Quay cuồng giữa khủng hoảng nhân khẩu học, thanh niên Trung Quốc vẫn chọn sự nghiệp thay vì kết hôn, sinh con

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện tại nhiều trường đại học của Trung Quốc và công bố vào tháng 1/2023, hầu hết sinh viên đại học ở Trung Quốc không còn nghĩ kết hôn là điều cần thiết trong cuộc sống, trong khi các chính sách khuyến khích sinh đẻ gần như "bất lực" trong việc thay đổi tâm lý sợ lập gia đình ở giới trẻ.
Quay cuồng giữa khủng hoảng nhân khẩu học, thanh niên Trung Quốc vẫn chọn sự nghiệp thay vì kết hôn, sinh con
Giới trẻ Trung Quốc ngày càng lười kết hôn, sinh con. (Nguồn: Getty)

Dân số Trung Quốc đã giảm 850.000 người xuống còn 1,4118 tỷ người vào năm 2022 khi lần đầu tiên trong 6 thập kỷ, số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh, và số lượng trẻ sơ sinh lần đầu tiên giảm xuống dưới 10 triệu trẻ.

Tụt hậu so với Ấn Độ

Các nhà nhân khẩu học cho biết, nếu không có các chính sách hỗ trợ sinh sản hiệu quả, số trẻ sơ sinh ở Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 1/3 so với Ấn Độ vào năm 2050 và giảm xuống còn 1/4 vào cuối thế kỷ này, giữa bối cảnh những lo ngại về tác động kinh tế sâu rộng và lợi tức lao động đang dần biến mất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Nhìn vào xu hướng dài hạn, do tỷ lệ sinh thấp và số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ liên tục giảm, số ca sinh mới sẽ tiếp tục rơi vào giai đoạn giảm nhanh. Đến năm 2050, nếu các biện pháp hỗ trợ sinh sản mạnh mẽ và đáng kể không được thực hiện, số ca sinh mới ở Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 7,73 triệu, bằng 1/3 của Ấn Độ và sẽ giảm xuống còn 3,06 triệu vào năm 2100, chỉ bằng 1/4 của Ấn Độ", Viện Nghiên cứu Dân số YuWa có trụ sở tại Bắc Kinh đưa ra cảnh báo mới đây.

Số người kết hôn lần đầu ở Trung Quốc đã giảm xuống còn 11,6 triệu người vào năm ngoái, giảm gần 700.000 người so với năm trước, theo Niên giám thống kê Trung Quốc 2022. Con số này giảm mạnh so với mức cao nhất là 23,9 triệu người vào năm 2013.

Liên hợp quốc dự báo Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm nay, trong khi dân số đại lục dự kiến giảm xuống còn 1,313 tỷ vào năm 2050 và dưới 800 triệu vào năm 2100.

Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc - những người từ 16 đến 59 tuổi - ở mức 875,56 triệu người vào cuối năm 2022, giảm so với 882,22 triệu người một năm trước đó.

"Nhưng con số đó sẽ giảm khoảng 23% vào năm 2050", theo báo cáo YuWa, được thực hiện bởi các nhà kinh tế và nhân khẩu học hàng đầu Trung Quốc là Ren Zeping, Liang Jianzhang và He Yafu.

Báo cáo cho rằng, khi tổng nguồn cung lao động tiếp tục giảm, chi phí lao động sẽ tiếp tục tăng và một số ngành sản xuất sẽ tiếp tục chuyển ra nước ngoài tới Đông Nam Á, Ấn Độ và nhiều nơi khác.

Kết hôn không là lựa chọn hàng đầu của giới trẻ

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện tại nhiều trường đại học của Trung Quốc và công bố vào tháng 1/2023, hầu hết sinh viên đại học ở Trung Quốc không còn nghĩ kết hôn là điều cần thiết trong cuộc sống, trong khi các chính sách khuyến khích sinh đẻ gần như "bất lực" trong việc thay đổi tâm lý muốn lập gia đình ở giới trẻ.

Khảo sát được thực hiện bởi nhiều tổ chức, trong đó có Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc cho thấy, giới trẻ Trung Quốc quan niệm, hôn nhân chỉ đơn giản là một sự lựa chọn để nâng cao chất lượng cuộc sống cả về tinh thần và vật chất - khác hẳn quan niệm của thế hệ trước đó khi cho rằng hôn nhân đóng một vai trò chủ yếu trong cuộc đời của một con người.

Các kết quả đã cho cái nhìn rõ hơn về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng trầm trọng của Trung Quốc, khi nước này đang phải vật lộn với tỷ lệ sinh thấp kỷ lục và sự sụt giảm dân số chưa từng có trong lịch sử hiện đại.

“Sự độc lập đã trở thành biểu tượng của phụ nữ đương đại, trong khi nền tảng tình cảm và sự ổn định nghề nghiệp trở thành điều kiện tiên quyết cho hôn nhân”, khảo sát cho hay. Cũng theo khảo sát, hôn nhân không còn là điều kiện tiên quyết và hầu hết sinh viên đại học đều không còn coi ly hôn là điều đáng xấu hổ.

Theo đó, "gây dựng sự nghiệp trước khi lập gia đình” đã trở thành nguyên tắc đối với cả hai giới, trong khi "nỗi ám ảnh khi sinh nở" là nỗi sợ hãi chính khiến sinh viên Trung Quốc ngần ngại sinh con. Đáng chú ý, các chính sách mà chính phủ Trung Quốc đưa ra để khuyến khích người dân sinh thêm con và giới trẻ lập gia đình chưa thực sự phát huy tác dụng.

Chỉ 8% sinh viên tham gia khảo sát cho biết các biện pháp, bao gồm ưu đãi tiền mặt, làm tăng mong muốn sinh con trong khi hơn 40% cho biết sẽ không ấn tượng với chính sách sinh con thứ ba, được đưa ra vào tháng 5/2021.

So với sự kém hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sinh sản, sinh viên đại học kỳ vọng sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ việc làm. Theo khảo sát, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị Trung Quốc ở mức 5,5% trong tháng 12/2022, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 16-24 vẫn ở mức cao 16,7% trong tháng 12/2022.

Báo cáo kết luận rằng, các nhà hoạch định chính sách cần giảm bớt sự xung đột trong tâm lý giữa việc lập gia đình và tạo dựng sự nghiệp ở những người trẻ tuổi, đồng thời chú trọng nhiều hơn đến quyền lợi và nhu cầu của phụ nữ.

Phụ nữ Trung Quốc, đặc biệt là những người đã kết hôn và sinh con, thường bị phân biệt đối xử hơn trong môi trường việc làm, buộc nhiều người phải lựa chọn giữa việc sinh con và sự nghiệp. Nhiều người thường bị cản trở trong giai đoạn đầu gây dựng sự nghiệp do vướng bận trách nhiệm nuôi dạy con cái.

Các chuyên gia xã hội học cho rằng, dân số của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đạt đỉnh và chính quyền cần phải hành động để khuyến khích sinh con nhằm thích ứng với cấu trúc nhân khẩu học đang thay đổi. Các cuộc khảo sát được xem là một biện pháp hiệu quả để hiểu được những thay đổi cơ bản của giới trẻ và những thế hệ mới nghĩ gì về việc kết hôn và sinh con.

Khi Trung Quốc nhận thức sâu sắc hơn về những thách thức nhân khẩu học mà nước này đang phải đối mặt, nhiều cuộc khảo sát đã được tiến hành, trong khi kết quả thu được ngày càng thu hút sự chú ý của công chúng.

Tháng 9/2022, chính quyền Trung Quốc tiến hành một cuộc khảo sát về hôn nhân và thai sản trên toàn quốc để hiểu rõ hơn về nguyên nhân khiến tỷ lệ kết hôn và sinh giảm kỷ lục ở quốc gia này.

Trước đó, vào tháng 4, một báo cáo do Đại học Renmin công bố cho thấy, chỉ khoảng 61% sinh viên đại học được khảo sát cho biết họ sẽ kết hôn, trong khi 7% từ chối hôn nhân. Đối với sinh viên nam, mối quan tâm lớn nhất là chi phí kết hôn, trong khi sinh viên nữ quan tâm nhiều hơn đến những tác động đến sự phát triển bản thân.