Lộ diện nam thanh niên tốt bụng cứu người

Ngày 2/10, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại gần ngã tư Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), một nữ nạn nhân TNGT nằm trên vỉa hè, máu chảy nhiều đã được một nam tài xế ô tô dừng xe, đưa đi cấp cứu.

Rất nhanh chóng, cộng đồng mạng nhận diện được nam tài xế tốt bụng cứu giúp nạn nhân TNGT là Thiếu tá Nguyễn Ninh Dương, Cán bộ Đội CSGT đường bộ số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội.

Thiếu tá CSGT kể chuyện cứu nữ nạn nhân TNGT, nhờ quay clip làm chứng - 1

Thiếu tá Nguyễn Ninh Dương, Cán bộ Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT, Công an Hà Nội) dừng ô tô, đưa người bị TNGT đi cấp cứu

Sáng 3/10, trao đổi với PV Báo Giao thông, Thiếu tá Nguyễn Ninh Dương xác nhận câu chuyện dừng xe đưa người phụ nữ bị TNGT đi viện.

Anh Dương chia sẻ, lúc đó vào khoảng 7h sáng 2/10, khi anh đang trên đường lái xe đi làm thì nhìn thấy trên vỉa hè đường Nguyễn Xiển có 1 phụ nữ, máu chảy nhiều nhưng chưa có xe cấp cứu đến.

Lập tức, Thiếu tá Dương đã dừng xe, tiến lại hỏi thăm và cùng người dân sử dụng ô tô của mình để đưa người phụ nữ đi cấp cứu kịp thời tại bệnh viện.

"Việc cứu giúp nạn nhân bị tai nạn là trách nhiệm của mỗi người tham gia giao thông và được quy định rất rõ trong luật giao thông. Giúp người bị nạn cũng là trách nhiệm và là một phần công việc của lực lượng CSGT. Việc này không có gì to tát cả, tôi tin rằng ai trong hoàn cảnh đó cũng sẽ ra tay giúp đỡ nạn nhân như tôi đã làm mà thôi", Thiếu tá Nguyễn Ninh Dương nói.

Thiếu tá Trần Quang Chinh – Phó đội trưởng Đội CSGT số 6 cho biết, Thiếu tá Dương là cán bộ năng nổ, được đồng nghiệp tin tưởng và quý mến, tham gia nhiều phong trào của đoàn viên.

"Đồng chí Dương nhiều năm xếp loại xuất sắc, hiện nay đồng chí Dương còn tham gia công tác Tổ 141, trước đấy Dương làm tổ khám nghiệm. Chính vì làm khám nghiệm TNGT nên Dương có kinh nghiệm xử lý những tình huống TNGT”, Phó đội trưởng Đội CSGT 6 nói.

Nhờ người dân quay clip làm chứng để tránh phiền phức về sau

Liên quan đến tình tiết nhờ người dân quay clip làm chứng khi đưa nạn nhân đi cấp cứu, Thiếu tá Dương cho biết, cách đây không lâu tại Quảng Ninh, xảy ra vụ việc hi hữu khi có một người giúp người khác bị tai nạn giao thông mà lại bị đổ oan.

"Đã từng xảy ra việc "làm phúc phải tội", người cứu giúp nạn nhân bị người nhà hiểu lầm, khiếu kiện. Tất nhiên, sau đó mọi việc đều được sáng tỏ, cơ quan chức năng sẽ minh oan cho người cứu giúp người khác, nhưng việc chứng minh cũng khá phiền phức, nên tôi mới nhờ người dân quay clip làm chứng", Thiếu tá Dương chia sẻ.

Thiếu tá Nguyễn Ninh Dương cho biết, sau khi anh đưa nạn nhân vào bệnh viện gần nhất cấp cứu, một lúc sau người nhà của nạn nhân đến. Nạn nhân tên Ph. (SN 1972, trú tại Khu đô thị Đại Thanh, Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) bị tai nạn xe máy.

Thiếu tá Dương giải thích mình không phải là người gây tai nạn, đưa clip quay tại hiện trường ra cho người thân của nạn nhân xem.

"Người nhà sau đó không thắc mắc gì và gửi lời cảm ơn đến tôi đã đưa người thân của họ đi cấp cứu kịp thời. Sau một lúc sơ cứu, sức khỏe của người bị nạn đã ổn định", Thiếu tá Dương chia sẻ.

Hành động cứu giúp người bị nạn của nam tài xế nhận được sự hưởng ứng của người dân. Đặc biệt hành động quay clip làm chứng được nhiều người đánh giá là nhanh trí khi vừa giúp được người bị nạn mà không lo gặp rắc rối.

Nói về hành động nhờ quay clip của Thiếu tá Dương, Thiếu tá Trần Quang Chinh - Phó đội trưởng Đội CSGT 6 cho biết, đây là hành động cần thiết để phòng tránh người thân nạn nhân vì thương xót sẽ dễ nảy sinh bức xúc, hành xử không đúng, nhầm lẫn khi gặp người giúp đỡ.

"Khi có clip thể hiện mình không phải là người gây TNGT mà là người giúp đỡ thì người nhà nạn nhân sẽ không có những hành xử thiếu kiềm chế như xô xát, đánh người giúp đỡ. Đây cũng là việc làm giúp người thân của nạn nhân không vi phạm pháp luật", Thiếu tá Chinh nói

Từng tham gia xử lý vụ "bị kiện vì cứu nạn nhân TNGT" ở Quảng Ninh, Trung tá Bùi Đức Chính (Đội CSGT - Trật tự, Công an huyện Vân Đồn) đã khuyến cáo, để cứu được người an toàn cho nạn nhân cũng như tránh được phiền phức cho bản thân sau này, người dân nên gọi điện báo ngay cho chính quyền và cơ quan chức năng gần nơi xảy ra nhất; tìm thêm người cùng hỗ trợ để vừa làm nhân chứng vừa thuận tiện hơn trong việc giúp nạn nhân.

Đồng thời, sử dụng điện thoại, máy ghi âm quay, thu lại hình ảnh hiện trường, trong trường hợp nạn nhân còn tỉnh táo thì ghi âm quay lại lời kể của nạn nhân về các tình tiết liên quan…

Và hành động nhờ người quay clip khi cứu nạn nhân TNGT của Thiếu tá CSGT Hà Nội là hành động bình tĩnh, nhanh trí, đúng pháp luật.

Theo Phùng Đô (Báo Giao Thông)