Giá vàng hôm nay đã vượt mức 57 triệu đồng/lượng. (Nguồn: CNBC)
Giá vàng tăng mạnh
Trong phiên giao dịch đầu tuần này, giá vàng đã có khởi đầu tương đối tốt khi bật tăng mạnh trở lại sau nhiều ngày "lẹt đẹt" ở dưới mức 1.850 USD/ounce. Xu hướng đi lên của giá vàng thế giới đã xuất hiện từ phiên giao dịch sáng ngày 1/2, nhưng mức tăng mạnh đã chính thức xuất hiện trong phiên giao dịch chiều cùng ngày.
Cụ thể, giá vàng thế giới giao ngay trên sàn giao dịch điện tử Kitco hiện đang ở mức 1.865,1 - 1.866,1 USD/ounce, tăng tới 17 USD/ounce so với phiên giao dịch liền kề.
Giá vàng thế giới bật tăng đã thúc đẩy giá vàng SJC trong nước tăng theo. Chốt phiên giao dịch hôm nay 1/2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn đang niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,6 - 57,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng ở cả chiều mua và bán so với phiên giao dịch liền kề. Giá bán cao hơn giá mua 500.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Công ty Bảo tín Minh Châu hiện niêm yết tại mức 56,56 - 56,94 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long hiện được niêm yết ở 54,68 - 55,23 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Vì sao vàng tăng trở lại?
Theo các tổ chức đầu tư quốc tế, giá vàng khởi đầu tuần này bằng đợt tăng giá mạnh do giữ vững đà tăng từ phiên giao dịch cuối tuần trước. Nguyên nhân của sự đi lên này là do đầu cơ gia tăng trên thị trường chứng khoán thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại quý.
Giá vàng thế giới đang tìm lại trạng thái hưng phấn sau một tuần biến động tiêu cực. Triển vọng lạm phát tăng cao dưới tác động của gói kích thích 1.900 tỷ USD mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất cũng yếu tố giúp vàng tăng giá. Vàng thường được xem là hàng rào chống lại lạm phát gây ra bởi các gói kích thích lớn.
Đặc biệt trong phiên giao dịch ngày hôm nay (1/2), giá vàng đi lên được cho còn xuất phát từ yếu tố các nhà đầu tư đang lựa chọn vàng như là một biện pháp phòng hộ khi dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu.
Đại dịch Covid-19 và hạn chế đối với các hoạt động kinh doanh đã tác động nặng nề tới nền kinh tế Mỹ, khiến nhu cầu hàng hóa và dịch vụ sụt giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục. Kinh tế Mỹ trong năm 2020 đã sụt giảm 3,5% mặc dù được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi sau khi kiểm soát được dịch bệnh trong năm nay.
Ông Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường tại ThinkMarkets nhận định, kinh tế thế giới sẽ không sớm phục hồi như mong đợi. Sự chậm trễ trong việc triển khai vaccine và xuất hiện các biến thể mới của vi rút đồng nghĩa là giai đoạn nền kinh tế phải tạm ngừng hoạt động để chống dịch sẽ lâu hơn dự kiến, qua đó đẩy giai đoạn phục hồi kéo dài hơn. Đó là lý do để tin rằng, vàng vẫn có tiềm năng để tăng cao hơn nữa.
Ole Hansen, chuyên gia hàng hoá tại Ngân hàng Saxo nhận thấy, giá vàng cần phá vỡ ngưỡng kháng cự 1.890 USD nếu muốn tiếp tục đi lên.
Trong nước, các chuyên gia cũng dự báo, giá vàng có thể sẽ tăng trong ngắn hạn. Đơn cử như chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, còn vài tuần nữa đến ngày Thần Tài và vào ngày này, giá vàng trong nước thường tăng mạnh.
"Theo quan sát của tôi trong nhiều năm, giá vàng trong ngày vía Thần Tài thường được đẩy lên rất cao một phần là nhờ nhu cầu vàng trong ngày này tăng nhưng nguyên nhân chủ yếu là do các tiệm vàng đẩy giá", ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Không chỉ vàng, bạc cũng đang bùng nổ
Cũng trong phiên giao dịch đầu tuần, bạc đã tăng vọt 11,2%, lên mức cao nhất trong gần 8 năm qua khi truyền thông kêu gọi các nhà đầu tư mua vào kim loại này và góp phần tái hiện “cơn sốt” đã đưa cổ phiếu của công ty trò chơi video GameStop tăng đến 1.500% chỉ trong hai tuần.
Theo Investing, giá bạc tăng sau một loạt những bài đăng trên nền tảng Reddit kêu gọi các nhà đầu tư cá nhân mua cổ phiếu của công ty khai thác bạc và quỹ ETF về bạc iShares Silver Trust, trong một phi vụ "bán non" như đã diễn ra đối với cổ phiếu GameStop vào tuần trước.
Giới đầu tư đổ xô vào thị trường và kéo giá bạc giao ngay đã tăng 8,4% lên 29,26 USD/ounce vào lúc 11h44 ngày 1/2 (theo giở Mỹ), trước đó đạt mức cao nhất kể từ tháng 2 năm 2013 ở mức 30,03 USD/ounce.
Ross Norman, một nhà phân tích độc lập cho biết, thật khó để xác định đà tăng của bạc có thể đi bao xa.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia theo dõi thị trường kỳ cựu đã tính toán, lạm phát thương mại, các ngân hàng trung ương lớn "ồ ạt" bơm tiền và các chính phủ bơm quá nhiều thanh khoản vào các hệ thống tài chính để khởi động các nền kinh tế lớn trên thế giới đã bị tê liệt bởi đại dịch Covid-19 sẽ là lý do để vàng và bạc sẽ giữ đà tăng trong ngắn hạn.
Nhà phân tích Eugen Weinberg của Commerzbank dự báo, trong trung hạn, bất kỳ sự tăng giá quá mức nào đều có hại cho bạc vì nó có thể gây tổn hại đến nhu cầu vật chất. Bởi đà tăng mạnh có thể khiến kim loại này được xem như một tài sản đầu tư.
Linh Chi