Lừa chuyển khoản giả để mua hàng

Theo Công an tỉnh Gia Lai, các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng là tìm kiếm các trang, tài khoản Facebook có đăng tải thông tin bán các loại hàng hóa.

Sau đó sử dụng tài khoản Facebook "ảo" để kết bạn với người bán, rồi đặt mua hàng và yêu cầu người bán gửi cho đối tượng thông tin về tài khoản ngân hàng để thanh toán tiền hàng.

Nhằm tạo sự tin tưởng cho người bán, các đối tượng làm giả hình ảnh giao dịch chuyển tiền thanh toán thành công và gửi cho người bán. Tuy nhiên, khi kiểm tra tài khoản người bán vẫn không nhận được tiền.

Gia Lai: Nhiều người mất hơn 15 tỷ đồng vì "sập bẫy" lừa đảo trên mạng, qua điện thoại - Ảnh 1.

Các đối tượng lừa đảo làm giả hình ảnh giao dịch chuyển khoản thành công và gửi cho người bán. Tuy nhiên, khi kiểm tra tài khoản người bán vẫn không nhận được tiền hoặc nhận tiền không đúng với hình ảnh. Ảnh minh họa

Sau đó, đối tượng giả danh là nhân viên ngân hàng gọi điện đến yêu cầu người bán kết bạn Zalo và gửi cho người bán đường link (có chứa mã độc) hoặc mã QR và yêu cầu đăng nhập vào tài khoản ngân hàng thực hiện quét mã QR để nhận tiền với lý do số tiền đang bị treo không về được. Sau khi người bán quét mã QR thì tài khoản ngân hàng báo bị trừ tiền.

Tại tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 2 bị hại là chị T.T.T.H. (trú tại tổ 3, phường Hội Phú, TP. Pleiku) và anh N.H.Đ. (trú tại hẻm 24 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) với tổng số tiền bị chiếm đoạt trên 300 triệu đồng.

Giả danh công an, viện kiểm sát... để lừa chiếm đoạt tiền 

Không những sử dụng mạng xã hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, các đối tượng lừa đảo còn gọi điện đến số máy của các bị hại tự xưng là nhân viên của công ty viễn thông để báo nợ tiền cước điện thoại.

Tương tự, các đối tượng này còn xưng là cán bộ công an, cán bộ viện Kiểm sát thông báo bị hại có liên quan đến đường dây rửa tiền, buôn lậu ma túy mà Bộ Công an đang tiến hành điều tra; yêu cầu tham gia đầu tư APP; tuyển cộng tác viên... 

Sau đó, đề nghị bị hại kê khai tài chính, tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong tài khoản ngân hàng. Hoặc các đối tượng đe dọa, yêu cầu cung cấp thông tin liên quan tài khoản ngân hàng để phục vụ cho công tác điều tra, xác minh, hoặc nộp thêm tiền đảm bảo việc tham gia đầu tư APP.

Nhiều bị hại do tâm lý lo sợ dẫn đến lầm tưởng các đối tượng là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát thật và sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân và gia đình nên đã cung cấp các thông tin, nộp tiền vào tài khoản theo yêu cầu của đối tượng và bị các đối tượng chiếm đoạt.

Từ ngày 2/4 đến nay, tại Gia Lai ghi nhận 4 bị hại của những thủ đoạn này. Trong đó có những người bị chiếm đoạt số tiền lớn như: Chị N.T.D.H. (trú tại phường Phù Đổng, TP. Pleiku) bị chiếm đoạt 10,4 tỷ đồng, chị N.T.H. (trú tại thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) bị chiếm đoạt 3,2 tỷ đồng, chị T.T.H. (trú tại phường Hoa Lư, TP.Pleiku) bị chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng.

Gia Lai: Nhiều người mất hơn 15 tỷ đồng vì "sập bẫy" lừa đảo trên mạng, qua điện thoại - Ảnh 2.

Nhiều người dân bị mất tiền khi nghe những cuộc gọi tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát...Ảnh minh họa

Từ những phương thức, thủ đoạn lừa đảo nêu trên, Công an tỉnh Gia Lai đề nghị Công an các đơn vị địa phương chỉ đạo Công an các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm nêu trên. Đồng thời tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện, đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật. 

Khi phát hiện các đối tượng có thủ đoạn như trên, đề nghị người dân và các cơ quan, đơn vị thông báo đến Phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Gia Lai (số 80 Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) để phối hợp, xử lý.