Từ huyện lên thành phố thuộc TP.HCM: Trăm hoa đua nở là bất cập

Mới đây, lãnh đạo UBND TP.HCM chỉ đạo các 5 huyện ngoại thành không đề xuất hoặc kiến nghị xin chủ trương chuyển huyện thành quận hay thành phố.
Đây là động thái mới nhất của lãnh đạo TP.HCM khi thời gian vừa qua, cả 5 huyện đều xây dựng đề án, trong đó định hướng lên thành phố. Vấn đề này cũng thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và người dân tại TP.HCM, đa số đều đồng tình với quan điểm của UBND TP, theo đó, nên cân nhắc thận trọng và có kế hoạch, lộ trình cụ thể rõ ràng.

Từ huyện lên thẳng thành phố

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nêu quan điểm của lãnh đạo TP, đó là 5 huyện ngoại thành gồm Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ cần tập trung thực hiện nhiệm vụ trước mắt như nghiên cứu giải pháp quy hoạch không gian, hình thành bộ khung về kết cấu hạ tầng, các trục giao thông quan trọng, các tuyến đường huyết mạch, các khu đô thị lớn cùng với các thiết chế văn hóa - xã hội đi kèm…

Sau khi các huyện đạt tiêu chuẩn theo quy định, UBND TP mới trình cấp có thẩm quyền quyết định mô hình đơn vị hành chính đô thị phù hợp với từng địa phương.

Trước đó, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch xây dựng đề án đầu tư các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030. Theo kế hoạch, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè sẽ thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM trước năm 2025.

Còn các huyện Củ Chi và Cần Giờ sẽ thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM giai đoạn 2025-2030. TP.HCM đưa ra 30 tiêu chí xác định việc lên quận hoặc thành phố gồm trình độ phát triển kinh tế - xã hội, dân số, diện tích, hạ tầng… Hiện tại, huyện Hóc Môn mới đạt 23/30 tiêu chí, Bình Chánh 26/30, Nhà Bè 23/30, Củ Chi 23/30 và huyện Cần Giờ 19/30.

PGS.TS Lê Thanh Sang – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cho rằng: Xã hội bị ảnh hưởng rất nhiều khi giá đất tăng "ăn theo" quy hoạch. Hiện nay mới chỉ là giai đoạn xây dựng đề án, nhưng khi có thông tin từ huyện lên quận hoặc thành phố thì có một số người lợi dụng để thúc đẩy, gom đất đầu cơ hoặc đồn thổi tăng giá đất.

Theo ông Sang, tiêu chí để lên thành phố dễ hơn khi lên quận, bởi yêu cầu lên quận là 100% đơn vị hành chính phải là phường. Còn để lên thành phố, huyện phải có 65% đơn vị hành chính là phường (trong tổng số từ 10 đơn vị hành chính cấp xã trở lên).

Ông Sang đánh giá, thực tế về điều kiện của các huyện cũng còn nhiều yếu tố cần cân nhắc. Ví dụ như Cần Giờ là khu vực có môi trường tự nhiên rộng, tỷ lệ đô thị hóa thấp, hoặc như Củ Chi là địa phương có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn.

Vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng cũng rất quan trọng, tuy nhiên việc quan trọng hơn cả là thay đổi “chất lượng” dân số tại các huyện. Bởi dân cư sống trong đô thị là môi trường rất khác biệt so với sống ở nông thôn, kể cả về nhận thức, khả năng thích ứng, rồi vấn đề sinh kế, việc làm. Khi chuyển sang đô thị lại làm công việc phi nông nghiệp, sự thích nghi với môi trường đô thị rất nhiều khía cạnh.

"Đòi hỏi thời gian, đòi hỏi yêu cầu khó khăn hơn nhiều so với xây dựng nhà, xây dựng đường hay các cơ sở khác. Vấn đề con người rất quan trọng, ngoài người dân thì năng lực của đội ngũ cán bộ cũng rất quan trọng, làm thế nào để họ thích ứng được trong môi trường như thế" - PGS.TS Lê Thanh Sang nhấn mạnh.

Lợi dụng thông tin đẩy giá đất

Cũng đồng tình với quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo TP, theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, khi một huyện hay quận lên thành phố thì có thể chủ động được các định hướng chỉ tiêu, mức độ đô thị hóa riêng, phát huy hiệu quả về đất đai, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và diện mạo đô thị.

Nếu không làm được như vậy sẽ có tác dụng ngược, tạo ra một bộ máy cồng kềnh, chậm chạp. Một vấn đề cần suy tính thấu đáo là cơ chế, từ đó tạo sự vượt trội để thu hút đầu tư, khai thác quỹ đất, phát triển hạ tầng xã hội… tương xứng.

Chỉ ra bất cập về việc thông tin nửa vời, không rõ ràng và vội vàng khi làm đề án huyện lên thành phố, ông Châu cho rằng, có hiện tượng những người lợi dụng thông tin về quy hoạch, phát triển đô thị, thay đổi tổ chức hành chính của các địa phương nhằm mục đích trục lợi, tạo ra những đợt sốt ảo giá đất.

Ông Châu thẳng thắn chỉ ra giới đầu nậu, cò đất, thậm chí doanh nghiệp bất lương lợi dụng thông tin rò rỉ về việc những tập đoàn lớn dự kiến đầu tư vào một địa phương nào đó để đẩy giá đất, giá nhà lên. Để kiểm soát vấn đề này, lãnh đạo TP.HCM cũng như các địa phương cần công bố công khai về thông tin.

Theo ông Châu: "Chính quyền địa phương phải hết sức nỗ lực trong việc quản lý địa bàn. Bởi vì không có cò đất, đầu nậu, doanh nghiệp bất lương nào mà không hoạt động trên địa bàn một phường xã, một quận huyện nào đó. Nếu chính quyền địa phương vào cuộc một cách mạnh mẽ thì chúng tôi tin rằng việc này sẽ được kiểm soát, quản lý".

Theo ông Trần Việt Trung, ngụ phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức, kể từ khi thành lập trên cơ sở sáp nhập các quận cũ, nhiều người dân cảm thấy việc “lên đời” thành phố dường như là vội vàng. Bởi khi là thành phố rồi nhưng những vấn đề cũ chưa được thay đổi ngay, với những cơ chế không khác gì một quận và việc giải quyết các thủ tục hành chính, giấy tờ, nhất là hồ sơ lĩnh vực đất đai còn chậm chạp hơn vì phải ôm đồm, gánh vác khối lượng của 3 quận cũ.

Nhìn từ thực tế TP.Thủ Đức, ông Trung cho rằng, các huyện ngoại thành muốn lên thành phố thì điều đầu tiên cần “nâng cấp” là con người, cán bộ, công chức. Nếu không thì việc lên thành phố cũng chỉ là thay đổi tên gọi. Quan trọng hơn, cần phải nghiên cứu, tính toán kỹ về cơ chế trước cho thấu đáo, phù hợp.

"Những huyện sắp tới cũng được lên thành phố thì đặc thù là gì? Ngay từ đầu phải có hướng chứ đừng để lập thành phố mới đòi đặc thù, làm cho kéo dài thời gian. Thành phố nằm trong thành phố thì đặc thù thế nào, có hơn những chỗ khác không, có hơn trước đây khi còn là huyện không?" - ông Trung bày tỏ

Có thể thấy, để từ huyện lên thành phố còn rất nhiều việc phải nghiên cứu, tính toán, cân nhắc kỹ càng, thấu đáo. Dù là đơn vị hành chính cấp huyện hay cấp thành phố, thì mục tiêu cuối cùng vẫn phải là chất lượng đời sống người dân. Do đó, không nên quá vội vàng xin chủ trương lên thành phố trong khi chưa đáp ứng được yêu cầu về quy hoạch, hạ tầng xã hội và nhất là cán bộ, công chức vẫn còn "đóng khung" là cấp huyện./.

Duy Phương/VOV-TP.HCM