Viện thẩm mỹ Kangzin: Dấu hiệu mạo danh Bệnh viện Quân y 175

Thời gian qua, nhiều thông tin phản ánh cũng như qua xác minh thực tế của PV, Viện thẩm mỹ Kangzin có địa chỉ tại số 6, Hoa Đào, phường 2, quận Phú Nhuận xuất hiện nhiều dấu hiệu mạo danh Bệnh viện Quân y 175, khi tung quảng cáo có dấu hiệu giả mạo bác sĩ, bệnh viện Quân y nhằm lôi kéo khách hàng.

Với chiến dịch quảng cáo rầm rộ cho các dịch vụ làm đẹp đón tết với giá siêu khuyến mãi như: sửa mũi, cắt mí, nâng ngực, hút mỡ… thời gian qua, trên Facebook xuất hiện hàng loạt Fanpage mang tên “Viện thẩm mỹ Quân y 175” hay “Bệnh viện 175” với hàng ngàn lượt theo dõi. Đặc biệt, điều đáng nói, khi click vào liên hệ thì tất cả đều có địa chỉ hướng về Viện thẩm mỹ Kangzin có địa chỉ tại số 6 đường Hoa Đào, Phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Tất cả mỗi quảng cáo đều trỏ về địa chỉ của Viện thẩm mỹ Kangzin dù với tên gọi của bệnh viện 175

Theo hướng dẫn của các trang fanpage, PV Sức Khoẻ Việt đã vào vai khách hàng cần làm đẹp thì được một nhân viên mang đồng phục y tế màu xanh giống như áo của bác sĩ phẩu thuật. Đặc biệt, người này giới thiệu tên là Mai bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ của bệnh viện Quân y 175 tư vấn rất chắc nịch rằng: “đây là cơ sở làm đẹp vệ tinh của bệnh viện quân y 175. Tất cả những dịch vụ phẩu thuật được làm trực tiếp tại cơ sở, do các bác sĩ của bệnh viện quân y 175 trực tiếp thực hiện…”

Trên hồ sơ pháp lý mà PV có được thì Viện thẩm mỹ Kangzin là đơn vị trực thuộc Công ty TNHH Kangzin. Được sở Y tế TP HCM cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh số: 08932/HCM-GPHĐ ngày 24/05/2022. Người đứng tên chịu trách nhiệm chuyên môn kỷ thuật là Bác sĩ Nguyễn Hồng Phong. Cơ sở được phép tổ chức khám chữa bệnh các dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ. Nhưng không được phép thực hiện xâm lấn, phẩu thuật tại cơ sở khám chữa bệnh. Đặc biệt, bác sĩ Nguyễn Hồng Phong hiện không công tác tại bệnh viện Quân y 175.

Người phụ nữ tên Mai liên tục khẳng định mình là bác sĩ của bệnh viện quân y 175, tất cả mọi phẩu thuật được thực hiện trực tiếp tại cơ sở và do bác sĩ bệnh viện quân y 175 thực hiện.

Theo trao đổi với đại diện Bệnh viện Quân y 175, bệnh viện thông tin rằng nhận được nhiều phản ánh về tình trạng cá nhân, tổ chức lợi dụng thương hiệu, nhái thiết kế logo bệnh viện để quảng cáo nhằm thu hút khách hàng. Cụ thể, các trang fanpage, tài khoản Facebook, phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ đã sử dụng những từ khóa như "Viện thẩm mỹ 175", "Bệnh viện 175"… để quảng cáo, khiến người dân hiểu nhầm.

Bệnh viện Quân y 175 cảnh báo người dân hết sức cẩn thận khi thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ mang thương hiệu của bệnh viện được quảng cáo tràn lan trên mạng. Những hành vi giả mạo, mượn danh bệnh viện lừa bệnh nhân có thể gây rủi ro và thiệt hại về kinh tế, thậm chí cả tính mạng người sử dụng dịch vụ.

Để tránh tình trạng này tiếp diễn, Bệnh viện Quân y 175 khẳng định đơn vị chỉ có cơ sở khám chữa bệnh duy nhất tại địa chỉ 786 Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM. Tại bệnh viện có 2 Khoa Quốc tế và Khoa Bỏng - Vi phẫu tạo hình thực hiện các dịch vụ làm đẹp, phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ.

Viện thẩm mỹ Kangzin nơi dùng mác thương hiệu bệnh viện nổi tiếng để lừa đảo khách hàng

Chia sẻ pháp lý về vấn đề này, luật sư Đặng Thanh Sâm- đoàn luật sư TP HCM cho biết: “Khi các cá nhân hoặc doanh nghiệp đăng ký tên bảng hiệu đi kèm với xin giấy phép thì Sở Kế hoạch và Đầu tư không có lý do gì để từ chối. Có nghĩa là tên bảng hiệu cấp cho doanh nghiệp không phải là nhãn hiệu hàng hóa để được Cục Sở hữu trí tuệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn, đăng kí tên cơ sở “Viện Thẩm mỹ 175” ở Sở Kế hoạch và Đầu tư thì được cấp phép, nhưng khi đăng ký nhãn hiệu hàng hoá ở Cục Sở hữu trí tuệ thì 100% không được cấp phép.

Đây cũng chính là một trong những kẽ hở để các cơ sở dịch vụ không thuộc lĩnh vực y tế “lấn sân” sang lĩnh vực y tế và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép. Việc đặt tên giống với các bệnh viện danh tiếng thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh và sự yếu kém về kiến thức đầu tư, truyền thông của những cơ sở thẩm mỹ đó. Chính điều này gây cho người dân sự nhầm lẫn đây là những cơ sở y tế có chuyên môn cao, có thể thực hiện tất cả kỹ thuật thuộc chuyên khoa thẩm mỹ”.

Thực tế hiện nay chưa có quy định rõ ràng về việc đặt tên biển hiệu đối với các cơ sở làm đẹp tương ứng với 3 nhóm cơ sở dịch vụ làm đẹp, nên rất khó biết cơ sở nào là dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, cơ sở nào là dịch vụ thẩm mỹ và cơ sở nào là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.

Theo luật sư Đặng Thanh Sâm, việc Công ty TNHH Kangzin cố ý quảng cáo gây nhầm lẫn cho khách hàng là một việc làm cần lên án vì vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Mạo danh đơn vị, tổ chức được bảo hộ để trục lợi bất chính thì các cơ quan chức năng nên vào cuộc để xử lý. Tránh trường hợp đến khi xảy ra xự cố nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mới vào cuộc thì vấn đề bảo vệ sức khoẻ của người dân đã bị bỏ ngỏ, buông lỏng quản lý của các cơ quan chuyên môn.

PV Sức Khoẻ Việt đã liên hệ để đặt nôi dung làm việc để tìm hiểu thông tin với Sở Y tế Tp HCM và Viện thẩm mỹ Kangzin những vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi. Trong khi đó, hàng ngày, hàng giờ vẫn có những bệnh nhân vì tin vào thương hiệu của Bệnh viện quân y 175. Vậy, cơ quan nào là người bảo vệ khi tính mạng và sức khoẻ người dân có dấu hiệu bị xem nhẹ như vậy?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Phú Quốc(SKV)