Bí quyết 30 ngày tạo thói quen kỷ luật cho người dễ bỏ cuộc

bi-quyet-1667697345.jpg
Ảnh: minh họa

1. Từ ngày 1 đến ngày 7: Thời kỳ phản kháng

Triệu chứng: Lúc nào cũng muốn bỏ cuộc

Thời gian từ ngày 1 đến ngày 7 là thời kỳ đỉnh cao dễ bỏ cuộc nhất. Giai đoạn này là quan trọng nhất, bạn phải khiến bản thân mình bất luận thế nào cũng phải “giữ vững”, bất luận thành quả thế nào thì chỉ cần việc gì đó mà bạn “làm được” thì bạn đã chiến thắng bước đầu tiên rồi đấy. Cụ thể phải làm sao?

- Giải pháp 1: Bắt tay từ việc nhỏ

“Vạn sự khởi đầu nan”! Nếu muốn tập thói quen đi bộ 1 giờ mỗi ngày thì có thể bắt đầu từ việc đi nhanh 15 phút, rất nhiều người đã có trải nghiệm này. Nếu bạn muốn viết một kế hoạch cho doanh nghiệp dày 50 trang, chỉ cần có thể làm được phần bìa và mục lục thì những động tác sau đó sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều.

Hãy đem vấn đề khó khăn chia ra thật chi tiết về thời gian, các bước, các mục và hoàn thành tốt những điểm dễ nhất, đơn giản nhất, khi đó bạn sẽ có động lực và hứng thú để kiên trì tiếp tục.

- Giải pháp 2: Mỗi ngày kiểm tra thành quả

Dùng cách nào giản đơn nhất, thoải mái nhất để ghi chép lại thành quả mà mình đã chấp hành được, xem lại tình hình mỗi ngày, nắm bắt khoảng cách giữa mục tiêu và hành động thực tế. Khi trông thấy thành quả của mình, nó sẽ giúp bạn nâng cao động lực và tự tin.

2. Từ ngày 8 đến ngày 21: Thời kỳ bất ổn

Triệu chứng: Không ngừng chịu sự quấy nhiễu của bên ngoài

Sau khi đã vượt qua tuần đầu tiên, bản thân bạn sẽ thường tự thả lỏng mình, nhưng mà khi bước qua giai đoạn thứ hai này thì rất nhiều “chuyện đột xuất” hay những “quyến rũ từ bên ngoài” sẽ bắt đầu hỏi thăm bạn. Ví dụ như một đồ án lớn trong công việc khiến bạn phải tăng ca đến 10h tối và không thể tham gia lớp yoga như đã định; hoặc là cả ngày hôm qua bạn đã vui chơi với bạn bè thâu đêm nên hôm sau không thể dậy sớm chạy bộ…

- Giải pháp 1: Sắp xếp thói quen “tuần tự hóa”

Hãy tiến hành mỗi thói quen mà bạn muốn tập trong thời gian, địa điểm cố định hằng ngày và với một cách làm thống nhất, khiến cho chúng trở thành một trong những “tiết tấu” cố định trong sinh hoạt mỗi ngày của bạn. Chầm chậm thôi, dần dần nó sẽ đi sâu vào tiềm thức của bạn. Ví dụ như người thức dậy lúc 7h mỗi ngày thì cho dù cuối tuần cũng thường giật mình tỉnh giấc lúc 7h; người có thói quen bơi mỗi ngày, nếu như hôm đó không bơi sẽ cảm thấy cả người khó chịu.

- Giải pháp 2: Xây dựng cơ chế ứng phó linh hoạt

Trong cuộc sống khó tránh những chuyện ngoài ý muốn làm phá hỏng kế hoặc đã dự định. Ví dụ như lớp yoga của bạn bị những việc công, tư làm bỏ lỡ nhiều lần thì rất bạn sẽ rất dễ bị đ.á.nh b.ại bởi cảm giác “hết cách” và không thể kiên trì tiếp tục nữa.

Vì vậy, việc “tuần tự hóa” thói quen là quan trọng, nhưng ngoài ra bạn còn phải suy nghĩ đến việc ứng phó thế nào trong tình huống ngoài dự định. Nếu bạn không thể đến lớp yoga đúng giờ thì có thể suy nghĩ đến việc tập bù lúc rảnh khác hay tự tập chẳng hạn. Việc gì cũng có thể có phương pháp khác để bổ sung, quan trọng là bạn phải xây dựng một tinh thần đối phó linh hoạt trong mọi tình huống.

3. Từ ngày 22 đến ngày 30: Thời kỳ đuối sức

Triệu chứng: Cảm thấy chán ghét

Giai đoạn cuối cùng của việc “thói quen hóa”, bạn sẽ luôn cảm thấy phiền phức và mất kiên nhẫn bởi ý niệm: “Ngày nào cũng như thế, thật vô vị!”, thậm chí còn nghi ngờ: “Làm thế này rốt cục có ý nghĩa hay hiệu quả không nhỉ?”

- Giải pháp 1: Sáng tạo “trò” mới

Lúc này, bạn có thể bắt đầu thêm một vài thay đổi mới cho thói quen mình đang tập. Ví dụ bạn thường ngồi vào bàn học từ vựng tiếng Anh, vậy thì hãy thử đổi địa điểm khác bàn học xem; bạn thường chạy bộ ở con đường quen thuộc thì hãy chuyển sang con đường khác hoặc có thể vừa chạy vừa nghe nhạc chẳng hạn… Chỉ cần một chút thay đổi đã có thể tăng thêm cảm giác tươi mới, thú vị mà vẫn giữ được hoạt động vốn có.

- Giải pháp 2: Vận dụng cơ chế tăng cường

Rất nhiều cơ chế tăng cường có thể nâng cao động lực hành động của bạn, bao gồm việc tự thưởng khích lệ bản thân, sự khẳng định khen ngợi của người khác, bày trò chơi thú vị hay thiết định mục tiêu lý tưởng.

Nếu bạn đã thuận lợi thức dậy sớm, hãy thưởng cho mình một bữa sáng thịnh soạn; kêu gọi “hội những người dậy sớm” trên FB; cùng đồng nghiệp chơi “trò chơi” ai quẹt thẻ trước; sưu tầm câu chuyện của những danh nhân liên quan đến thói quen bạn đang tập để lấy đó làm mục tiêu cho mình.

Những cơ chế tăng cường như thế đều có thể tăng thêm động lực giúp bạn kiên trì.

Lưu ý: Một lần chỉ chuyên tâm vào một thói quen: đừng quá tham lam, một lần chỉ nên đối mặt với một thói quen thì tốt rồi, nếu cùng lúc muốn tập quá nhiều thói quen thì ý chí của bạn không thể tập trung được đâu.

(Biên soạn theo Học trường đời)

Nguyễn Thành Tiến