Xuất khẩu ngày 7-11/11:
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 31/2022/TT-BTC về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam có hiệu từ ngày 1/12/2022. (Nguồn: Tạp chí Tài chính)

Thống nhất cách áp dụng Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2022

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 31/2022/TT-BTC về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (XK, NK) Việt Nam có hiệu từ ngày 1/12/2022 và thay thế Thông tư 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017, Thông tư 09/2019/TT-BTC ngày 15/2/2019.

Theo đó, ban hành kèm theo Thông tư 31/2022/TT-BTC gồm 2 Phụ lục: Phụ lục I: Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam; Phụ lục II: 6 quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam dựa trên Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới.

Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam được sử dụng để: Xây dựng các Biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa XK, NK;Xây dựng các Danh mục hàng hóa phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của Chính phủ và quy định tại khoản 4 Điều 26 Luật Hải quan; Thống kê Nhà nước về hàng hóa XK, NK; Phục vụ công tác quản lý nhà nước về XK, NK hàng hóa và các lĩnh vực khác.

Văn phòng nước ngoài được thuê nhà theo chính sách ưu đãi đặc biệt

Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2022/NĐ-CP ngày 28/10/2022 về quản lý, sử dụng nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước. Một trong những quy định tại nghị định này là văn phòng nước ngoài được thuê nhà theo chính sách ưu đãi đặc biệt.

Nghị định số 90/2022/NĐ- CP nêu rõ, việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng và các pháp luật khác có liên quan. Trường hợp các Điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam là thành viên có quy định khác, thì thực hiện theo Điều ước quốc tế đã ký.

Việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại phải đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Các khoản thu, chi liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định pháp luật có liên quan.

Tại Nghị định số 90/2022/NĐ- CP cũng quy định rõ, giá cho thuê nhà phục vụ đối ngoại được xác định theo thị trường; đảm bảo bù đắp chi phí, có tích lũy để bảo tồn và phát triển nhà phục vụ đối ngoại; việc miễn hoặc giảm giá cho thuê nhà thấp hơn giá thị trường do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định trên nguyên tắc "có đi có lại", phù hợp với quan hệ đối ngoại của Nhà nước.

Việc thuê đất, xác định tiền thuê đất và miễn, giảm tiền thuê đất (nếu có) của đơn vị sự nghiệp công lập được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và Nghị định này.

Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu của Nhà nước để phục vụ hoạt động đối ngoại thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại theo chức trách, nhiệm vụ được giao; quản lý nguồn thu, các khoản chi theo quy định của pháp luật.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/12/2022.

Quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Nghị định 93/2022/NĐ-CP ngày 7/11/2022 của Chính phủ về quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không.

Trong đó, Nghị định quy định cụ thể dòng lưu chuyển hành khách, hàng hóa, hành lý của hành khách tại cửa khẩu đường hàng không.

Cụ thể, về dòng lưu chuyển hành khách, đối với hành khách nhập cảnh, hành khách khi xuống tàu bay thực hiện lần lượt theo trình tự thủ tục kiểm dịch y tế, kiểm dịch động vật, thực vật mang theo (nếu có), thủ tục kiểm soát nhập cảnh, thủ tục hải quan.

Đối với hành khách xuất cảnh, hành khách thực hiện lần lượt theo trình tự thủ tục hàng không, thủ tục kiểm soát xuất cảnh, thủ tục hải quan và soi chiếu an ninh hàng không.

Đối với hành khách quá cảnh, hành khách khi xuống tàu bay thực hiện lần lượt theo trình tự thủ tục kiểm dịch, kiểm tra soi chiếu an ninh hàng không.

Trong thời điểm xảy ra dịch bệnh, dòng lưu chuyển hành khách có thể được điều chỉnh theo các quy định phòng, chống bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế.

Về dòng lưu chuyển hàng hóa, hành lý của hành khách, đối với hàng hóa nhập khẩu, hành lý của hành khách nhập cảnh không đi cùng hành khách khi xuống tàu bay, thực hiện lần lượt theo trình tự thủ tục kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật), thủ tục hải quan.

Đối với hàng hóa xuất khẩu, hành lý của hành khách xuất cảnh không đi cùng hành khách, thực hiện lần lượt theo trình tự thủ tục kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật), thủ tục hải quan và soi chiếu an ninh hàng không.

Nghị định quy định các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực cửa khẩu đường hàng không gồm: Tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; giám sát hoạt động của người, phương tiện tại khu vực cửa khẩu đường hàng không bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật; các biện pháp khác theo quy định của Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia và pháp luật khác có liên quan.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 22/12/2022.

Bổ sung quy định về giá hợp đồng mua bán điện để so với khung giá điện Năm cơ sở

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 31/2022/TT-BCT ngày 8/11/2022 sửa đổi Thông tư 57/2014/TT-BCT quy định phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện và Thông tư 57/2020/TT-BCT quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện.

Trong đó, Thông tư 31/2022/TT-BCT sửa đổi, bổ sung 4 Điều 3 của Thông tư 57/2020/TT-BCT. Theo đó, giá hợp đồng mua bán điện để so với khung giá phát điện Năm cơ sở được quy định như sau:

Giá hợp đồng mua bán điện phải nằm trong khung giá phát điện Năm cơ sở của nhà máy điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành, trong đó giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy nhiệt điện để so với khung giá phát điện Năm cơ sở được tính toán trên cơ sở các thành phần chi phí tương ứng với thành phần chi phí tính toán khung giá phát điện.

Trường hợp Năm cơ sở của nhà máy nhiệt điện không có khung giá phát điện, giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy nhiệt điện được tính toán quy đổi trên cơ sở các thành phần chi phí tương ứng để so với khung giá phát điện của năm gần nhất của loại hình nhà máy điện đó;

Đối với các dự án đã khởi công nhưng chưa ký kết hợp đồng mua bán điện trước ngày 28/12/2022: Giá hợp đồng mua bán điện phải nằm trong khung giá phát điện năng đàm phán hợp đồng mua bán điện, trong đó giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy nhiệt điện để so với khung giá phát điện được tính toán quy đổi trên cơ sở các thành phần chi phí tương ứng với thành phần chi phí tính toán khung giả phát điện.

So với Thông tư 57/2020/TT-BCT, bổ sung thêm trường hợp Năm cơ sở của nhà máy nhiệt điện không có khung giá phát điện và trường hợp các dự án đã khởi công nhưng chưa ký kết hợp đồng mua bán điện trước ngày 28/12/2022).

Thông tư có hiệu lực từ ngày 28/12/2022.

Quy định kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và ATTP với mật ong xuất khẩu

Thông tư 15/2022/TT-BNNPTNT về kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y (VSTY) và an toàn thực phẩm (ATTP) đối với mật ong có hiệu lực từ ngày 10/12/2022.

Theo đó, việc kiểm tra, giám sát VSTY và ATTP đối với cơ sở sản xuất mật ong xuất khẩu được quy định đơn cử như sau:

Cơ sở nuôi ong, thu mua mật ong: giám sát việc thực hiện nội dung đã cam kết theo quy định tại Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT và theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Cơ sở chế biến mật ong: Việc kiểm tra thông qua hoạt động kiểm tra để cấp Giấy chứng nhận (GCN) điều kiện VSTY; Việc giám sát điều kiện VSTY thực hiện theo quy định tại Điều 38 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT (được sửa đổi tại khoản 11 Điều 1 Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT).

Việc kiểm tra, giám sát VSTY và ATTP đối với cơ sở đã được cấp các loại GCN có giá trị tương đương GCNVSTY thực hiện theo yêu cầu của bên nhập khẩu hoặc tổ chức, cá nhân xuất khẩu.

GCN có giá trị tương đương GCNVSTY gồm các loại GCN theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT (được sửa đổi tại khoản 9 Điều 1 Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT).