Sau gần 2 tuần vận chuyển và hoàn tất lắp đặt, tàu metro số 1 chính thức ra mắt tại depot Long Bình (quận 9), vào sáng 13/10. Đây mới chỉ là đoàn tàu đầu tiên được nhập về trong 17 đoàn tàu của toàn tuyến.

Trao đổi với Zing, ông Hoàng Mai Tùng, kỹ sư điều phối tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), cho biết kế hoạch nhập khẩu 16 đoàn tàu còn lại được triển khai vào năm sau thay vì đồng loạt.

Lý giải việc này, ông Tùng cho biết việc nhập khẩu sẽ diễn ra phụ thuộc vào tiến độ dự án cùng với tiến độ sản xuất tàu của nhà máy.

Đoàn tàu phải đáp ứng chất lượng, kỹ thuật khi nghiệm thu tại Nhật. Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) sẽ sang để kiểm tra, nghiệm thu bước thứ 2 tại nhà máy sau đó mới tiến hành nhập khẩu tàu metro về Việt Nam.

metro anh 1

Đoàn tàu metro số 1 đầu tiên được lắp nối thành công. Ảnh: Quỳnh Danh.

"Khi tàu cập cảng vào TP.HCM, các đơn vị sẽ tiếp tục kiểm tra, đánh giá lần 3 đối với đoàn tàu theo điều khoản hợp đồng. Khi đoàn tàu đạt tất cả tiêu chí trên, chúng tôi mới có cơ sở để sản xuất và nhập khẩu loạt đoàn tàu tiếp theo", ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, song song kết quả nghiệm thu đoàn tàu đầu tiên được nhập về hôm 8/10, phía nhà máy tại Nhật Bản vẫn đang tiến hành sản xuất đối với 16 đoàn tàu còn lại.

Về kế hoạch sản xuất, 16 đoàn tàu còn lại cơ bản đã hoàn thành nhưng vẫn cần các bước thử nghiệm nội bộ. Sau đó, nhà máy sẽ thông báo cho Nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) để kiểm tra, nghiệm thu nội bộ phía họ trước khi báo cho chủ đầu tư là MAUR để tiến hành các phần việc tiếp theo.

Về kế hoạch vận hành, đoàn tàu 3 toa đầu tiên đang hoàn tất các bước lắp đặt đối với 11 hệ thống. MAUR khẳng định việc đào tạo nhân sự lái tàu thử nghiệm vẫn đang diễn ra. Trong đó, có 3 nhóm nhân sự chính là nhóm điều hành tại văn phòng, nhóm làm việc trên tàu và nhóm hỗ trợ tại nhà ga và xưởng.

"MAUR đang cố gắng bắt kịp tiến độ đã mất do ảnh hưởng dịch bệnh vừa qua. Trên công trường toàn tuyến metro số 1 mỗi ngày có trung bình 2.600 nhân công thi công cả ngày lẫn đêm. Cao điểm có lúc trên 3.000 người", ông Hoàng Mai Tùng nói và khẳng định tiến độ toàn dự án đang được kiểm soát.

metro anh 2

Có 3 nhóm nhân sự phụ trách thử nghiệm, vận hành đoàn tàu metro số 1 trong tương lai. Ảnh: Quỳnh Danh.

Dự kiến đoàn tàu đầu tiên sẽ lăn bánh thử nghiệm trên đường ray depot Long Bình sớm nhất vào cuối năm nay. Sau các bước đánh giá từ kết quả thử nghiệm giai đoạn 1, tàu metro sẽ tiếp tục được thử nghiệm trên Chính tuyến (đường ray, hệ thống tiếp điện trên cao).

Trong đó, tàu được vận hành thử nghiệm giai đoạn 2 từ ga Bình Thái đến ga Văn Thánh (quận 2) và giai đoạn cuối từ ga Văn Thánh đến ga Bến Thành (quận 1).

Tuyến metro số 1 có 17 đoàn tàu được sản xuất tại Nhật Bản. Giai đoạn đầu, MAUR sẽ nhận và vận hành loại tàu có 3 toa (dài 61,5 m), sức chở 930 khách (147 khách ngồi, 783 khách đứng). Tàu có tốc độ tối đa 110 km/h khi đi trên cao và 80 km/h khi chạy ngầm.

2 ngày trước, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), cho biết toàn tuyến chính thức được kết nối thông suốt khi đạt 77% khối lượng. Công trình đã hoàn thành việc lắp đặt 23/32 km đường ray và hoàn thiện kết cấu 11 ga trên cao, 2 ga ngầm.

"Từ lúc này, công tác sản xuất, kiểm tra và nhập các đoàn tàu tiếp theo sẽ được tăng tốc theo tiến độ thực hiện dự án", người đứng đầu MAUR nói.

 

Metro số 1 dài 19,7 km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình, có tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Công trình có 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Thành phố đặt mục tiêu cuối năm nay, dự án đạt ít nhất 85% khối lượng và đưa vào khai thác cuối năm 2021.

Bên trong tàu metro số 1 ở TP.HCM 3 toa tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 có sức chở 930 khách (147 khách ngồi, 783 khách đứng), tốc độ tối đa 110 km/h khi đi trên cao và 80 km/h khi chạy ngầm.