Đồng Bitcoin đã có đợt hồi phục nhẹ vào hôm qua khi có thời điểm giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới này đã leo lên trên ngưỡng 39.000 USD/đồng. Tuy nhiên, đến hôm nay, giá Bicoin lại quay đầu giảm giá mạnh.
Cụ thể, theo dữ liệu cập nhật từ CoinDesk vào 12h30' hôm nay (3/2, theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin được giao dịch ở mức 37.012,35 USD, giảm 3,52% so với ngày hôm qua. Trong 24 giờ gần nhất, giá Bitcoin thời điểm cao nhất đạt 38.775,5 USD, thấp nhất ở mức 36.644,82 USD.
Còn theo dữ liệu của CoinGecko, khối lượng giao dịch Bitcoin trong khoảng 24 giờ qua là gần 17 tỷ USD. Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin ngày càng bị thu hẹp, vốn hóa của thị trường Bitcoin vào trưa nay chỉ đạt hơn 702 tỷ USD.
Đà giảm mạnh của Bitcoin khiến nhiều đồng mã hóa khác cũng lao dốc mạnh. Trong đó, Ethereum giảm 3,59%, xuống mức giá 2.660 USD; XRP giảm 3,5%, giá xuống còn 0,606 USD; Solana giảm 9,37%, ở mức giá 99,08 USD; Terra giảm 6,52%, có giá 48,49 USD; Cardano giảm 3,44%, xuống mức giá 1,04 USD; Stellar giảm 4,17%, có giá 0,193 USD; Dogecoin giảm 2,82%, về mức giá 0,138 USD; Polygon giảm 5,56%, giá là 1,54 USD; Bitcoin Cash giảm 3,69%, giá về mốc 278,39 USD...
Sự mất giá mạnh của Bitcoin và nhiều đồng tiền kỹ thuật số quan trọng khác đã khiến tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa giảm sâu. Tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa vào trưa nay chỉ còn ở mức 1.785 tỷ USD, giảm 4% so với ngày hôm qua.
Đồng Bitcoin nói riêng và thị trường tiền mã hóa nói chung đã trải qua tháng đầu tiên của năm 2022 không mấy suôn sẻ. Giá Bitcoin sụt giảm mạn. Đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới này từng có thời điểm sụt giảm xuống 32.000 USD, mức giá thấp kỷ lục của Bitcoin kể từ tháng 7/2021.
Theo Coinglass, giá Bitcoin trong tháng 1 đã giảm 18,47% so với tháng 12/2021. Còn so với mức đỉnh gần 69.000 USD/đồng được thiết lập hồi tháng 11/2021, giá Bitcoin hiện đã sụt giảm gần 50%.
Giới phân tích cho rằng, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giảm các biện pháp kích thích kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến các tài sản rủi ro và tác động lớn đến thị trường tiền kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, việc nhiều nước đang tìm cách siết chặt thị trường tiền mã hóa đã khiến giá Bitcoin lao dốc.
Ngân hàng Thái Lan, Uỷ ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Thái Lan và Bộ Tài chính Thái Lan đang lên kế hoạch áp dụng một khung pháp lý để kiểm soát việc sử dụng tiền điện tử làm phương tiện thanh toán các sản phẩm và dịch vụ. Giới chức Thái Lan quan ngại rằng tiền kỹ thuật số có thể làm phương hại hệ thống kinh tế và tài chính.
Indonesia cũng đã nghiêm cấm các tổ chức dịch vụ tài chính sử dụng, tiếp thị hoặc tạo điều kiện cho các giao dịch tài sản tiền điện tử.
Mới đây, Ngân hàng trung ương của Nga đã đề xuất cấm sử dụng và khai thác tiền ảo.
Trước đó, giới chức Ấn Độ cho biết đang chuẩn bị giới thiệu một dự luật điều chỉnh các loại tiền mã hóa.
Gần đây, Tổng thống Kazakhstan yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của nước này cắt dịch vụ internet, khiến những người khai thác tiền mã hóa ở nước này không thể “đào” tiền thuật toán.
Những diễn biến trên thị trường tiền mã hóa trong vài tuần qua khiến nhiều người không còn coi đồng Bitcoin là hàng rào tuyệt vời chống lại lạm phát như nhiều người trước đó ca ngợi.
Anh Tuấn