Nhận "trái đắng" vì tin "việc nhẹ lương cao"
Những ngày này, chị N.T.L (trú tại thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đang ngóng chờ tin tức của cậu con trai là Đ.V.T (15 tuổi) ở bên Campuchia. Cháu T. bị các đối tượng lừa sang bên đó làm việc và đến nay gia đình vẫn chưa biết cháu sống chết ra sao.
Tiếp chuyện với chúng tôi, chị L. rưng rưng nước mắt kể, vào cuối tháng 3, cháu T. đọc được thông tin trên mạng xã hội về việc tuyển dụng việc làm bên Campuchia với mức lương cao. Vì vậy, cháu đã bắt xe khách vào TP Hồ Chí Minh rồi đến Long An. Sau đó, cháu được một người tiếp nhận và dẫn đường vượt biên sang Campuchia.
Công việc hàng ngày của T. là sử dụng máy tính để cày tiền "ảo" hoặc gọi điện thoại để dẫn dụ khách hàng tham gia vào các sàn giao dịch chứng khoán, thương mại điện tử. Sau khi làm được hơn 10 ngày, cháu T. nhắn tin cầu cứu gia đình rằng, không hoàn thành công việc nên công ty bắt đền bù hợp đồng là 130 triệu đồng.
"Mấy ngày nay, cháu liên tục nhắn tin về cho gia đình yêu cầu vay mượn, bán nhà để chuyển tiền qua thì họ mới cho cháu về. Nếu không có tiền, họ sẽ hành hung, đánh đập cháu. Vì số tiền quá lớn nên gia đình tôi đã vay mượn khắp nơi mà không đủ. Tôi cũng đã trình báo các cơ quan chức năng. Mong rằng, các cơ quan sẽ sớm tìm ra và giải cứu cháu về an toàn", chị L. bộc bạch.
Tương tự, tại xã Ia Băng (huyện Chư Prông) còn có trường hợp của em P.P.T (23 tuổi). Em T. đã bị lừa sang tỉnh Sihanoukville, Campuchia làm trong công ty lừa đảo do người Trung Quốc điều hành. Do không hoàn thành chỉ tiêu về số tiền lừa đảo nên T. bị các đối tượng phạt và yêu cầu liên hệ về gia đình để chuyển khoản, nộp số tiền 150 triệu đồng rồi mới thả người về Việt Nam.
Vì quá lo sợ, gia đình em này đã phải vay mượn, chuyển vào tài khoản do các đối tượng cung cấp. Khoảng 10 ngày sau, T. mới được các đối tượng cho về Việt Nam.
Lên kế hoạch giải cứu các nạn nhân bị sập bẫy "việc nhẹ lương cao"
Đại diện Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Gia Lai cho biết, tại tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 4 trường hợp bị lôi kéo, dụ dỗ sang Campuchia làm việc.
Theo vị này, hình thức lừa đảo của các đối tượng đó là sử dụng mạng xã hội để đăng thông báo tuyển dụng việc làm với công việc đơn giản, yêu cầu có kiến thức về công nghệ thông tin, mức lương hấp dẫn để lôi kéo người dân sang Campuchia làm việc.
Tại đây, các nạn nhân được hướng dẫn lập các tài khoản mạng xã hội để giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên, nhân viên các sàn đầu tư tài chính, nhân viên cơ quan nhà nước… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các nạn nhân được giao chỉ tiêu số tiền lừa được hằng tháng, nếu không đạt sẽ bị cho vào diện vi phạm hợp đồng và bị phạt với mức từ 1.000 USD/tháng. Người chống đối sẽ bị đánh đập, không cho ăn uống. Đa số những nạn nhân đều không hoàn thành chỉ tiêu được giao, nhưng muốn trở về Việt Nam thì phải bồi thường tiền "vi phạm hợp đồng". Để có tiền bồi thường, họ phải liên lạc với gia đình gửi tiền cho bọn chúng.
"Sau khi nhận được thông tin về vụ việc, đơn vị đã báo cáo Công an tỉnh Gia Lai và báo cáo với các đơn vị chức năng của Bộ Công an để phối hợp với các cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở Campuchia có kế hoạch giải cứu nạn nhân. Qua vụ việc này, chúng tôi mong muốn người dân hết sức cảnh giác, không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo sang Campuchia làm việc và bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trên.
Công dân có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài thì liên hệ cơ quan chức năng để được tư vấn, hỗ trợ. Trường hợp công dân bị lôi kéo, lừa đảo với hình thức như trên thì báo ngay đến cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ xử lý", đại diện Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Gia Lai thông tin.