Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất thêm 0,5% trong phiên họp ngày 4/5, mức tăng cao nhất trong vòng 22 năm qua. Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp Fed nâng lãi suất sau một chuỗi 2 năm liên tục hạ lãi suất xuống sát 0% để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Trước đó, trong phiên họp giữa tháng 3, Fed đã tăng lãi suất 25 điểm cơ bản từ mức 0 - 0,25% lên 0,25-0,5%. Sau cuộc họp ngày 4/5, mức lãi suất cơ bản hiện tại của Fed là 0,75-1%.
Nhiều chuyên gia tin tưởng rằng khả năng Fed sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản khác tại cuộc họp tháng 6 tới đây. Theo dữ liệu từ CME Group, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ nâng lên 3-3,25% vào cuối năm 2022.
Bên cạnh việc tăng lãi suất, ngân hàng trung ương Mỹ còn phát tín hiệu sẽ giảm lượng tài sản nắm giữ trên bảng cân đối kế toán quy mô 9.000 tỷ USD. Kế hoạch này sẽ bắt đầu từ tháng 6 tới, theo từng giai đoạn.
Cụ thể, từ ngày 1/6, Fed sẽ giảm 30 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ và 17,5 tỷ USD chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp mỗi tháng. Sau 3 tháng, mức giảm đối với trái phiếu kho bạc và các khoản thế chấp sẽ lần lượt tăng lên 60 tỷ USD và 35 tỷ USD.
Xuất khẩu chịu tác động "kép"
Fed tăng lãi suất USD trong tháng 3 và tăng thêm 0,5% trong tháng 5, theo giới phân tích mục tiêu của Fed là sử dụng các công cụ của mình để đưa nhu cầu và nguồn cung trở lại đồng bộ, nhằm giảm lạm phát và làm như vậy mà không dẫn đến một đợt suy thoái kinh tế. Hiện, lạm phát Mỹ lên đỉnh cao kỷ lục trong vòng 40 năm qua: 8,5% trong tháng 3 và kinh tế Mỹ đã suy giảm trong quý I.
Từ bối cảnh của Mỹ và động thái tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong tháng 5 của Fed, TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế nhận định, đây là mức tăng tương đối cao nhưng vẫn không "thấm tháp gì" so với con số lạm phát hiện nay của quốc gia này. Ông Nghĩa dự báo, tần suất tăng lãi suất từ nay cho đến cuối năm cũng sẽ nhiều hơn và mức tăng mạnh hơn, ít nhất là 50 điểm cơ bản.
Động thái lịch sử của Fed sẽ có tác động nhãn tiền tới tỷ giá, lãi suất và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Nghĩa phân tích, khi Fed tăng lãi suất như đã kể trên, đồng USD lên giá so với các đồng tiền khác, trong đó có VND. Như vậy, tỷ giá sẽ tăng trong năm 2022.
"Sau quyết định lịch sử 22 năm của Fed, USD sẽ mạnh lên, VND không tăng giá so với USD nhưng tăng so với nhiều đồng tiền khác như NDT (Trung Quốc), Baht (Thái Lan), Won (Hàn Quốc)... do VND "cố tình" neo theo đồng USD. Hơn nữa, nếu VND không tăng theo, Mỹ sẽ cho rằng Việt Nam phá giá, thao túng tiền tệ. Điều này khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này đắt lên tương đối. Từ đó, gây áp lực cho xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác ngoài Mỹ", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Thực tế thời gian qua, so với các đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á, mức giảm của VND có phần khiêm tốn hơn chỉ 0,53% trong tháng 4 và 0,57% so với cuối năm 2021. Ngược lại, đồng won của Hàn Quốc có diễn biến giảm mạnh nhất, đồng NDT cũng bốc hơi hơn 4%.
Riêng đối với xuất khẩu, ngoài chịu tác động như phân tích trên, TS. Lê Xuân Nghĩa còn chỉ ra một lý do khác cho thấy xuất khẩu sẽ là vấn đề cần lưu tâm trong năm 2022 của Việt Nam.
Ông Nghĩa nói, nhiều tổ chức mới đây đã hạ tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ và của các nước châu Âu. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ và châu Âu suy giảm, cộng với việc kinh tế Trung Quốc cũng đang trên đà giảm do chiến lược "Zero Covid" cũng là những yếu tố làm tác động tới xuất khẩu của Việt Nam.
"Mặc dù Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khá cao trong 4 tháng đầu năm (5,4%) và tăng trưởng xuất khẩu khoảng 16 – 17%, nhưng chúng tôi dự báo tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng tới đặc biệt là quý III và quý IV sẽ chậm lại do các tác động như đã nói ở trên. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể cũng chỉ đạt từ 5,5 – 6%", TS. Nghĩa đánh giá.
Dự báo "nóng" về lãi suất
Về lãi suất, VND gắn với USD khi USD tăng lãi suất nhanh cũng sẽ đẩy nhanh quá trình tăng lãi suất tại Việt Nam. Đặc biệt khi kỳ vọng lạm phát của người dân ngày càng tăng cao vào giai đoạn cuối năm và buộc các ngân hàng phải huy động lãi suất tiền gửi cao hơn. Điều này cũng sẽ kéo theo những áp lực nhất định đối với lãi suất cho vay.
Ngoài ra, theo ông Nghĩa lãi suất còn chịu áp lực khác đó là nợ xấu.
"Hiện nay nợ xấu đang bị che bởi quy định giãn hoãn nợ, bắt đầu từ tháng 6 này quy định sẽ không còn nữa, số nợ xấu tăng nhiều hơn, trích lập dự phòng rủi ro cũng tăng lên. Nguồn tiền thu từ nợ về cho vay sẽ giảm và lãi suất huy động và cho vay cũng sẽ tăng thêm", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Trước lo ngại cho rằng, khi Fed mạnh tay tăng lãi suất như hiện nay, sẽ có sự dịch chuyển dòng vốn từ Việt Nam quay trở về Mỹ, theo ông Nghĩa điều này còn phụ thuộc chủ yếu vào khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Nếu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt từ 5,5% trở lên, lạm phát theo dự báo của ông Nghĩa cũng chỉ đâu đó khoảng 4%, chính trị ổn định,... môi trường đầu tư của Việt Nam về cơ bản là hấp dẫn các nhà đầu tư. Nếu có dịch chuyển vốn, theo ông Nghĩa là không nhiều.