BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược - Cơ sở 3 cho biết, rau muống là loại "rau quốc dân", vì phổ biến và được nhiều người yêu thích. Đây là loại thực phẩm tuyệt vời cho những người cần chế độ ăn giảm cân và giảm cholesterol, nồng độ đường trong máu một cách tự nhiên. Rau muống giàu sắt nên hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu, giúp phụ nữ mang thai bổ sung chất sắt, bảo vệ gan khỏi các tổn thương do hóa chất gây ra nhờ các enzyme giải độc.

Rau muống chứa nhiều chất xơ hỗ trợ cho hoạt động tiêu hóa, hạn chế những rắc rối có liên quan đến đường tiêu hóa, tác dụng nhuận tràng, tốt cho người đang bị khó tiêu hay táo bón. 

Theo y học cổ truyền, rau muống vị ngọt, tính hơi hàn nhưng khi nấu chín sẽ giảm tính hàn. Rau có tác dụng vào các kinh can, tâm, đại trường, tiểu trường, công dụng thanh nhiệt lương huyết, chỉ huyết, thông đại tiểu tiện, giải các chất độc xâm nhập vào cơ thể.

Người dân thường ăn rau muống luộc chấm kèm các loại nước mắm, tương. Nước của rau muống vắt chanh, thêm sấu hoặc thanh trà giúp bạn giải cơn khát, hỗ trợ trị say nắng, nóng. Ngoài ra, rau muống giã nát vắt lấy nước uống giúp giải độc say sắn.

Tuy nhiên, do môi trường trồng trọt nơi ao hồ nên rau muống thường nhiễm nhiều loại ký sinh trùng. Ăn rau muống tươi sống chưa qua chế biến dễ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh đường ruột như sán lá gan.

Ngoài ra, ký sinh trùng Fasciolopsis buski có thể xâm nhập vào cơ thể, bám vào ruột, chui qua thành ruột vào máu, từ đó gây các chứng đầy bụng, khó tiêu, dị ứng. Do đó quá trình sơ chế rau muống cần rửa sạch, ngâm muối và tốt nhất là nấu chín.

Những thời điểm không nên ăn rau muống?

Những thời điểm không nên ăn rau muống?

Dưới đây là những thời điểm không nên ăn rau muống.

Khi đang có vết thương

Với những người đang có vết thương trên da không nên ăn rau muống bởi chúng kích thích sinh tế bào gây sẹo, làm xấu da. Thậm chí, chúng khiến cho chỗ da mới mọc bị ngứa nhiều hơn. Vì thế, chỉ nên ăn rau muống khi vết thương đã khỏe hẳn, da đã lành lại mà thôi.

Người mắc bệnh gout, sỏi thận

Những người mắc chứng gout, viêm nhiễm đường tiết niệu, sỏi thận, người huyết áp cao không nên ăn rau muống. Do đó, khi thấy có những biểu hiện khác thường sau khi ăn rau muống, bạn cần ngưng lại ngay.

Khi bị viêm khớp

Nếu bạn gặp tình trạng thường xuyên đau nhức xương khớp thì không nên bổ sung rau muống vào thực đơn hàng ngày. Những dưỡng chất trong loại rau này có thể khiến cơn đau nhức trầm trọng hơn, người mắc bệnh càng khó chịu, mệt mỏi.

Khi đang uống thuốc

Đang uống thuốc Đông y, nếu ăn rau muống sẽ làm giảm tác dụng của thuốc, nhất là khi trong thuốc có vị độc cần thiết để chữa bệnh (độc trị độc) và sẽ làm giảm hiệu quả điều trị.

Nguyễn Ngoan