Những cái tên vui nhất khi nghe tin này, không ai khác ngoài các hãng công nghệ Mỹ như Facebook, Twitter. Trong bối cảnh bị nhiều cơ quan lập pháp "dòm ngó" về chính sách quyền riêng tư, các công ty Mỹ có thể tận dụng tranh cãi liên quan đến đối thủ như TikTok để hưởng lợi.
Facebook, Twitter là các công ty hưởng lợi nhất nếu Mỹ cấm TikTok. Ảnh: @YFM/Twitter.
Vào ngày 10/6, tất cả nhân viên Amazon bất ngờ được yêu cầu xóa TikTok ngay lập tức để tránh rủi ro bảo mật. Thế nhưng vài giờ sau, Amazon đã xóa thông báo ấy với lý do "gửi nhầm".
Chưa rõ lý do Amazon yêu cầu nhân viên xóa TikTok. Theo Business Insider, điều đó phản ánh sự nghi ngờ trong quy định của Mỹ đối với các hãng công nghệ Trung Quốc - thứ đang được các hãng khai thác nhằm che đi sự mập mờ về các quy định, chính sách của họ.
Thời gian qua, các hãng công nghệ lớn như Facebook, Google, Amazon đã nhận rất nhiều sự quan tâm từ người dùng, giới truyền thông và chính phủ Mỹ sau hàng loạt bê bối liên quan đến quyền riêng tư và kiểm duyệt nội dung. Mối quan tâm ngày càng cao khi quy mô, sự chi phối của các công ty ngày càng lớn.
Họ đang đối mặt với áp lực đến từ nhiều phía, từ yêu cầu cải cách luật kiểm duyệt nội dung trực tuyến đến tái cơ cấu công ty để chống độc quyền.
Với những động thái của chính quyền Tổng thống Donald Trump về vấn đề Trung Quốc, các hãng công nghệ đã tận dụng nó để bảo vệ quan điểm của họ.
Ví dụ, CEO Facebook, Mark Zuckerberg từng phát biểu về quyền tự do bày tỏ (free expression) hồi tháng 10/2019. Zuckerberg cho rằng Trung Quốc đang tạo ra mạng Internet của riêng họ với những giá trị rất khác, và đang "xuất khẩu" tầm nhìn đó ra thế giới.
Tại những nước ngoài Trung Quốc, Internet được hình thành phần lớn dựa trên nền tảng của Mỹ, với giá trị cốt lõi là tự do bày tỏ. Zuckerberg nói rằng nếu 10 năm trước, gần như mọi nền tảng phổ biến trên Internet là của Mỹ thì bây giờ, 6/10 nền tảng hàng đầu lại đến từ Trung Quốc.
CEO Facebook, Mark Zuckerberg cho rằng Internet của Trung Quốc có giá trị rất khác so với Internet của Mỹ. Ảnh: Getty Images.
"Chúng ta bắt gặp các nền tảng ấy trên mạng xã hội. Trong khi dịch vụ của chúng tôi (như WhatsApp) được dùng bởi các nhà hoạt động, nhóm biểu tình ở khắp nơi do tính bảo mật và quyền riêng tư thì trên TikTok, những nội dung liên quan đến các cuộc biểu tình bị kiểm duyệt, kể cả ở Mỹ. Liệu đó có phải Internet mà chúng ta muốn?", CEO Facebook đặt câu hỏi.
Zuckerberg đã so sánh Internet hiện nay như cuộc xung đột giữa các nền văn minh hiện đại. Bây giờ, việc "chĩa mũi dùi" vào TikTok có thể mang về lợi thế cho các công ty công nghệ Mỹ, trong đó có Facebook.
Bản thân ông Trump, người luôn chỉ trích Huawei giờ đã chuyển hướng sang TikTok. Một số nguồn tin cho rằng Nhà Trắng đang lên kế hoạch cấm ứng dụng này tại Mỹ vì lo ngại an ninh. Sau khi Amazon yêu cầu nhân viên gỡ TikTok, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Josh Hawley viết rằng "toàn bộ chính phủ liên bang nên áp dụng theo".
Dù Amazon đã thu hồi yêu cầu, ít nhất một công ty lớn của Mỹ đã thực sự cấm nhân viên sử dụng TikTok là Wells Fargo (công ty cung cấp dịch vụ tài chính).
Nếu chính phủ Mỹ cấm các ứng dụng nước ngoài như TikTok của Trung Quốc, các tập đoàn Mỹ rõ ràng được hưởng lợi nhiều nhất bởi sự cạnh tranh sẽ giảm đi rất nhiều.