Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 4/2024, Việt Nam đã tiến hành điều tra tổng cộng 18 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Bộ Công Thương tiếp nhận và xử lý 5 hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá của ngành sản xuất trong nước, trong đó đã ban hành quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với 2 vụ việc. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tiến hành 12 vụ việc rà soát các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và chống lẩn tránh đang được áp dụng theo quy định để đảm bảo các biện pháp được áp dụng đúng đối tượng, đúng mức độ và đúng điều kiện, trong đó có 4 vụ việc rà soát nhà xuất khẩu mới, 5 vụ việc rà soát hàng năm và 3 vụ việc rà soát cuối kỳ.

Biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng từ tháng 7/2016 của Bộ Công Thương và đã được gia hạn một lần kéo dài đến tháng 3/2023. Sau quá trình rà soát, thu thập thông tin và đánh giá tác động toàn diện của vụ việc, ngày 21/3/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 691/QĐ-BCT về việc gia hạn biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép dài nhập khẩu. Theo đó, sản phẩm thép dài nhập khẩu được gia hạn mức thuế tự vệ 6,3% từ ngày 22/3/2023 đến 21/3/2024; 6,2% từ ngày 22/3/2024 đến 21/3/2025 và 6,1% từ ngày 22/3/2015 đến 21/3/2026 và 0% từ ngày 22/3/2016 trở đi.

Bên cạnh biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng từ năm 2016, ngày 13/5/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quy định số 1230/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép cuộn và thép dây nhập khẩu vào Việt Nam. Cùng với Quyết định 691/QĐ-BCT gia hạn biện pháp tự vệ đối với thép dài nhập khẩu, căn cứ Kết luận rà soát cuối kỳ, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 693/QĐ-BCT về việc gia hạn áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩn thép cuộn và thép dây với mức thuế tương ứng như trong Quyết định 691/QĐ-BCT và mức thuế sẽ 0% từ ngày 22/3/2026.

Tính đến hết tháng 4 năm 2024, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 249 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường. Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng, từ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra-basa, máy xịt rửa áp lực cao… đến các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong... Ngoài ra, Cơ quan điều tra nước ngoài cũng thường xuyên rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại với quy trình và các yêu cầu điều tra có mức độ phức tạp tương tự các vụ việc điều tra mới.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Theo đó, giải pháp được Bộ Công Thương đua ra cho thời gian tới là: Theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu;

Khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu;

Phát triển dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu;

Tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương; Chủ động theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước;

Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam;

Tiếp tục đẩy mạnh công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ;

Tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp.

Minh Anh