GIÁ NHƯ NGÀY ẤY

GIÁ NHƯ NGÀY ẤY

I

Sau mấy ngày ăn Tết ở quê với ông bà nội trên Thái Nguyên, hôm ấy ba bố con anh hăm hở trở về Hà Nội. Chiếc xe đạp tàng tàng không chỉ chở người mà còn cõng thêm đủ các thứ quà cáp lỉnh kỉnh. Có lẽ ông bà xót cô con dâu Tết vẫn phải trực ca kíp nên cái gì cũng muốn gửi về theo. Cả đoạn đường dài thuận buồm xuôi gió nhưng khi về đến Đông Anh thì trời bắt đầu trở chứng. Gió thổi ù ù quất vào mặt lạnh tê lạnh tái. Cái xe đạp có lúc cứ khựng lại tưởng không thể điều khiển được nữa. Con chị 10 tuổi, con em 8 tuổi ngồi phía sau cố ôm ghì lấy bố mà vẫn rét run cầm cập. Ngược gió, anh vẫn cố ghìm tay lái để xe khỏi đổ. Bỗng có người phi chiếc xe máy Babeta* lướt qua. Nhìn thấy cảnh tượng khổ sở của người đàn ông đang đánh vật với gió rét cùng hai cô con gái bé bỏng mặt đẹp như tranh vẽ ngồi phía sau khiến anh thanh niên tò mò cho xe đi chậm lại. Hình như anh có nhã ý che chắn bớt gió cho ba bố con thì phải. Người thanh niên chủ động bắt chuyện:

- Anh và các cháu đi còn xa nữa không?

- Về Hà Nội, còn chú?

- Em cũng về Hà Nội, Khu tập thể Trương Định.

- Thế thì cùng đường rồi! Nhà anh ở Kim Liên.

Như để an ủi động viên ba bố con, người thanh niên cứ vè vè chiếc xe máy bên cạnh nói chuyện cho vui. Nhưng đi được chừng một cây số nữa thì người thương binh này gần như kiệt sức vì vết thương ở chiến trường năm nào đang hành hạ anh. Thấy cách ăn nói lịch lãm, dân dã dễ gần của người bạn đồng hành, anh bèn mạnh dạn đề xuất:

- Hay tiện thể, chú em đưa các cháu về trước giúp anh. Có phiền lắm không?

- Ôi dào! Anh đừng khách khí thế, chúng mình có cơ duyên gặp nhau rồi đấy. Nào! Hai cháu sang đây với chú, ta đi xe máy vèo một cái là về đến nhà rồi!

Được lời như cởi tấm lòng, anh rê chân phanh xe lại luôn. Lúc hai con nhanh nhảu trèo lên chiếc Babeta, ông bố còn cẩn thận dặn: “Nhớ ôm chú thật chặt cho ấm các con nhé!”.

II

Hơn hai tiếng đồng hồ vật lộn với mưa gió, rồi anh cũng về được đến nhà. Chị ra tận cửa đón. Nhìn chồng mặt mày tím tái, đầu tóc bơ phờ lại về chỉ có một mình, bèn ngạc nhiên hỏi:

- Bọn trẻ ở lại ăn Tết với ông bà trên ấy hả anh?

- Ơ! Thế các con chưa về nhà à? Anh tưởng chú Babeta đưa chúng nó về đây trước cả tiếng đồng hồ rồi chứ!

- Chú nào vậy anh?

Nghe vợ hỏi dồn dập, anh đành kể lại hành trình từ Thái Nguyên về Hà Nội rồi bảo: “Ở đời này còn có nhiều người tốt lắm em ạ! Cũng có khi chú ấy tạt qua nhà trước, gặp bữa cơm cho chúng nó ăn luôn rồi đưa về đây cũng không muộn”.

Nghe chồng nói có tình có lý, chị giục anh đi rửa chân tay, tranh thủ ăn cơm cho nóng sốt.

Vừa ăn cơm họ vừa thấp thỏm chờ tiếng còi xe máy. Nhưng càng ngóng càng chẳng thấy đâu. Quãng đường gần trăm cây số gần như đã vắt kiệt sức người thương binh hạng 2/4 này, chị lại giục anh lên giường nghỉ trước. Trời đã sang xuân nhưng càng khuya càng rét tợn. Lòng chị như đang có lửa đốt vì đồng hồ đã điểm 12 giờ đêm. Vừa dọn dẹp chị vừa thầm trách chồng: “Sao lúc ấy không hỏi tên và địa chỉ của chú Babeta ở Trương Định để chủ động sang đón con về. Người đâu mà đoản vị thế! Năm mới năm me làm phiền người ta là tối kị!”.

Nằm chưa ấm chỗ, hình như bụng dạ cũng không yên, bỗng anh vùng dậy hớt hải:

  • Chết thật! Nghĩ dại chứ nhỡ đâu chú ấy bị tai nạn thì anh ân hận quá!

III

Thế rồi ngay trong đêm hai vợ chồng mỗi người một xe, cứ hướng Đông Anh mà đạp như điên như dại. Vừa qua khỏi cầu Đuống gặp ai họ cũng hỏi thăm và ai cũng bảo từ chiều hôm qua đến giờ chẳng có tai nạn giao thông nào xảy ra trên đoạn đường này. May quá vừa đến Thị trấn Đông Anh họ gặp được một bà đi chợ sớm liền mách: “Cứ vào đồn Công an đằng kia kìa, hình như con của anh chị đang ở trong ấy thì phải!”.

Vừa bước vào đồn, nhìn thấy các con, anh chị bủn rủn cả chân tay. Hai đứa trẻ bơ phờ như kẻ mất hồn, chạy lại ôm chầm lấy bố mẹ khóc tức tưởi. Chú công an đang tiếp chuyện người đàn ông có dáng dấp một lão nông tráng kiện. Giọng ông oang oang như lệnh vỡ, chẳng cần giữ ý tứ gì, bức xúc kể:

“Trời xẩm tối không còn nhìn rõ mặt người, tôi đang đặt mấy cái đó dưới rìa sông thì bỗng nghe thấy tiếng khóc và tiếng chưởi. Hình như tiếng trẻ con thì phải. Tôi nghĩ: “Đêm hôm mưa gió thế này mà con cái nhà ai lại còn ở đây?”. Tôi bèn chạy lên triền đê thì thấy cảnh tượng thật bàng hoàng. Một thằng thanh niên ăn mặc đỏm dáng đang đè nghiến đứa lớn xuống và ra sức tụt quần con bé, nó giẫy dụa la hét lạc cả giọng. Con em còn bé nhưng sao mạnh mẽ thế! Nó vừa chưởi vừa lấy dép nện vào đầu thằng khốn nạn. Tôi vớ được hòn đá dưới chân, nhao tới quát thật to: “Thằng súc sinh kia! Mày sẽ chết với ông!”. Nó vội vã đóng khóa quần rồi chạy ngược lên đê, rồ máy chạy mất”.

IV

Chuyện ấy xảy ra đã lâu lắm rồi, từ ngày hai chị em còn trực ca thông tin, vui buồn thường trút bầu tâm sự. Rồi cơ quan cứ chia tách liên tục nên chị em chúng tôi mỗi người một nơi. Tình cờ hôm nay tôi mới có dịp gặp lại chị. Bao nhiêu năm qua chị chuyển chỗ ở đến mấy lần. Chị đã nghỉ hưu, nét phong trần hiện rõ trên khuôn mặt của một người đàn bà kém may mắn. Bây giờ nhà chị ở sâu trong hẻm như kẻ ẩn giật tu hành. Chồng chị sau khi vết thương của chiến trường trở nặng đã mất từ mấy năm trước. Nhà không có bàn tay người đàn ông nên trống trải toềnh toàng quá. Một cô gái rũ rượi đang ngồi bó gối ở góc giường, chỉ khuôn mặt trái xoan và chiếc mũi dọc dừa xinh xinh là tôi nhận ra cháu. Nghe mẹ giục: “Chào cô đi con!”, đôi mắt bồ câu ngày xưa lúc nào cũng như biết nói, bây giờ thất thần, chỉ khẽ mở ra nhìn tôi, rồi sợ sệt cụp xuống ngay. Chị kéo tôi ra ghế ngồi rồi than thở: “Từ ngày xảy ra cái chuyện động trời ấy cháu bị trầm cảm, sau khi anh mất, bệnh càng nặng thêm. Con em được học hành tử tế, có công ăn việc làm ổn định, đã ngoài 30 tuổi rồi nhưng nhất quyết không chịu lấy chồng. Hình như chuyện xưa vẫn còn ám ảnh cháu mãi… ”.

Tôi đã ở lại chơi với chị rất lâu để an ủi và nghe chị trút bầu tâm sự, những điều mà chị đã nén chặt trong lòng bấy lâu nay. Gia cảnh như thế này đã khiến chị luôn sống khép kín là phải. Thắp cho anh nén hương mà lòng tôi nặng trĩu u buồn. Nhìn gương mặt chân chất hiền từ của người thương binh trong di ảnh càng khiến tôi cứ day dứt mãi: “Giá ngày ấy anh đừng vội vàng “gửi trứng cho ác” thì sao đến nông nỗi này”.

*Babeta: Một loại xe máy của Tiệp Khắc được dùng nhiều ở thập kỉ 80.