Lạm phát ở Mỹ giảm nhưng người dân vẫn thấy giá tăng

Tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đã có dấu hiệu giảm bớt trong những tháng qua, tuy nhiên, cú sốc tăng giá vẫn tiếp tục tác động đến tâm lý người tiêu dùng.

Theo trang tin CNBC, dưới những nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tình hình lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đã dần hòa hoãn trong vài tháng gần đây. Tuy vậy, nhiều người dân vẫn cảm thấy giá cả không những không giảm đi mà còn có xu hướng tăng ngược lại.

Một khảo sát mới đây đã cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng vừa rồi giảm mạnh và phần lớn mọi người đều dự báo về bối cảnh "u ám" sắp tới, nhất là khi số người tin vào thị trường lao động đã giảm từ 47,5% của tháng 4 xuống còn 43,5% vào tháng 5.

lam phat giam gia tang anh 1

Lạm phát giảm nhưng người dân vẫn thấy giá tăng.

Trong khi đó, những kỳ vọng về lạm phát không có nhiều thay đổi lắm và vẫn ở mức trên 6%. Thậm chí, 61% người dân hiện cho rằng việc lạm phát và giá tăng đã gây ra nhiều khó khăn tài chính đối với gia đình mình, do đó, câu hỏi được đặt ra nhiều nhất hiện tại là khi nào sẽ có hỗ trợ tài chính.

Nhận xét về điều này, ông Ataman Ozyildirim - Giám đốc Kinh tế cấp cao của The Conference Board - cho biết: "Những người tiêu dùng này đang nhìn vào giá tại trạm xăng và cửa hàng tiện lợi, do đó, họ sẽ luôn cảm thấy giá tăng mà không giảm".

Giá cả sẽ không thực sự giảm

Để kiềm chế lạm phát, Fed đã tăng lãi suất dẫn đến lãi vay cao và lãi gửi cũng cao.

Do đó, chi phí đối với các khoản vay thế chấp mua xe, nợ tín dụng hay nợ sinh viên đều đang cao hơn bao giờ hết. Và những người gửi tiết kiệm giờ đây có thể kiếm được nhiều tiền hơn nhờ số tiền mặt của mình.

Nói về điều này, bà Laura Veldkamp - ​​Giáo sư Tài chính tại trường Kinh doanh Columbia - cho rằng quá trình thay đổi nền kinh tế của Fed giống như đang cố gắng giảm tốc độ của một chiếc ôtô vậy.

Theo bà, một chiếc xe đã đi trên đường thì không thể dừng lại đột ngột hay lùi xuống, do đó, "những gì Fed đang làm hiện này là kiềm chế tốc độ tăng lạm phát" chứ không phải "biến lạm phát từ dương thành âm".

Trên thực tế, "lạm phát âm" (hay giảm phát) là một hiện tượng khá nguy hiểm vì nó sẽ khiến nền kinh tế rối tung, giá cả mất đi sự ổn định và người tiêu dùng thì chẳng dự đoán được tương lai phía trước như thế nào. Ví dụ điển hình nhất là các hợp đồng thuê nhà hoặc hợp đồng lương cho người lao động sẽ không thể định giá trước.

"Lạm phát âm" thậm chí còn dẫn đến sự sụp đổ của tổng cầu, vì giá giảm sẽ khiến người tiêu dùng trì hoãn việc mua đồ nếu họ tin rằng giá sẽ thấp hơn vào ngày hôm sau.

Vì vậy, Fed chỉ đặt mục tiêu ngăn chặn lạm phát khỏi tầm nhìn của người tiêu dùng thay vì cố gắng ép cho giá giảm.

"Việc của họ là giữ cho giá cả ổn định đến mức người dân không cần quan tâm xem 1 USD có thể mua được bao nhiêu đồ trong năm 2023", bà Veldkamp cho biết.

Chặng đường vẫn còn dài

Nếu xét về mục tiêu dài hạn, Fed vẫn muốn đưa lạm phát về mức 2%. Tuy nhiên, giới chuyên gia đều thống nhất rằng ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn chạm đến mục tiêu đó.

Cụ thể, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Mỹ trong tháng 4 vừa qua đã giảm xuống còn 4,9% - nếu tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tuy nhiên, thước đo lạm phát ưa thích của Fed - tính theo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - vẫn ở mức 4,7% - chỉ thấp hơn CPI một chút.

"Vì thế, giá cả các mặt hàng khả năng cao sẽ không giảm xuống ngay lập tức kể cả khi Fed đạt mục tiêu 2%", ông Ozyildirim cho biết.

lam phat giam gia tang anh 2

Kể cả khi Fed đạt mục tiêu 2%, giá có thể vẫn không giảm. Ảnh: CNBC.

Hơn nữa, không phải mọi món hàng đều giảm giá giá giống nhau, vì những sản phẩm như ôtô, nhà ở, xăng dầu hay đồ dùng hàng ngày đều phải chịu ảnh hưởng riêng biệt từ chuỗi cung ứng của chúng.

"Chẳng bao giờ có chuyện giá cả sẽ đột ngột quay trở lại mức cũ của năm 2020 - thời điểm lạm phát còn 2%", ông James Angel - Phó Giáo sư tại trường Kinh doanh McDonough (Đại học Georgetown) - cho biết.

Nguyên nhân là lạm phát có xu hướng tạo ra một "vòng tuần hoàn" trong nền kinh tế bằng cách thúc đẩy nhu cầu tiền lương cao hơn, dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn và giá cả cao hơn. Kể cả với mức lạm phát 2%, mọi thứ cũng diễn ra như vậy nên giá cả giảm là chuyện "khó xảy ra được".

"Tỷ lệ lạm phát hàng năm là 2%, nhưng nếu tính cả thập kỷ thì nó sẽ là 20%. Do đó, kể cả khi lạm phát có giảm từ 6% xuống 2% thì nó cũng sẽ diễn ra một cách lặng lẽ và chẳng mấy ai nhận ra được", ông Angel nhận định.