Iran nói gì sau cuộc tấn công trả đũa quy mô lớn nhắm vào Israel?

Iran tuyên bố, cuộc tấn công trả đũa chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự của Israel trong phạm vi “hạn chế” và không có ý định tấn công các căn cứ của Mỹ trong khu vực.

Tấn công chính xác và có giới hạn!

Trong một cuộc họp báo ở Tehran hôm 14/4, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollhian cho biết, lực lượng vũ trang nước này đã nhắm mục tiêu vào một căn cứ quân sự cất giữ máy bay F-35 của Israel, nơi bắt nguồn cuộc tấn công nhằm vào tòa nhà Đại sứ quán Iran ở Damascus, Syria hồi đầu tháng.

Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết, vào khuya ngày 13, rạng sáng ngày 14/4, đã phóng khoảng 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) cảm tử về phía các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Israel.

Động thái nhằm đáp trả cuộc tấn công vào tòa nhà Đại sứ quán Iran ở thủ đô Syria, khiến 7 cố vấn quân sự, trong đó có 2 chỉ huy cấp cao thiệt mạng.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollhian. Ảnh: IRNA.

“Chiến dịch này nhắm vào trung tâm tình báo và tai mắt của chế độ Israel, nơi được sử dụng để chỉ huy mọi hoạt động trong sáu tháng qua, bao gồm cả hoạt động gần đây nhằm vào Đại sứ quán Iran ở Damascus.”, ông Amirabdollhian nói; lưu ý, các lực lượng vũ trang nước này không nhắm mục tiêu vào bất kỳ trung tâm kinh tế hoặc dân cư nào. Ngay cả khi tấn công vào căn cứ quân sự…. độ chính xác cũng đã được tính toán.

Ngoại trưởng Iran nhấn mạnh với các nước trong khu vực, nơi Mỹ có căn cứ quân sự, rằng, mục đích duy nhất của hoạt động “hợp pháp” là “trừng phạt” chế độ Israel vì hành vi xâm phạm cơ sở ngoại giao của Iran. Tehran không tìm cách nhắm mục tiêu vào các căn cứ hoặc nhân viên quân sự của Mỹ trong khu vực.

Ông Amirabdollhian cũng cho biết, trước cuộc tấn công, Iran đã thông báo cho các nước láng giềng và thông báo cho Mỹ (qua các kênh ngoại giao trung gian Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sĩ) về ngày dự kiến xảy ra vụ tấn công, đồng thời cho biết vụ tấn công sẽ được tiến hành theo cách tránh gây ra phản ứng.

Phần còn lại của 1 tên lửa đẩy của Iran sau cuộc tấn công căn cứ quân sự Israel. Ảnh: Reuters/Christophe van der Perre.

Iran cũng cảnh báo Mỹ, nếu nước này sử dụng các căn cứ quân sự của mình trong khu vực để tiến hành bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm hỗ trợ Israel, thì “căn cứ quân sự của Mỹ ở quốc gia đó chắc chắn sẽ bị giáng trả”.

Nhà ngoại giao Iran cũng khẳng định, Tehran cam kết đảm bảo an ninh cho “những người anh em của chúng tôi ở các nước láng giềng và trong khu vực”.

Israel trì hoãn phản công Iran sau kêu gọi của ông Biden

Israel sẵn sàng phản công Iran ngay lập tức, nhưng ít nhất đã gác lại hành động này lại sau cuộc gọi từ Tổng thống Mỹ Joe Biden, kênh truyền hình Kan 11 đưa tin.

Theo tin, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, ông Biden đã kêu gọi không leo thang và coi việc đẩy lùi được cuộc tấn công với những tổn thất tối thiểu vụ không kích quy mô lớn do Iran phát động một ngày trước đó, là một chiến thắng.

“Do có lời kêu gọi của ông Biden nên kế hoạch phản công chống lại Iran đã bị gác lại vào phút chót,”, Kan 11 đưa tin.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu triệu tập cuộc họp nội các chiến tranh ở Tel Aviv vào sớm ngày 14/4, sau cuộc tấn công của Iran. Ảnh: timesofisrael.

Theo bản tin, phần lớn các thành viên trong nội các quân sự-chính trị ủng hộ việc phản ứng đáp trả ngay mà không trì hoãn, nhưng tình hình đã thay đổi nhờ sự can thiệp của ông Biden và cũng do thực tế là thiệt hại từ cuộc tấn công bằng UAV, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Iran cho thấy là không đáng kể.

Giới lãnh đạo chính trị- quân sự Israel cho rằng, cần phải đáp trả, nhưng giờ đây họ phải giải quyết “vấn đề nan giải trọng tâm” là làm thế nào và khi nào thì thực hiện việc đó.

“Câu hỏi được đặt ra trong các cuộc họp kín là liệu có nên tính đến ý định của Iran là gây thiệt hại lớn cho Israel hay không, hay nên tính đến kết quả thực tế, như đã nói, là tương đối không đáng kể.”, Kan 11 cho biết.

Mỹ sẽ không tham gia vào cuộc phản công của Israel

Ngày 14/4, một quan chức Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Joe Biden đã nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng, Mỹ sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc phản công nào của Israel nhắm vào Iran.

Iran đã phóng hàng trăm tên lửa và UAV vào Israel vào khuya ngày 13, rạng sáng ngày 14/4 để đáp trả cuộc tấn công mà Israel bị nghi thực hiện vào Đại sứ quán Iran ở Syria vào ngày 1/4.

Trong một tuyên bố được đưa ra ngay sau cuộc tấn công, ông Biden cho biết, ông đã nói với ông Netanyahu rằng, Israel đã “chứng tỏ năng lực xuất sắc trong việc phòng thủ và đánh bại ngay cả những cuộc tấn công chưa từng có”.

Máy bay Israerl xuất kích đánh chặn tên lửa của Iran, ngày 14/4. Nguồn: IDF.

Trong tuyên bố, ông Biden không cho biết liệu ông và ông Netanyahu có thảo luận về phản ứng của Israel hay sự tham gia tiềm tàng của Mỹ hay không.

Nói với chương trình “This Week” của ABC hôm 14/4, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ , John Kirby, cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục trợ giúp Israel để tự vệ nhưng không muốn chiến tranh với Iran.

Khi được hỏi liệu Mỹ có ủng hộ việc Israel trả đũa ở Iran hay không, ông Kirby nói, cam kết của Washington là “vững chắc” trong việc bảo vệ Israel và “giúp Israel tự vệ”.

“Và như Tổng thống đã nói nhiều lần, chúng tôi không mưu tìm một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn trong khu vực. Chúng tôi không mưu tìm một cuộc chiến tranh với Iran. Và tôi nghĩ chúng tôi sẽ dừng lại ở đó.”, ông Kirby nói.

Giáo hoàng Francis kêu gọi chấm dứt vòng xoáy bạo lực ở Trung Đông

Giáo hoàng Francis hôm 14/4 kêu gọi Iran và Israel tránh các bước đi có thể dẫn tới “vòng xoáy bạo lực”, có nguy cơ đẩy Trung Đông sâu hơn vào xung đột.

Trò chuyện với những người hành hương tại Quảng trường Thánh Peter, Giáo hoàng Francis nói rằng ông đã theo dõi tin tức về cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Iran vào Israel với cảm giác lo lắng và đau buồn.

Ông nói: “Tôi chân thành kêu gọi hãy dừng mọi hành động có thể gây ra vòng xoáy bạo lực với nguy cơ kéo Trung Đông vào một cuộc xung đột thậm chí còn lớn hơn”.

Đức Giáo Hoàng Francis kêu gọi chấm dứt vòng xoáy bạo lực ở Trung Đông. Ảnh: Reuters.

Iran đã phát động cuộc tấn công nhằm trả đũa cho một cuộc không kích mà Israel bị nghi thực hiện nhắm vào lãnh sự quán của nước này ở Syria hôm 1 tháng 4, giết chết các chỉ huy hàng đầu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng và xảy ra sau nhiều tháng đụng độ giữa Israel và các đồng minh trong khu vực của Iran vì cuộc chiến ở Gaza.

Tuy nhiên, cuộc tấn công với hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái, chủ yếu được phóng từ bên trong Iran, chỉ gây ít thiệt hại ở Israel vì hầu hết đều bị bắn hạ với sự trợ giúp của Mỹ, Anh và Jordan.

"Không ai được đe dọa sự tồn tại của người khác. Thay vào đó, tất cả các quốc gia nên đứng lên vì hòa bình và giúp đỡ người Israel và Palestine sống ở hai quốc gia cạnh nhau trong an toàn”, Giáo hoàng Francis nói thêm.

Các nhà lãnh đạo G7 thảo luận trong cuộc họp khẩn ngày 14/4, sau cuộc tấn công của Iran vào Israel. Ảnh: Charles Michel/ Reuters.

Ông kêu gọi ngừng bắn ở Gaza và đàm phán để cho phép cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân và giúp giải thoát các con tin Israel bị Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công vào Israel ngày 7 tháng 10.

Ông nói: “Chiến tranh đủ rồi, tấn công đủ rồi, bạo lực đủ rồi. Nói có với đối thoại, với hòa bình”.

Tin liên quan, trong một cuộc họp khẩn được triệu tập ngày 14/4, lãnh đạo các quốc gia G7 đã lên án cuộc tấn công trả đũa của Iran vào Israel; tuyên bố, họ sẽ nỗ lực ngăn chặn “sự leo thang không thể kiểm soát trong khu vực” ở Trung Đông; đồng thời kêu gọi Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này kiềm chế, ngừng các cuộc tấn công.

Văn Phong/IRNA, Sputnik, Reuters