gian qua có hiện tượng phong toả quá rộng dẫn đến chưa hiệu quả. Nếu trong doanh nghiệp chỉ có một vài trường hợp bị dương tính với COVID-19 thì chỉ cần phong toả doanh nghiệp đó, sau đó tiến hành cách ly điều trị những người bị nhiễm virus và doanh nghiệp cần nhanh chóng tiêm vaccine cho toàn bộ người lao động rồi thực hiện 3 tại chỗ là đủ và sẽ rất hiệu quả, chứ không nên tiến hành phong toả mở rộng ra cả thành phố hay cả địa phương, trong khi dịch chỉ xuất hiện tại một doanh nghiệp hay trong một khu vực nhỏ.

“Thực tế, nhiều địa phương dù chỉ có vài trường hợp dương tính với COVID-19 trong một doanh nghiệp nhưng chính quyền địa phương lại tiến hành phong toả toàn bộ thành phố trong thời gian dài, điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của những doanh nghiệp không có dịch mà còn tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội cho toàn bộ địa phương đó. Đây là vấn đề rất thiếu kinh nghiệm, bởi khi phong toả diện rộng như vậy nhưng lại không tính đến vấn đề hỗ trợ người lao động, kể cả lao động tự do họ sống như thế nào. Dẫn đến khi bỏ phong toả thì có một lượng lớn người lao động rời thành phố để đi về quê tìm cách sống đã khiến nhiều doanh nghiệp thiếu hụt lao động trầm trọng”, ông Lê Đăng Doanh cho hay.

Chưa hết, trong quá trình thực hiện giãn cách và phong toả giữa các địa phương chưa có sự thống nhất, thoả thuận rõ ràng với nhau. Cụ thể, trong quá trình vận chuyển hàng hoá nhiều tỉnh, thành phố đề ra yêu cầu đối với tài xế lái xe khác nhau như: Phải có chứng nhận tiêm vaccine hay xét nghiệm âm tính có hiệu lực 72h, điều này dẫn đến sự lúng túng của tài xế, khi di chuyển cả đoạn đường hàng trăm km và sắp đến điểm giao hàng, nhưng do 1 địa phương không cho qua thì tài xế buộc phải lái xe quay trở lại khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn.

Hay có địa phương đưa ra quy định: Chỉ định cơ sở y tế nào ở địa phương mình sẽ được thực hiện việc xét nghiệm mà không có lý do chính đáng về việc tại sao lại chỉ định cơ sở đó; yêu cầu có xác nhận về việc không mắc bệnh truyền nhiễm mới được phép vào địa phương… chính những điều này đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Các địa phương cần mạnh dạn mở cửa phát triển kinh tế

Có thể thấy, đại dịch COVID-19 đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy, cuộc sống người dân gặp khó khăn, doanh nghiệp thì hoạt động ngưng trệ... Nhưng trong thời gian qua, hệ thống chính trị của đất nước, nhân dân và doanh nghiệp đã đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, dù chưa đạt được những kết quả như mong muốn nhưng cơ bản kiểm soát dịch trên phạm vi toàn quốc.

Và để tháo gỡ khó khăn mà nền kinh tế nước ta đang gặp phải, ông Doanh cho rằng, cần chú trọng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và nếu thực hiện được các nhiệm vụ này, chúng ta nhất định sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra. Cụ thể:

Hiện nay tổ chức y tế thế giới WHO đã phát hiện ra biển chủng mới của virus COVID-19, biến chủng này diễn biến phức tạp hơn đã gây tác động đến nhiều nước trên thế giới, trong tương lai có thể làm tình hình trở nên phức tạp hơn. Vì vậy, để doanh nghiệp chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp cần phải chủ động hơn nữa trong các công tác như thường xuyên kiển tra sức khoẻ cho người lao động, luôn yêu cầu người lao động đeo khẩu trang, đảm bảo yêu cầu 5k của Bộ Y tế. Song song đó, nhà nước cần trao quyền cho doanh nghiệp chủ động phòng dịch theo phương án hiệu quả, để từ đó bên cạnh việc phòng chống dịch thì doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động hiệu quả.

Tác động của dịch COVID-19 đến doanh nghiệp và người lao động.

Tác động của dịch COVID-19 đến doanh nghiệp và người lao động là rất lớn.

 

Bên cạnh đó, nhà nước nên giao và hỗ trợ cho doanh nghiệp nâng cao năng lực về y tế. Tức là từ phương án “3 tại chỗ” chuyển sang thực hiện “4 tại chỗ” (dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ) để doanh nghiệp chủ động phòng chống dịch ở mức cao hơn. Nhà nước cần chỉ đạo tăng cường năng lực máy xét nghiệm, test nhanh cho các địa phương đang có dịch diễn biến phức tạp; có hướng dẫn, đơn giản hóa thủ tục trong mua sắm thiết bị, vật phẩm, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch; tăng phân bổ vaccine phòng COVID-19 cho các doanh nghiệp; chỉ đạo phối hợp khoanh vùng, rà soát, quản lý dân cư, lao động và giao lưu, di chuyển giữa các địa phương trong vùng dịch...

Cần tiếp tục đẩy mạnh, kết nối các chuỗi giá trị hàng hoá thương mại. Dịch COVID-19 đã khiến người dân có tâm lý thu hẹp chi tiêu, mua sắm. Các mặt hàng không thiết yếu và dịch vụ giải trí bị ảnh hưởng nặng nề. Trong 9 tháng của năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng ước giảm gần 4% so với cùng kỳ.

Để phát triển kết nối chuỗi giá trị hàng hoá thì doanh doanh nghiệp cần phải sáng tạo, phản ứng nhanh để thích ứng với xu hướng và cách thức tiêu dùng mới. Theo đó, doanh nghiệp cần thay đổi mô hình kinh doanh, từ sản xuất đến phân phối, vận chuyển, tiêu thụ là giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh mới, quan trọng nhất lúc này là các doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng hàng hóa và tăng ưu đãi cho khách hàng, doanh nghiệp cũng phải có ý thức sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao.

Nhằm giúp cho quá trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong thời gian sắp tới, các địa phương cần triển khai ngay vào việc phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ du lịch trong thời gian sớm nhất. Cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, các địa phương phải có trách nhiệm mở cửa, phát triển kinh tế. Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định các biện pháp thích ứng, linh hoạt kiểm soát dịch thống nhất toàn quốc, do đó các địa phương phải căn cứ vào đó mà thực hiện, khẩn trương xác định và công bố cấp độ dịch để tạo điều kiện cho việc đi lại, giao thương thuận lợi hơn.

Theo Nghị quyết 128, khi một tỉnh công bố địa bàn mình là vùng xanh, thì doanh nghiệp, người dân ở địa phương đó di chuyển đến các tỉnh, thành phố khác dễ dàng và ngược lại, nếu chậm xác định cấp độ dịch sẽ cản trở lưu thông, làm chậm quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó các địa phương cần mạnh dạn mở cửa để phát triển kinh tế, chứ không thể đóng cửa mãi được.

Đức Linh