Huy động vốn trái phép

Điển hình, Dự án Khu nhà ở Sài Gòn Center (phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên) do Công ty TNHH đầu tư và phát triển Sài Gòn Center làm chủ đầu tư; Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt mở rộng (phường Dĩ An, TP Dĩ An); Dự án Suối Giữa (TP Thủ Dầu Một) do Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Á Châu làm chủ đầu tư.

Theo ông Vinh, đối với dự án bất động sản, nếu chủ đầu tư có nhu cầu huy động vốn theo Luật Bất động sản và sở hữu nhà ở thì có 2 hình thức huy động vốn. Thứ nhất, huy động vốn bằng cách góp vốn với nhà đầu tư, dĩ nhiên chỉ được chia lợi nhuận chứ không được chia sản phẩm. Thứ hai là được bán nhà hình thành trong tương lai nhưng phải được cơ quan Nhà nước cho phép.

445667

 Người dân khốn khổ vì dự án Khu nhà ở Sài Gòn Center 5 năm chưa triển khai xong hạ tầng, chậm bàn giao sổ.

Đối với Dự án Khu nhà ở Sài Gòn Center, ông Lê Quang Vinh khẳng định hiện tại dự án vẫn chưa được nhà nước thông báo cho phép bán nhà hình thành trong tương lai.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, Dự án Khu nhà ở Sài Gòn Center có diện tích gần 10ha do Công ty TNHH đầu tư và phát triển Sài Gòn Center (trụ sở đường D2, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM) làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 12/2018.

Ngày 10/9/2018, UBND Thị xã Tân Uyên có Văn bản số 4916/QĐ-UBND Quyết định về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 Khu nhà ở Sài Gòn Center.

Ngày 4/3/2022, Sở Xây dựng có Văn bản số 708/SXD-PTĐT&HTKT thông báo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Dự án Khu nhà ở Sài Gòn Center.

Ngày 29/4/2022, Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng số 1635/GPXD cho Công ty Sài Gòn Center được phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở Sài Gòn Center.

Dự án 2 lần bị cơ quan chức năng ra Quyết định xử phạt số 94/QĐ-XPVPHC ngày 29/6/2020 và Quyết định số 866/QĐ-UBND tỉnh ngày 12/4/2022 về hành vi xây dựng hạ tầng không phép.

1223345

Người dân sống ở Dự án Khu nhà ở Sài Gòn Center bị chủ đầu tư  có dấu hiệu cản trở, chèn ép như: Không cho người thân vào nhà, cắt điện, dùng xe cẩu chắn lối đi...

Như vậy, mặc dù ngày 25/12/2018, UBND tỉnh Bình Dương mới có văn bản số 6258/UBND-KTN chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu nhà ở Sài Gòn Center nhưng từ tháng 5/2018, Công ty Sài Gòn Center đã kí hợp đồng nguyên tắc “bán đất không” cho hàng chục khách hàng để thu về hàng chục tỷ đồng.

Điều đáng nói, sau khi “bán đất” qua hình thức hợp đồng nguyên tắc, cho khách hàng xây nhà ở một thời gian dài, chủ đầu tư lại kiện ra Toà đòi thanh lý hợp đồng.

Trước sự “chèn ép” có nguy cơ mất nhà đất, khách hàng đã gửi đơn tố cáo đến nhiều cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, yêu cầu xử lý hành vi vi phạm của chủ đầu tư, yêu cầu họ phải thực hiện hạ tầng dự án, làm thủ tục cấp GCNQSDĐ và phải trả số tiền phạt vì vi phạm hợp đồng như đã kí kết.

Đối với Dự án Khu nhà ở Suối Giữa có diện tích hơn 33,6ha, đã được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận đầu từ vào tháng 3/2008 và được UBND TP Thủ Dầu Một phê duyệt quy hoạch chi tiết vào tháng 2/2010; tháng 8/2015, UBND TP Thủ Dầu Một tiếp tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 với quy mô diện tích hơn 30,6ha. Tháng 4/2020, dự án được UBND tỉnh giao, thuê đất đợt 1 với diện tích khoảng 10ha.

Chủ đầu tư cũng từng bị UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 3174/QĐ-XPVPHC ngày 30/10/2020 xử phạt vi phạm hành chính vì đã vi phạm quy định về huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép tại Dự án Khu nhà ở Suối Giữa với số tiền 285 triệu đồng.

Hiện nay, Công ty Á Châu cũng đã gửi đơn khởi kiện đến một số khách hàng mua đất tại dự án để yêu cầu thanh lý hợp đồng.

Ông Vinh cho biết thêm, diện tích đất dự án đang trong tình trạng “da beo” với khoảng 3ha nên chủ đầu tư không thể nào triển khai, chậm tiến độ nhiều năm.

234455

  Ông Lê Quang Vinh - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã thông tin về nhiều dự án bất động sản dính lùm xùm mà báo chí phản ánh, người dân khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Đối với Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt mở rộng, ông Vinh cho biết, trước đây dự án được cho chủ trương đầu tư và cho chuyển mục đích sử dụng đất.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện thì Bộ GTVT có làm việc với UBND tỉnh Bình Dương, đề nghị tạm dừng để rà soát pháp lý.

Do vậy UBND tỉnh quyết định thu hồi Quyết định 509/QĐ-UBND ngày 1/3/2018 rồi sau đó ban hành Quyết định 1881/QĐ-UBND ngưng hoạt động dự án.

“Dự án này hiện nay Thanh tra Chính phủ đang làm đối với vấn đề sử dụng đất đối với các dự án đường sắt. Do vậy phải tạm dừng để chờ Thanh tra Chính phủ cũng như rà soát lại một số vấn đề pháp lý”, ông Vinh nói.

2

Nhà báo Quang Hải đặt câu hỏi đến cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương về việc xử lý Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Sài Gòn Center có dấu hiệu huy động vốn trái phép, chèn ép khách hàng.

Bên cạnh đó, dự án này đến nay mới chỉ được quy hoạch giao đất. Các bước sau từ lập dự án, thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công, cấp phép xây dựng và cho phép bán nhà hình thành trong tương lai đều chưa có.

 “Để giải quyết vấn đề 2 dự án (Dự án Khu nhà ở Suối Giữa và Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt mở rộng – PV), các đơn vị liên quan đã từng làm việc rất nhiều lần, thậm chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã tiếp dân để tìm hiểu nguyên nhân, chỉ đạo. Do vậy, để nắm rõ vụ việc hơn, sẽ triển khai thanh tra toàn diện xác định nguyên nhân, có phương án xử lý”, ông Vinh cho biết.

Khởi tố, bắt giam nhiều lãnh đạo bất động sản vi phạm

Trưởng phòng Quản lý nhà và Bất động sản nói thêm, theo Luật Kinh doanh bất động sản và Nhà ở, việc Nhà nước chưa cho phép mà đã ký hợp đồng huy động vốn là sai quy định, và sai ở mức độ nào sẽ bị xử lý ở mức độ đó. Đối với hợp đồng dân sự, các bên có quyền khiếu nại về quyền và nghĩa vụ của nhau qua các cơ quan nhà nước.

 “Đối với cơ quan hành pháp nhà nước, chúng tôi chỉ xử phạt hành chính và yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện các cam kết. Đồng thời, chúng tôi sẽ báo cáo lên UBND có hướng chỉ đạo cơ quan chức năng có biện pháp xác định, nếu hành vi này có yếu tố vi phạm hình sự thì có biện pháp xử lý hình sự”, ông Vinh nói.

Cũng tại buổi họp báo, Đại tá Trần Văn Chính - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, tính cả các vụ án thụ lý từ năm 2021 được chuyển qua năm 2022, đến nay Công an Bình Dương đã khởi tố 15 vụ án, bắt giam nhiều lãnh đạo các công ty kinh doanh bất động sản.

33455

 Đại tá Trần Văn Chính - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết  đã khởi tố, bắt giam nhiều lãnh đạo các công ty kinh doanh bất động sản.

Để xử lý tình trạng nhiều dự án BĐS triển khai kéo dài, UBND tỉnh Bình Dương cũng vừa ra quyết định thu hồi nhiều dự án bất động sản ở trên địa bàn.

Cụ thể, giai đoạn trước đã thu hồi 37 dự án với diện tích trên 1.000ha, giai đoạn 2016 - 2021 thu hồi 4 dự án. Hiện tại, Bình Dương còn 28 dự án chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng với tổng diện tích khoảng 353ha.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp kiểm tra các dự án "treo" và xem xét cho gia hạn thêm 24 tháng.

Trong thời gian được gia hạn, doanh nghiệp phải đóng tiền sử dụng đất và nếu doanh nghiệp vẫn chưa có phương án sử dụng đất sẽ bị thu hồi, không được bồi thường theo Luật Đất đai. Đối với các trường hợp sử dụng sai mục đích đất, giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh đã xử phạt và tham mưu xử phạt 57 trường hợp, với tổng số tiền phạt hơn 2,1 tỷ đồng.