Giá vàng hôm nay 5/7: Sẵn sàng phục hồi, công phá ngưỡng 1.800 USD/ounce vào tuần này?

Sau khi giảm hơn 7% trong tháng 6, giá vàng đang cố gắng phục hồi trở lại. Liệu kim loại quý có thể phá vỡ ngưỡng 1.800 USD/ounce vào tuần tới, khi lạm phát cao hơn tiếp tục khiến các chuyên gia và giới đầu tư lo lắng?
Giá vàng hôm nay 5/7
Tại phiên đóng cửa tuần trước, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco đang trong xu hướng tăng khá tốt, tăng 10,6 USD so với phiên liền trước, niêm yết tại 1.787,3 USD/ounce.

Cập nhật giá vàng hôm nay 5/7

Tuần tới, đa số các chuyên gia và nhà đầu tư đều kỳ vọng giá vàng sẽ tăng khi kim loại quý này giữ vững mức giá giao dịch ngay dưới mức 1.800 USD/ounce. Chuyên gia phân tích cấp cao của Kitco News Jim Wyckoff cho rằng, cách tốt nhất để xác định chiều hướng của giá vàng trong thời gian tới là theo dõi phản ứng của kim loại quý này trong phạm vi 1.750 - 1.800 USD/ounce. Nếu giá vàng có thể bứt phá ra khỏi phạm vi này, thị trường có khả năng sẽ khởi sắc.

Giá vàng đang không ổn định và đã có lúc rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 4 là 1.760 USD. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đang rất khó đoán định do dữ liệu việc làm bất ổn và lạm phát vẫn đang có chiều hướng gia tăng.

Hiện tại, thị trường đang chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố vào thứ Tư, để có cái nhìn sâu sắc hơn về định hướng quản lý tiền tệ sắp tới. Các thị trường cũng sẽ chú ý nhiều đến chỉ số PMI phi sản xuất của ISM vào thứ Ba và tuyên bố thất nghiệp vào thứ Năm.

Tại phiên đóng cửa tuần trước (ngày 2/7), giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco đang trong xu hướng tăng khá tốt, tăng 10,6 USD so với phiên liền trước, niêm yết tại 1.787,3 USD/ounce.

Trong khi đó, tín hiệu tăng của giá vàng SJC trong đầu phiên ngày 2/6 tiếp tục được duy trì đến cuối phiên. Chốt phiên cuối ngày 2/7, giá vàng SJC chốt phiên tiếp tục tăng thêm trong khoảng 100.000 - 250.000 đồng/lượng tại tất cả các hệ thống cửa hàng kinh doanh vàng. Tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty VBĐQ Sài Gòn đồng loạt tăng 250.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, hiện niêm yết tại 56,60 - 57,15 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội, hệ thống Bảo tín Minh Châu cũng điều chỉnh tăng giá vàng SJC 130.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng thêm 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, niêm yết tại 56,61 - 57,04 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng điều chỉnh tăng lên 51,29 - 51,89 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,55 - 51,65 triệu đồng/lượng.

Vàng tiếp tục là kênh trú ẩn tài sản và đẩy giá đi lên

Trong tuần qua, nhiều thông tin kinh tế Mỹ thu hút sự quan tâm của giới đầu tư đã được công bố. Theo đó, Bộ Lao động Mỹ thông báo nước này có thêm 850.000 việc làm mới trong tháng 6, cao hơn đáng kể so với dự báo 706.000 việc làm của các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones và MarketWatch.

Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ tháng 6 tăng lên mức 5,9% từ mức 5,8% của tháng trước và cao hơn hẳn so với kỳ vọng 5,6% của giới chuyên gia. Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng đến định hướng chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed)... Và những điều này đều có tác động đến xu hướng giá vàng.

Theo phân tích của một số chuyên gia, giá vàng nhiều khả năng còn được hỗ trợ bởi thông tin chủng delta của Covid-19 đang lây lan mạnh. Thực trạng dịch bệnh phức tạp hơn sẽ gây cản trở quá trình phục hồi kinh tế Mỹ. Và như vậy vàng sẽ trở thành kênh trú ẩn tài sản và đẩy giá đi lên.

Tuần qua, 3 câu chuyện hàng đầu có tác động mạnh đến giá vàng, nhiều khả năng vẫn là yếu tố đưa đẩy, khiến giá vàng có thể công phá ngưỡng 1.800 USD/ounce vào tuần tới.

Câu chuyện thứ nhất, vàng chứng kiến tháng 6 tồi tệ nhất kể từ năm 2013. Vàng đã giảm mạnh vào hôm thứ Ba (29/6) khi giá chạm mức thấp nhất trong 2,5 tháng và hướng tới hoạt động tồi tệ nhất trong tháng 6 kể từ năm 2013. Kim loại quý màu vàng đã giao dịch giảm 7,6% trong tháng. Tính theo tháng, thị trường vàng đã cho thấy hoạt động tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2016 - khi kim loại quý này giảm hơn 8%. Vào tháng 6/2013, giá vàng đã giảm tới 11%.

Câu chuyện thứ hai, tiếp theo là suy thoái? Có phải Fed đang bỏ sót câu chuyện lạm phát thực sự? Và liệu có quá muộn để hành động nếu bỏ qua mối đe dọa về lạm phát không? Cố vấn kinh tế trưởng của Allianz, Mohamed El-Erian đã đưa ra những lo ngại của mình về những phản ứng chậm trễ có thể kích hoạt của Fed.

Theo El-Erian, “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, thị trường đang rất thoải mái vì ban lãnh đạo cấp cao của Fed đang tỏ ra không có gì phải lo lắng. Nhưng "Nếu bạn thực sự nhìn vào những con số về lạm phát, bạn sẽ bắt đầu có những nghi ngờ nghiêm trọng về việc lạm phát nhất thời là như thế nào.", vị chuyên gia của Allianz nói.

“Mỗi ngày, tôi đều thấy nhiều bằng chứng về lạm phát không phải là nhất thời. Rủi ro lớn ở đây là, nếu Fed buộc phải hành động nhanh chóng sau khi bỏ qua lạm phát, nó có thể gây ra suy thoái", El-Erian cảnh báo.

Chuyên gia El-Erianlo ngại, Fed đang tụt lại phía sau và họ có thể phải "chơi trò đuổi bắt". Tất nhiên, đây không phải là điều có thể xảy ra ngay ngày mai, thị trường sẽ không có bất kỳ dữ liệu thực tế nào về bản chất của lạm phát cho đến cuối năm. Nhưng lịch sử cho thấy, thế giới sẽ kết thúc với một cuộc suy thoái vì "bạn phải đạp phanh thay vì từ từ bỏ chân khỏi chân ga, đó là điều mà tôi tin rằng điều đó sẽ xảy ra."

Cùng quan điểm về lạm phát, câu chuyện thứ ba dự báo, lạm phát có thể sẽ tăng lên 20% trong 5 năm tới. Trưởng nhóm nghiên cứu toàn cầu của WisdomTree - Jeremy Schwartz, người đã xác định được một số rủi ro mới mà danh mục đầu tư của các nhà đầu tư phải đối mặt, cho rằng, giá cao hơn là một yếu tố thực, đang tồn tại, ít nhất là trong 5 năm tới.

"Một trong những quan điểm tổng quan của chúng tôi là lạm phát không phải là tạm thời. Và chúng tôi có quan điểm rằng, trong vài năm tới, thị trường sẽ được chứng kiến tất cả những nghi ngờ trên- Schwartz nhận định.

Chuyên gia Schwartz giải thích rằng, mọt số động lực chính dẫn đến áp lực lạm phát kéo dài sẽ là nhu cầu cao hơn, cung tiền tăng và tốc độ tăng tiền tệ, chỉ ra rằng cung tiền M2 ở Mỹ đã tăng mạnh trong năm qua. Ngoài ra, tất cả các biện pháp cứu trợ Covid trong giai đoạn vừa qua đã đưa một lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế. Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, số tiền tiết kiệm đó bắt đầu quay trở lại hệ thống.

Khuyến nghị của WisdomTree là tránh xa trái phiếu và nắm lấy vị thế còn lại trong cổ phiếu, vàng và các hàng hóa khác.