Giá vàng hôm nay 29/7: Giá vàng thế giới 'chạy đà', tăng bền vững hay phản ứng nhất thời; Mua vàng SJC lỗ gần 2 triệu sau 2 tuần

Giá vàng hôm nay 29/7 tăng vọt từ mức thấp nhất 5 tháng lên mức đỉnh 3 tuần, vượt qua ngưỡng 1.750 USD và tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên này. Đây liệu có phải là một phản ứng nhất thời của thị trường vàng thế giới? Giá vàng trong nước lại "chọn lối đi riêng", người mua lỗ nặng sau 2 tuần đầu tư.
Giá vàng hôm nay 29/7: dsfs
Giá vàng hôm nay 29/7 tăng bùng nổ, bền vững hay phản ứng nhất thời; Mua vàng SJC lỗ gần 2 triệu sau 2 tuần. (Nguồn: Kitco)

Giá vàng hôm nay 29/7

Giá vàng thế giới tăng hơn 40 USD ngay sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell thông báo về mức lãi suất mới - tăng thêm 75 điểm cơ bản (0,75%) như dự báo và báo hiệu Ngân hàng Trung ương có thể làm chậm tốc độ tăng lãi suất trong những tháng tới. Giá vàng tăng do đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đi xuống.

Rạng sáng ngày 29/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới niêm yết trên sàn Kitco tại 1.756,8 USD/ounce, tăng 22 USD so với phiên giao dịch liền trước và tăng 41 USD so với phiên giao dịch trước khi Fed nâng lãi suất, ghi nhận của TG&VN. Giá vàng kỳ hạn tháng 9 tăng 1% lên giao dịch ở mức 1.736,70 USD/ounce.

Lập trường không quá bảo thủ của Fed đã giúp kìm hãm đồng USD. Dù Fed đã tăng mạnh lãi suất trong một nỗ lực nhằm hạ nhiệt lạm phát leo thang mạnh nhất kể từ những năm 1980, nhưng Chủ tịch Fed Powell cũng cho biết về những tính toán thận trọng rằng, một đợt tăng lãi suất “lớn bất thường” khác có thể phù hợp tại cuộc họp chính sách tháng 9, nó có thể sẽ ở tốc độ chậm hơn để không gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ. Quyết định sẽ được xác định bởi các dữ liệu kinh tế từ bây giờ đến khi đó.

Diễn biến khiến chỉ số USDX giảm 0,2% xuống mức thấp nhất trong hơn ba tuần, giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với những người mua bằng ngoại tệ khác.

Nhà phân tích độc lập Ross Norman cho rằng, các nhà giao dịch đã thận trọng giảm bớt kỳ vọng về việc tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo, khi số liệu GDP quý II sẽ cung cấp rõ ràng về sức mạnh của nền kinh tế số 1 thế giới.

Giá vàng trong nước mình một đường

Giá vàng SJC tiếp tục lại có một phiên giao dịch diễn biến trái chiều với xu hướng tăng giá mạnh mẽ của thị trường thế giới. Chốt phiên ngày 28/7, giá vàng SJC tiếp tục giảm khá sâu khoảng 100.000 - 400.000 đồng/lượng tại tất cả cửa hàng. Trong đó, hệ thống PNJ điều chỉnh mạnh nhất, khi giảm giá vàng miếng SJC 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 400.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Công ty VBĐQ Sài Gòn, Tập đoàn Phú Quý và Bảo Tín Minh, đồng loạt giảm 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chỉ riêng Tập đoàn Doji chỉ giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào bán ra so với phiên giao dịch giờ mở cửa.

Với giá hiện tại, vàng miếng SJC đang cao hơn gần 17 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới đã được quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank, tương đương khoảng 48,8 triệu đồng/lượng. Trước đó, giá vàng SJC cũng đã liên tiếp giảm sâu. Như vậy, so với mức giá 67,3 - 67,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) của ngày 16/7 - phiên giao dịch trước đợt tự do, giá vàng SJC tụt mất 2,4 - 3,8 triệu đồng/lượng.

Như vậy, dù giá vàng thế giới đang phục hồi, nhưng người mua vàng SJC trong nước vẫn lỗ ít nhất 2,4 triệu đồng/lượng trong vòng chưa đầy hai tuần.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên cuối ngày hôm qua (ngày 28/7):

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 65,00 – 66,02 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 63,50 – 65,50 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 65,00 – 66,00 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 65,00 – 66,00 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 65,02 – 65,98 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 52,16 – 52,91 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 51,60 – 52,70 triệu đồng/lượng.

Dự báo giá vàng: Xu hướng tăng có bền?

Điểm mấu chốt rút ra từ cuộc họp của Fed lần này là tốc độ tăng lãi suất trong tương lai sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế, điều này khiến cho việc dự đoán động thái tiếp theo của vàng trở nên cực kỳ khó khăn. Theo khảo sát của Reuters đối với một số nhà kinh tế, tăng trưởng GDP quý II/2022 có thể sẽ phục hồi với tốc độ 0,5%/năm.

Nhà phân tích độc lập Ross Norman cho rằng, “ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng, Fed đang buộc phải nâng lãi suất bởi các sự kiện phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của họ - và đó là các vấn đề của chuỗi cung ứng”.

Việc tăng lãi suất để kiểm soát tình trạng lạm phát leo thang có xu hướng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý, vốn là tài sản không sinh lãi. Lượng vàng nắm giữ của quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1, xuống còn khoảng 32,3 triệu ounce.

Do vậy, đối với Nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered, "rủi ro với giá vàng có vẻ vẫn nghiêng về phía đi xuống, do thị trường vẫn dựa vào biến động của USD, trong bối cảnh nhu cầu vàng xuống thấp vì khả năng Fed tiếp tục nâng lãi trong tháng 9".

Trong khi đó, Chuyên gia David Meger, Giám đốc Giao dịch kim loại quý tại High Ridge Futures, nhận định: "Nếu thị trường tin rằng lãi suất sẽ không tăng quá cao và quá nhanh, đó sẽ là môi trường có lợi cho vàng. Và cũng là lý do giá đi lên sau phiên họp của Fed".

Với tâm lý lạc quan, chuyên gia George Milling-Stanley, Chiến lược gia thị trường trưởng tại State Street Global Advisors, cho rằng đây có thể là một bước ngoặt quan trọng đối với kim loại quý. Theo ông, việcgiá vàng thế giới quay trở lại trên 1.750 USD là sự thể hiện gần hơn về giá trị hợp lý của nó. Sự bất ổn kinh tế ngày càng tăng và bất ổn địa chính trị đang diễn ra sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng, đặc biệt là khi Fed sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt.

Chiến lược gia Milling-Stanley nói thêm rằng, ông không ngạc nhiên khi giá vàng tăng 2% một ngày sau quyết định chính sách tiền tệ của Fed. Trong khi đó, còn hai tháng nữa mới diễn ra cuộc họp tiếp theo của Fed, từ nay tới đó sẽ có nhiều dữ liệu được công bố.

Milling-Stanley chia sẻ thêm, các thị trường hiện đang tập trung nhiều hơn vào mối đe dọa suy thoái hơn là việc Fed tăng lãi suất, điều này có thể làm suy yếu USD và giới hạn lợi suất trái phiếu. Đồng thời, ông nói thêm rằng ngay cả khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, Cục Dự trữ Liên bang sẽ khó có thể kiểm soát lạm phát hoàn toàn.

“Khi nỗi sợ hãi về suy thoái của mọi người lại nổi lên và tôi chắc chắn rằng nó sẽ xảy ra nhiều lần trong hai tháng tới, thì vàng sẽ phát triển tốt khi các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn”, chiến lược gia Milling-Stanley nói. "Tôi dự đoán, tăng trưởng sẽ tiếp tục chậm lại. Nền kinh tế Mỹ sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều trước khi nó trở nên tốt hơn so với điều tích cực đối với vàng".

Từ diễn biến thị trường, Milling-Stanley cho biết ông đang duy trì kịch bản giá vàng giao dịch trong khoảng 1.800 USD đến 2.000 USD/ounce trong năm nay. "Vẫn có khả năng vàng có thể kết thúc năm trên mức 2.000 USD/ounce", ông nói. Với số lượng ngày càng tăng của các bất ổn kinh tế vĩ mô lớn, các bất ổn địa chính trị lớn, thật khó để hiểu tại sao vàng sẽ ở lại vị trí của nó trong suốt thời gian còn lại của năm. "Tôi đang kỳ vọng giá vàng sẽ tăng, không sớm thì muộn".